Khi thủ trưởng “tranh công, chối tội…”!

(Dân trí) - Hình như việc “tranh công, chối tội, đổ lỗi, thanh minh” đã trở thành “công thức” hành xử hiện nay. Những ai làm sếp mà lại tranh công của cấp dưới, chối tội với cấp trên liệu có dám ngẩng mặt nhìn trời xanh không nhỉ?


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Trước khi từ giã chức vụ Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải ít ngày, ông Đinh La Thăng vẫn không ngừng thể hiện tính quyết liệt đến giây phút cuối cùng khi đề nghị cách chức ông Tổng Giám đốc TCty Vận tải đường sắt Hà Nội Nguyễn Viết Hiệp.

Lý do là từ năm 2015, Công ty Vận tải đường sắt Hà Nội đã hoàn tất việc đàm phán mua 160 toa xe của Trung Quốc qua sử dụng. Đây là loại toa xe khổ 1.000mm của Cục Đường sắt Côn Minh - Trung Quốc, trong số này có 120 toa đóng từ hơn 20 năm trước, những toa xe mới nhất cũng có tuổi thọ khoảng 12 năm.

Một quyết định chính xác và rất cần thiết bởi không thể mua về một đống sắt vụn với giá cao.

Sự việc có thể sẽ “êm đẹp” khi đã có một “kẻ đóng thế” là ông Nguyễn Viết Hiệp nếu không có việc mới đây, báo chí phát hiện “tác giả” của vụ việc này chính là Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.

Không chỉ là bút phê nhất trí chủ trương mua tàu cũ của Trung Quốc, mà việc chấp thuận giá cả của lô tàu còn được TCty Đường sắt Việt Nam khẳng định bằng văn bản, đơn giá này thậm chí vẫn được tính bằng tiền Nhân dân Tệ (NDT) chứ chưa quy đổi ra tiền Việt.

Theo thông tin từ một số tờ báo, việc mua bán toa tàu đã qua sử dụng của Trung Quốc đã được tiến hành từ năm 2013. Nhưng rồi, do các sự kiện liên quan đến biển Đông đã làm chững lại việc khảo sát mua các toa tàu này.

Đến ngày 8/ 5/2014, TCty Đường sắt Việt Nam có Công văn số 148 về chuyến công tác của Chủ tịch Hội đồng Tư vấn làm việc với Cục Đường sắt Côn Minh ghi rõ: “Khảo sát thực tế và thảo luận việc mua toa xe hàng khổ đường 1.000mm đã qua sử dụng của Cục Đường sắt Côn Minh.”

Tiếp đó, tại Công văn 229 ngày 29.8.2014, Tổng giám đốc Vũ Tá Tùng phê: “Tôi đồng ý về nhu cầu đầu tư như báo cáo trình bày…”.

Tại Công văn 399 ngày 15.10.2014, Chủ tịch Trần Ngọc Thành phê: “Tôi nhất trí thực hiện nhanh chủ trương đầu tư toa xe hàng đã qua sử dụng của Trung Quốc”…

Theo báo Lao động ngày 20/2, rõ nhất vai trò chỉ đạo mua toa tàu cũ là ở hai công văn số 1408 và 3955. Trong đó, nội dung công văn thứ nhất ghi rõ: “TCty ĐSVN thống nhất về chủ trương đàm phán mua toa xe đã qua sử dụng của Cục ĐS Côn Minh - Trung Quốc…”.

Nội dung công văn thứ hai cũng nêu rõ: “Phối hợp với Cục Đường sắt Côn Minh – Trung Quốc hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục theo quy định của pháp luật”.

Tóm lại, khó có thể nói khác, việc mua toa xe cũ này là chủ trương của TCty Đường sắt Việt Nam mà TCty đường sắt Hà Nội là người thực hiện.

Nếu như Tổng giám đốc TCty Đường sắt Hà Nội bị cách chức thì đương nhiên, những người đứng đầu TCty Đường sắt Việt nam không thể vô can.

Có lẽ hiểu rõ điều này nên ngay lập tức, lãnh đạo TCty Đường sắt Việt Nam “chạy tội”. Trả lời phỏng vấn báo Dân trí ngày 4/2, ông Trần Ngọc Thành - Chủ tịch Hội đồng thành viên TCty Đường sắt Việt Nam “chối bay, chối biến”: “Tôi chưa được báo cáo về việc mua tàu cũ của Trung Quốc. Tàu mới sử dụng một năm tôi cũng không mua chứ đừng nói tàu đã qua sử dụng 20 năm…”. Nói như thế là chưa… thành thật, bác Thành ạ.

Chả lẽ nội dung các công văn trên, bác lại không biết? Chả lẽ một sự việc lớn như thế, xảy ra ở cơ quan mấy năm trời mà làm người lãnh đạo cao nhất như bác cũng… không biết.

Và chả lẽ cái Công văn 399 ngày 15.10.2014 do chính bác phê rành rành: “Tôi nhất trí thực hiện nhanh chủ trương đầu tư toa xe hàng đã qua sử dụng của Trung Quốc” bác cũng… không biết nốt? Thực ra, việc “tranh công, chối tội” có từ thời Thạch Sanh – Lý Thông. Thế nhưng gần đây, hiện tượng “Lý Thông” khá phổ biến.

Hình như việc “tranh công, chối tội, đổ lỗi, thanh minh” đã trở thành “công thức” hành xử hiện nay?. Những ai làm sếp mà lại tranh công của cấp dưới, chối tội với cấp trên liệu có dám ngẩng mặt nhìn trời xanh không nhỉ?

Bùi Hoàng Tám