Hơn nửa tỉ USD, những cái “cổ chai” & “món nợ 1/4 thế kỉ”

(Dân trí) - Hà Nội từng được coi là thành phố Hòa bình, năm 2017 được xác định là năm Văn minh đô thị. Đó là điều rất đáng mơ ước. Song, người dân có những điều mơ ước giản dị hơn, thiết thực hơn, chẳng hạn chỉ cần xóa đi những cái nút này, Hà Nội chắc chắn sẽ thông thoáng hơn nhiều.

Hơn nửa tỉ USD, những cái “cổ chai” & “món nợ 1/4 thế kỉ” - 1

Ùn tắc giao thông không là chuyện lạ mà thậm chí, không ùn tắc mới là… chuyện lạ ở Thủ đô Hà Nội nhiều năm qua. Nó đã đi vào văn học dân gian với các câu “thành ngữ” như: “Hà Nội không vội được đâu”, “Đường Hà Thành hanh thông mới lạ”…

Mới đây, phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 4 HĐND TP Hà Nội khóa XV, đại biểu Nguyễn Phi Thường - Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) Tổng công ty vận tải Hà Nội (Transerco) cho rằng, Thủ đô Hà Nội đang gặp rào cản cũng như nguy cơ tụt hậu về quản lý đô thị.

“Nếu không phải là ngay lúc này, Hà Nội sẽ không có cơ hội để hành động thoát khỏi ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường”. Ông Thường nói. Và theo ông Thường, ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội mỗi năm "đốt" khoảng 600 triệu đô la.

600 triệu USD tuy là con số rất lớn nhưng những tính toán của ông Thường nếu chính xác cũng chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” bởi đây là con số tài chính cụ thể mà chưa kể hàng loạt các vấn đề khác như thời gian, sức khỏe và cả tâm lý ức chế mỗi khi lâm vào cảnh tắc đường.

Tiền bạc nào có thể đong đếm được khoảng thời gian đã mất cùng những giọt mồ hội đầm đìa dưới cái nắng nóng khủng khiếp 45-50 độ C những ngày hè vừa qua…

Thật ra, đường phố Hà Nội tắc gần như “toàn tòng”. Song, tắc nhiều nhất, triền miên nhất là những “nút cổ chai” mà nhiều khi tức đến gai mắt.

Một con đường đang rộng thênh thang, xe cộ đi lại thông thoáng, thoắt một cái, lù lù hiện ra cái nút cổ chai bóp nghẹt lại. Thế là xẹ cộ bỗng giảm tốc độ và dần dần là… tắc. Những cái tắc thậm vô lý chỉ vì một cái cớ cực kỳ vô lý như đường Trường Chinh hay đầu đường Nguyễn Hữu Thọ chẳng hạn.

Tại đường Trường Chinh, con đường đang rộng thênh thang đến ngã tư Tôn Thất Tùng chợt teo tóp lại. Thế là dù chỉ khoảng vài trăm mét nhưng con đường này là nỗi kinh hoàng bởi hầu như không thời điểm nào không tắc.

Trớ trêu hơn, tại nút giao thông Nguyễn Hữu Thọ - Giải Phóng, không hiểu vì lý do gì mà cả một tuyến đường đẹp, bỗng bị “ngáng” bởi mấy cái nhà từ nhiều năm nay không được di dời. Báo chí, đài truyền hình đã lên tiếng nhưng hình như vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”, thách thức người dân…

Hà Nội còn có một “món nợ” đã trải qua gần ¼ thế kỉ, đó là con đường Vành đại 2,5. Được qui hoạch từ năm 1992, sau nhiều lần nâng lên đặt xuống và đã từng được ấn định khánh thành vào năm 2003, thế nhưng đến nay, con đường vẫn đang “sắp và sẽ”.

Công bằng gần đây, chính quyền địa phương đã nỗ lực rất lớn trong việc giải phóng mặt bằng. Với quan điểm thấu tình, đạt lý, đúng pháp luật cộng với tuyên truyền, vận động và cuối cùng là cưỡng chế, công việc đang có những tiến triển tích cực, được đông đảo người dân hoan nghênh, ủng hộ. Hơn 90% gia đình đã ủng hộ phương án, chấp nhận giải tỏa, đền bù.

Tuy nhiên, trả lời VTV1 cuối tháng 6/2017, ông Nguyễn Thăng Long, Chủ tịch UBND phường Định Công cho biết vẫn còn một số gia đình trong đó có một khu thuộc tập thể của Bộ Công an chưa thông nên công cuộc giải phóng mặt bằng đang gặp phải một số khó khăn.

Điều này đòi hỏi chính quyền phường Định Công, chính quyền quận Hoàng Mai và TP Hà Nội cần phải mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, giải quyết có tình, có lý trên cơ sở pháp luật.

Đặc biệt, không vì lý do gì làm cản trở tiến độ bởi đây là sự chờ đợi của gần 5 vạn dân các phường Định Công và các phường lân cận nói riêng, nhân dân Hà Nội nói chung đã 25 năm qua.

Hà Nội từng được coi là thành Phố Hòa bình, rồi năm "Văn minh đô thị", "Kỉ cương hành chính"... Đó là điều rất đáng mơ ước. Song, người dân có những điều mơ ước giản dị hơn, thiết thực hơn, chẳng hạn bởi chỉ cần xóa đi những cái nút này, Hà Nội chắc chắn sẽ thông thoáng hơn nhiều.

Xin đừng để con đường Vành đai 2,5 sống trong niềm chờ đợi “mơ về nơi xa lắm”…

Bùi Hoàng Tám