Tâm điểm
Bích Diệp

Khi tiền "lót tay" gửi vào tài khoản bố vợ

Vụ việc liên quan đến bê bối kit test Việt Á đang ngày một lộ thêm những tình tiết mới gây chú ý.

Theo kết luận thanh tra việc mua sắm trang thiết bị vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, Sở Y tế tỉnh này đã ký 8 hợp đồng với Công ty cổ phần công nghệ Việt Á, tổng giá trị hơn 8,2 tỷ đồng.

Bà Hồ Thị Thanh Thảo - cán bộ của Công ty Việt Á - đã 4 lần chuyển khoản cho ông Trần Gia Phú - Trưởng đơn vị Vi sinh, Phó giám đốc Trung tâm xét nghiệm thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ - với tổng số tiền trên 2 tỷ đồng. Tính ra, số tiền này tương đương hơn 24% giá trị các hợp đồng được ký kết.

Trong 4 lần chuyển tiền nói trên, có 2 lần tiền được chuyển vào tài khoản của bố vợ ông Phú. Cơ quan thanh tra cho rằng, ông Trần Gia Phú đã nhận số tiền trên 2 tỷ đồng mà không báo cáo với Ban giám đốc bệnh viện cũng như Ban giám đốc Sở Y tế tỉnh Phú Thọ. Khi đoàn thanh tra đến làm việc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ (ngày 25/1/2022), ông Trần Gia Phú mới báo cáo sự việc và xin nộp vào ngân sách nhà nước toàn bộ số tiền đã nhận.

Tới đây cơ quan chức năng sẽ làm rõ và kết luận về sự việc nêu trên. Tuy nhiên, việc tiền "lót tay" gửi vào tài khoản bố vợ như thông tin ban đầu cơ quan thanh tra đưa ra, một lần nữa cho thấy việc kê khai, kiểm soát tài sản và thu nhập của cán bộ đang chưa bao quát được "cửa sau". 

Theo Nghị định 130/2020, người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập phải kê khai tài sản, thu nhập của mình, của vợ hoặc chồng và con chưa thành niên. Thảo luận dự án Luật phòng, chống tham nhũng 4 năm trước, nhiều đại biểu Quốc hội nêu vấn đề nếu chỉ quy định như trên là quá hẹp, chưa thực sự xoáy vào "tảng băng chìm". Bởi vì trong thực tế, ở nhiều tỉnh thành, người dân đều biết, bố, mẹ, ông, bà… của một số cán bộ "bỗng dưng" sở hữu nhiều dự án, cổ phần công ty, biệt phủ, xe sang với tài sản cả chục tỷ đồng hoặc hơn; thậm chí có những "cậu ấm, cô chiêu" còn trẻ nhưng đã làm chủ dự án lớn.

Trên nghị trường lúc đó, đại biểu Quốc hội Đinh Duy Vượt đã nêu dẫn chứng về loạt án mà tài sản được tẩu tán cho bố, mẹ, người thân đứng tên như vụ Huyền Như, Giang Kim Đạt, Trịnh Xuân Thanh... Vị đại biểu này cho rằng, đây là một trong những nguyên nhân mà cơ quan tư pháp dù rất cố gắng, quyết liệt, tỷ lệ thu hồi tiền tham nhũng còn thấp so với yêu cầu. 

Sở dĩ quy định hiện hành chỉ yêu cầu kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức hoặc của vợ (chồng) và con chưa thành niên, vì ban soạn thảo Luật và nghị định cho rằng mở rộng diện kê khai sẽ gây khó khăn cho công tác xác minh. Hơn nữa, quyền sở hữu tài sản, bảo mật thông tin là quyền con người và theo đó, không nên mở rộng diện kê khai sang bố mẹ, con cái trưởng thành và những người thân khác của cán bộ. 

Trở lại với trường hợp Phó giám đốc Trung tâm xét nghiệm thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, tiền từ doanh nghiệp đã được gửi vào tài khoản bố vợ chứ không chỉ gửi vào tài khoản của ông này. Giả sử với trường hợp này, người trong cuộc không tự giác khai báo và cơ quan chức năng không rà soát thu nhập, tài sản của những người liên quan, thì dường như sẽ xuất hiện một "kẽ hở".

Vậy làm sao để nâng cao hơn nữa năng lực phòng, chống các trường hợp "đứng tên hộ", "núp bóng"?. Chúng tôi cho rằng, trong khi Quốc hội chưa sửa Luật theo hướng cho phép mở rộng đối tượng kê khai, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, rà soát các nguồn thu nhập và tài sản dù mang tên người khác nhưng có liên quan đến cán bộ. Ví dụ cổ phần ở một doanh nghiệp lớn mang tên người bố nhưng qua thanh tra, kiểm tra có nguồn gốc từ tiền của người con, thì đây là cơ sở để nhà chức trách vào cuộc để làm rõ.

Về lâu dài, để việc kiểm soát thu nhập, tài sản của cán bộ thực sự hiệu quả, thiết nghĩ cần nghiên cứu mở rộng diện kê khai đối với người thân của cán bộ, nhất là những người giữ các vị trí nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng.

Hiện nay với một công ty đại chúng, khi vấn đề sở hữu liên quan tới cổ đông thì định kỳ mỗi năm hai lần, hội đồng quản trị công ty đó vẫn phải báo cáo về tình hình sở hữu của người nội bộ và những đối tượng liên quan đến người nội bộ bao gồm bố mẹ, vợ/chồng, con cái, anh chị em ruột và các tổ chức khác có liên quan. Tinh thần của quy định này hoàn toàn có thể áp dụng vào lĩnh vực kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức.