“Khách VIP” và những cái tát vào chính mình

(Dân trí) - VIP là từ viết tắt của cụm từ “Very Important Person”, chỉ những nhân vật quan trọng như những chính khách, những người có địa vị xã hội, những đại gia với tiềm lực tài chính mạnh, những nhân vật nổi tiếng là người của công chúng…


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

VIP, theo một nghĩa nào đấy là những người có đẳng cấp trong xã hội. Tất nhiên, đẳng cấp này (địa vị, tiền tài, tiếng tăm…) kéo theo đẳng cấp khác (văn hóa, văn mình, ảnh hưởng tích cực và những cống hiến cho cộng đồng, xã hội…). Tuy nhiên, công chúng thỉnh thoảng lại được chứng kiến những biểu hiện ngược lại ở một số thành phần trong giới VIP.

Xin kể tới sự kiện diễn ra vào ngày 13 tháng 8 vừa qua, một khách VIP ở khoang Thương gia trên chuyến bay của Vietnam Airlines đã tát vào mặt một nữ tiếp viên hàng không do sau khi ngủ dậy, ông ta không tìm thấy chiếc điện thoại của mình. Mặc dù đã bị Cục Hàng không Việt Nam xử lý nghiêm khắc như phạt 15 triệu đồng và cấm bay trên các chuyến bay quốc tế và nội địa của tất cả các hãng hàng không khai thác tại Việt Nam trong 6 tháng, nhưng dư luận vẫn chưa thôi bức xúc và có người đã khuyên nạn nhân nên khởi kiện vị khách này về việc đã xúc phạm danh dự và vi phạm thân thể mình.

Trước đó, chỉ tính trong khoảng thời gian từ năm 2012 đến năm 2015 thôi, đã có nhiều vụ việc tương tự gây phẫn nộ trong dư luận như: Một khách VIP khi bị tiếp viên nhắc nhở phải xếp hàng đã thẳng tay tát vào mặt một viếp viên mặt đất, một khách VIP khác khi không được xếp chỗ ngồi theo ý mình đã hành hung nhân viên check in, xé cả vé của người xếp hàng sau mình. Thậm chí, một VIP đã tát một tiếp viên nam chỉ vì bị người này kiểm tra Chứng minh thư hơi lâu. Đó là chưa kể đến những vụ khách VIP sàm sỡ, có cư xử lố bịch với tiếp viên nữ, hoặc xem phim sex… trên một số chuyến bay.

Năm 2013, dư luận đã từng phẫn nộ về vụ một “khách VIP” trong khi đi chơi golf đã đánh nhân viên phục vụ sân golf đến ngất xỉu và bị hiệp hội goffl cấm cửa trên toàn quốc.

Cứ có nhiều tiền sẽ thành khách VIP, khách VIP là Thượng Đế của Thượng Đế, bất luận tiền được đến từ đâu: từ tài năng, từ lao động tài giỏi và chân chính, từ những cơ may của số phận hay đến từ những gian tham, từ những thủ đoạn làm ăn chụp giựt, từ đặc quyền đặc lợi… thậm chí từ trộm cắp, cướp giật.

Tiền đến từ đâu sẽ hình thành nên chủ nhân của nó ở đó. Tiền đến từ những cống hiến không mệt mỏi, từ tài năng, từ lao động chân chính sẽ làm nên người chủ văn minh biết tôn trọng đồng loại, biết giá trị của nhân phẩm, của tư cách, biết tiền chưa phải là tất cả.

Còn tiền đến từ những “lỗ đen”, từ sự nhập nhoạng của bóng tối thì chủ nhân của nó dễ hợm hĩnh, ngạo ngược, khinh rẻ các giá trị đạo đức, coi thường các chuẩn mực xã hội. Sự làm giàu bất chính dễ làm nên những kẻ khiếm khuyết về nhân cách.

Thế nên, chuyện VIP khệnh khạng, ngạo ngược, tinh tướng… tưởng mình là Thượng Đế thật, coi tài sản, sở thích, mong muốn của mình quan trọng hơn cả nhân phẩm người khác, cư xử kiểu trọc phú, “du thủ du thực” nơi công cộng… sao mà lố bịch và thảm hại.

Tiền là thứ cần nhưng chưa đủ để một người có thể chứng tỏ được đẳng cấp của mình. Nếu thiếu văn hóa, thiếu nhân cách, thì một “Khách VIP” cũng chỉ có thể cho thấy được đẳng cấp chiếc túi tiền chứ không phải đẳng cấp con người của họ.

Liệu vị thương gia trên chuyến bay kia có hiểu được, cái tát mà anh ta vung lên với nữ tiếp viên của Vietnam Airlines kia là cái tát anh ta đã tát vào chính tư cách, nhân phẩm của mình?

Cát Thụy