Khi Thủ tướng chỉ đạo một đường, dưới vẫn làm một nẻo

(Dân trí) - Nếu ẩn sau việc làm đó, có động cơ cá nhân, có tính chất nhũng nhiễu, thiết nghĩ, Chính phủ cần phải trực tiếp chỉ đạo, nghiêm trị ngay những cán bộ, công chức liên quan để đem lại niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp.


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Cuối tuần trước, báo chí đã đồng loạt đưa tin việc Đội quản lý thị trường (QLTT) số 14, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã buộc phải trả lại số hàng 2,2 tấn xúc xích cho chủ Cơ sở chế biến thực phẩm Việt (Viet foods, Bình Dương) sau khi Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khẳng định sản phẩm Viet foods an toàn cho người sử dụng, không có chất cấm, chất gây ung thư như QLTT đã công bố cho báo chí trước đó.

Nhưng c ho đến khi số hàng được trả lại chủ thì phần lớn số xúc xích đó đã gần hết hạn sử dụng. Doanh nghiệp lâm vào tình trạng sống dở, chết dở vì hầu hết công nhân nghỉ việc, hàng không tiêu thụ được, các đại lý đồng loạt trả hàng... mà chưa dễ gì minh oan. Trong khi các tháng trước đây, tháng nào cơ sở này cũng xuất ra thị trường gần 100 tấn sản phẩm. Hàng chục tấn sản phẩm trả về, không bán được hư hỏng, phải làm thức ăn cho cá, nhiều khách hàng nợ tiền tỉ viện cớ không thanh toán tiền hàng.

Câu chuyện trên lại làm dấy lên nỗi bức xúc, lo lắng không chỉ ở vài doanh nghiệp mà ở cả cộng đồng doanh nghiệp trong quan hệ với cán bộ, công chức có quyền lực. Sự lạm quyền trong thi hành công vụ ở nhiều nơi, hàng ngày vẫn gây nên bao nhiêu phí tổn, bao nhiêu bi kịch cho các doanh nhân mà không dễ có một thống kê nào chính xác, diễn tả được.

Trước vụ việc trên, báo chí cũng đã ghi nhận khá nhiều chuyện tương tự. Trước đây đã có việc 40 chủ hàng ở TP Hồ Chí Minh đã nhờ luật sư, khiếu nại, buộc Cơ quan Cảnh sát môi trường tỉnh Hải Dương phải bồi thường một lô hàng bạch tuộc trị giá gần 1 tỉ đồng do kiểm tra, thu giữ không đúng quy định, làm hư hại số hàng của họ.

Gần đây nhất, cuối năm 2015, một tài xế là Lương Hoàng Mỹ cũng đã kiện Trưởng công an huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang tại Tòa án nhân dân tỉnh này về việc xử phạt, giữ phương tiện sai, gây thiệt hại lớn về tài sản của anh này. Vụ án gây tiếng vang lớn khi đó, cho thấy người dân, doanh nghiệp khi quyết tâm đấu tranh, chống lại tình trạng lạm dụng quyền lực của cơ quan công quyền mà được sự ủng hộ của toà án, luật sư, báo chí... họ đã có thể thắng kiện.

Nhưng không phải người dân, doanh nghiệp nào cũng lựa chọn hình thức khiếu kiện, tố cáo khi bị cơ quan công quyền xử ép. Có người ngậm ngùi chịu thiệt với quan niệm "chờ được vạ thì má đã sưng" như việc đầu năm nay, một chủ hàng ở Cà Mau thuê chở lô hàng cá sấu (nuôi) lên Móng Cái (Quảng Ninh) bán thì bị lực lượng liên ngành, có cả sự tham gia của Văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia bắt giữ, xử lý sai, nhưng cuối cùng, ông này cũng không được bồi thường cho hàng trăm con cá sấu bị chết vì nghi oan là "động vật hoang dã".

Với vụ việc mới xảy ra với Cơ sở sản xuất xúc xích Viet Foods, Quản lý thị trường Hà Nội vẫn chưa xin lỗi và nhận trách nhiệm bồi thường cho chủ hàng. Đây là một dấu hiệu cho thấy, mặc dù Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc liên tục có những chỉ đạo các ngành, các cấp quyết liệt cải cách môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp làm ăn nhưng ngay thời điểm này, ở nơi này nơi khác, có những cán bộ, công chức vẫn có những hành vi đi ngược chỉ đạo này. Nếu ẩn sau việc làm đó, có động cơ cá nhân, có tính chất nhũng nhiễu, thiết nghĩ, Chính phủ cần phải trực tiếp chỉ đạo, nghiêm trị ngay những cán bộ, công chức liên quan để đem lại niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp.

Mạnh Quân