Không để lễ hội trở thành "thương trường" mang nặng màu sắc bán - mua

Bùi Hoàng Tám

(Dân trí) - Theo thông tin từ Dân trí, UBND tỉnh Nam Định đồng ý dừng tổ chức lễ hội Khai ấn đền Trần 2021 theo đề nghị của UBND thành phố Nam Định và Sở VH-TT-DL Nam Định để phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Không để lễ hội trở thành thương trường mang nặng màu sắc bán - mua - 1

Đây là quyết định đúng và cũng là năm thứ hai liên tiếp Lễ hội Khai ấn tạm dừng cùng lý do trên. Vậy thì có nên coi đây là cơ hội để xem xét một cách toàn diện các lễ hội truyền thống, mang tính nhân văn nhưng cũng không ít điều tiếng này?

Theo những gì tôi biết, tục lệ khai ấn đền Trần là bởi từ thời nhà Trần, cứ đến ngày 23 tháng chạp, triều đình gói ấn tín đem về nơi phát tích xứ Thiên Trường để cúng bái trời đất, cảm tạ tiên tổ. Đến ngày 14 tháng giêng thì mở lễ khai ấn để trở lại công việc bình thường.

Có thể vào dịp đầu xuân, triều đình ban phát bổng lộc, chức tước gì đó nên sau này, việc xin ấn đền Trần được coi như cơ duyên nhận bổng lộc, chức tước từ thần thánh, tổ tiên ban cho.

Đây là nét văn hóa đẹp, cần gìn giữ nhưng thời gian qua, cách tổ chức, quản lý không tốt nên nét đẹp bị phai mờ mà tính thực dụng, cầu danh lợi lại phát triển mạnh mẽ. 

Nhìn chung, người tham gia Lễ Khai ấn đền Trần về cơ bản gồm ba "dạng".

Thứ nhất là những người sắp có chức tước hay có chức tước nhưng mong muốn vị trí cao hơn nữa hoặc có chức tước nhưng chưa chắc chắn, dễ bị lung lay nên cầu bình ổn.

Thứ hai là những người không có chức tước gì, thậm chí chắc chắn chẳng bao giờ có cũng mơ chức tước.

Thứ ba là những người đi chơi xuân. Nhóm này gồm những người không có chức tước để cầu và cũng biết có cầu cũng chẳng được nên đi lễ chủ yếu là để du xuân, do đó việc xin được ấn hay không cũng không là vấn đề quan trọng.

Tiếc rằng nhiều năm qua, nhóm người thứ nhất và thứ hai khá đông nên lễ hội nhiều khi nhuốm màu sắc thương trường và mang nặng mê tín, dị đoan. Không ít người coi việc lấy ấn đền Trần như một sự mua bán với niềm tin thăng quan, tiến chức, nhất là ở những năm đầu và cuối mỗi nhiệm kỳ.

Trở lại với việc dừng Lễ hội đền Trần của Nam Định, đây là chủ trương đúng, nhất là vào thời điểm đại dịch covid - 19 đang bùng phát trở lại hiện nay.

Song, về lâu dài, có lẽ không chỉ với Lễ hội đền Trần mà ở nhiều lễ hội khác, cần có sự chấn chỉnh để mỗi lễ hội thực sự là ngày hội của sự vô tư, trong sáng và văn hóa, không để lễ hội trở thành "thương trường" mang nặng màu sắc bán - mua.