Kính thưa các bác “bê hát y tê”!

(Dân trí) - Mong rằng “cam kết”: “Thu cao phạm vi quyền lợi chắc chắn lớn hơn, chất lượng dịch vụ sẽ tốt hơn” của Vụ phó Khảm không phải là “lời nói gió bay” mà sớm thành hiện thực bởi đưa trẻ đi khám bảo hiểm hiện nay vẫn còn là nỗi kinh hoàng mang tên “bê hát y tê” (BHYT).

 

Kính thưa các bác “bê hát y tê”! - 1

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Năm nào cũng vậy, cứ đến thời điểm khai trường là cả cộng đồng xã hội lại nhốn nháo với các khoản thu.

Ngoài các khoản chính như học phí, xây dựng nhà trường, kèm theo đó là hàng loạt các khoản thu khác như Bảo hiểm tai nạn, Vở báo bài + phù hiệu - mã số, Giấy bao màu + bìa + nhãn, Sách Thực hành Kỹ năng sống, Phụ thu sách TATC, Chụp ảnh…

Mặc dù nhiều văn bản của Bộ GD&ĐT đã quy định không được tổ chức thu những khoản ngoài quy định, nhưng tình trạng lạm thu vẫn diễn ra khá nghiêm trọng.

Không ít lời than vãn các trường núp dưới danh nghĩa “tự nguyện” mà thực chất là “bắt buộc” được phản ánh đến các cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, dù thế nào thì cuối cùng phụ huynh cũng chỉ có cách ngậm đắng nuốt cay, không có thì đi vay mà đóng góp.

Trong “bối cảnh loạn thu”, năm nay, dư luận càng “nóng bỏng” khi Bộ Y tế tăng mức thu bảo hiểm y tế học đường lên 150% khiến nhiều phụ huynh “méo mặt” và bất bình bởi mức thu cho lĩnh vực này còn cao hơn cả tiền học phí.

Trao đổi với báo Tiền phong, ông Bùi Hồng Quang, Phó Vụ trưởng Vụ kế hoạch Tài chính Bộ GD&ĐT cho hay, năm học 2015-2016 bắt đầu áp dụng Luật Bảo hiểm y tế mới với mức đóng cao hơn.

“Những năm trước, học sinh chỉ đóng BHYT theo các tháng trong năm học, năm nay luật quy định đóng 15 tháng, trong đó có thể chia làm nhiều đợt”. Ông Quang nói.

Còn trên báo Vietnam Net, bài “Bảo hiểm cao hơn học phí: Bộ Y tế nói gì?” TS Lê Văn Khảm, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế) giải thích:

“Chúng ta nói cao hay thấp phải phân tích khía cạnh quyền lợi khi tham gia đảm bảo như thế nào. Thu cao phạm vi quyền lợi chắc chắn lớn hơn, chất lượng dịch vụ sẽ tốt hơn, đã được tính toán cân đối khả năng đáp ứng của hộ gia đình”?!

Không chỉ thế, TS Khảm còn “khuyên nhủ” cần có suy nghĩ “nhân văn”: “Có người nói con tôi đóng bao nhiêu năm đóng BHYT nhưng mấy khi dùng. Tôi nghĩ đó điều rất là hạnh phúc, may mắn. Chúng ta không ai muốn sử dụng dịch vụ y tế trừ khi có nhu cầu. Còn chúng ta không dùng tức là chúng ta làm việc thiện, đang chia sẻ trách nhiệm với xã hội, cộng đồng. Ý nghĩa đó nên được mọi người thấu hiểu và có thay đổi nhận thức”.

Vâng! Các bác nói thì bác nào cũng đúng, cũng phải, lý lẽ bác nào cũng cao siêu kèm với trích dẫn văn bản này, qui định nọ và tràn ngập tinh thần nhân văn sâu sắc. Còn dân chúng em thì chỉ thấy nó cứ vùn vụt, vùn vụt tăng theo mỗi tháng, mỗi năm.

Chúng em còn biết rằng ở Việt Nam ta hiện nay có 3 “thị trường” màu mỡ nhất. Đó là “thị trường sức khỏe”, “thị trường học hành” và “thị trường buôn thần, bán thánh”.

Ở “thị trường thần thánh”, khi mấy ông “thầy mo”, bà “đồng cốt” đã nói là răm rắp nghe theo. Nhà cửa đang yên lành, “thầy” phán không hợp tuổi là phá ra xoay lại. Tiền bạc ở đây “không là vấn đề”.

Đối với “thị trường sức khỏe”, mỗi khi ốm đau, “có bệnh thì vái tứ phương”, thầy thuốc nói gì nghe đấy, nhất nhất tuân theo, tiền bạc cũng “không là vấn đề”.

Còn đối với “thị trường giáo dục”, thôi thì “tất cả vì con em chúng ta”, tiền bạc lại càng “không là vấn đề”.

Thế nên nhà trường bắt đóng bao nhiêu, bảo thu bao nhiêu là nhất nhất phải nghe theo dù trong lòng vô cùng “ấm văn ức”.

Về khía cạnh quyền lợi, chúng em mong rằng “cam kết”: “Thu cao phạm vi quyền lợi chắc chắn lớn hơn, chất lượng dịch vụ sẽ tốt hơn” của Vụ phó Khảm không phải là “lời nói gió bay” mà sớm thành hiện thực bởi đưa trẻ đi khám bảo hiểm hiện nay vẫn còn là nỗi kinh hoàng mang tên “bê hát y tê”.

Điều này, không nói thì phụ huynh nào từng đưa con đến bệnh viện đều “thấu tỏ đoạn trường”…

Vâng, phụ huynh chúng tôi cũng rất hạnh phúc nếu như được thực sự chia sẻ, “làm việc thiện” đối với xã hội. Chỉ có điều hơi lo ngại, lỡ ra nó lại “thất thoát” vào đâu đó thôi, phải không các bạn?

Bùi Hoàng Tám

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!