Hoa hồng và những “xác chết biết đi”, “thây ma đắp chiếu”

(Dân trí) - Những dự án “đắp chiếu” của ta, không thể “xòe bàn tay, đếm ngón tay” mà nếu ghi chép ra, có mà hàng tập giấy. Cái nhỏ thì một vài tỉ hay một vài chục tỉ đồng. Cái lớn thì ngàn tỉ hoặc hàng chục ngàn tỉ đồng… Vì sao lại có hiện tượng này?


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Có lẽ trước hết, cũng nên nói đôi chút về từ “đắp chiếu” mà giờ đây nhan nhản trên mặt báo mỗi ngày.

Cụm từ “đắp chiếu” bắt đầu từ một thực tế là ngày xưa, mỗi khi có người mất, gia chủ thường đắp lên tử thi một cái chiếu trước khi khâm liệm. Không ít nhà nghèo, không sắm được quan tài, bèn bó thi hài vào ngay cái chiếu đó đem chôn.

Song, có những người mất nhưng không có tiền ma chay hoặc vì một lý do nào đó như thiên tai (bão lụt) hoặc gia đình có đám hiếu hỉ gì đó, tóm lại là do nguyên nhân chủ quan hoặc khách quan, họ không (hoặc chưa) khâm liệm, chôn cất được nên đành “đắp chiếu” để đấy.

Thời gian gần đây, cụm từ này “biến hóa” sang nhiều lĩnh vực khác của đời sống. Đó là những bộ phim làm chẳng ai xem, mời chẳng ai đến nên “đắp chiếu” xếp trong kho.

Đó là những công trình khoa học trên mây dưới gió, làm ra cốt để giải ngân chia chác, bán chẳng ai mua đã đành, cho chẳng ai lấy nên cũng “đắp chiếu” cất trong ngăn kéo.

Song, nhiều nhất và tốn kém nhất phải kể đến những công trình, những dự án lớn mà cái nhỏ cũng vài chục tỉ, to thì hàng trăm, thậm chí hàng chục ngàn tỉ cũng cam phận “đắp chiếu”, muốn chôn không chôn đi được, càng để càng lỗ.

Trong bài báo “Những siêu dự án làm chậm quá trình phát triển của đất nước” đăng trên Dân trí, tác giả Mạnh Quân đã liệt kê một loạt các siêu dự án đã hoặc đang “đắp chiếu” mà mỗi cái lên đến hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn tỉ đồng.

Đó là Dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên (8.100 tỉ đồng) thuê nhà thầu Trung Quốc xây nhà máy từ năm 2007, nhưng đến nay nhà máy vẫn… “đắp chiếu”, Dự án Nhà máy đạm Ninh Bình (12.000 tỉ đồng) nhưng qua 4 năm hoạt động, mỗi năm đã lỗ khoảng 2000 tỉ đồng, Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ của công ty Cổ phần Hoá dầu và Xơ sợi dầu khí (7000 tỷ đồng) chỉ sau hơn một năm hoạt động, lỗ hơn 1.700 tỉ đồng phải “đắp chiếu”... và cả những công trình có qui mô cực lớn như Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (hơn 1 tỉ USD) được xây dựng từ năm 2005, luôn đe dọa nguy cơ đóng cửa...

Lý do, theo tác giả Mạnh Quân chủ yếu là bởi sử dụng công nghệ lạc hậu, không đồng bộ từ Trung Quốc. Hậu quả, “có những công trình "đắp chiếu", tiền rót vào để chúng có thể hoạt động được cho là không khác gì tiền nuôi... con nghiện!” như lời Mạnh Quân ví von.

Song, có một “con nghiện” nữa cũng cần được nhắc tới, đó là những “con nghiện” làm dự án. Ở một số người này, họ có một niềm “đam mê” vô tận là làm dự án bằng mọi giá như một “con nghiện”. Vì sao họ lại “nghiện” thì chỉ có họ và những người cùng hội, cùng thuyền mới tỏ tường.

Trở lại với câu hỏi vì sao lại có nhiều dự án “đắp chiếu” như vậy?

Lý do thì có nhiều, nào là nóng vội, nào là yếu tố khách quan, nào là biến động thế giới… và cả “chưa nhận thức hết vấn đề”.

Song, có một nguyên nhân nữa mà chưa hoặc ít người nói ra nhưng ai cũng biết. Đó là không loại trừ những đóa “hoa đồng tiền” trong vườn “hoa hồng” làm cho lóa mắt.

Người làm dự án cứ làm, miễn sao “vẽ” ra được những “vầng hào quang chói lọi” nào là tăng ngân sách, nào là giải quyết việc làm, nào là thực hiện chủ trương này, đường lối nọ… Người duyệt cứ duyệt dù có thể biết (có thể không biết) tất cả những cái đó chỉ là sự “sáng tác” bởi ai cũng hưởng lợi.

Tuy nhiên, có một lý do còn quan trọng hơn, đó là dù thành hay bại, thắng hay thua (ở đây chỉ có bại và thua) cũng chẳng ai chịu trách nhiệm cả. Tất nhiên, họ không chịu thì nước chịu, dân chịu cả thôi.

Mới đây, tại cuộc tọa đàm về “Lối thoát cho các đại dự án đang hấp hối” do báo Tiền phong tổ chức, nhiều chuyên gia đã đặt ra những vấn đề rất hay.

Ông Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng ĐH Xây dựng, cho rằng đây là hậu quả của cơ chế xin - cho, chạy dự án, chạy chức..., đồng thời đặt câu hỏi các bộ có được “lại quả” không?

Còn TS Lê Đăng Doanh thì đề nghị Nhà nước cần thống kê các dự án kém hiệu quả, đánh giá để có giải pháp, chỉ ra người chịu trách nhiệm, không để mọi việc chìm xuồng.

Đây là ý kiến rất đáng quan tâm bởi nếu như vẫn để tình trạng “sống chết mặc bay, tiền thầy đút túi” thì vẫn còn nhiều thêm nữa những công trình “xác chết biết đi” và những “thây ma đắp chiếu”, phải không các bạn?

Bùi Hoàng Tám