Dự án "Tàu tết"

(Dân trí) - Joe muốn độc giả ủng hộ cho một dự án "Tàu tết" mà theo Joe sẽ có hiệu quả rất lớn, mang lại niềm vui, hạnh phúc cho 10 triệu hành khách.

Nói về đường sắt, tôi muốn đề nghị các bạn ủng hộ tôi thành lập một dự án khá thú vị “Đường sắt thấp tốc”. 

“Nhưng Việt Nam đã có đường sắt thấp tốc rồi Joe ạ!” (Tôi biết các bạn đang nghĩ thế). Đúng. Nhưng đường sắt thấp tốc của tôi sẽ thấp tốc hơn nhiều, mang theo lợi ích mà các bạn chưa nghĩ đến. Tốc độ trung bình của đường sắt Việt Nam hiện nay là 50 km/h, đôi khi lên tận 51 hoặc 51,.5 km/h. Như thế là quá nhanh rồi. Phóng 51,5 km/h, nhìn ra cửa sổ có kịp thấy chim sẻ đậu xuống cây thông không? Có kịp vẫy lại các em nhỏ chạy hết hơi bên cạnh?

Khi đến nơi khách có cảm giác họ đang ở nơi xa không? Họ có coi địa điểm xuất phát là nơi trong quá khứ không – niềm vui nằm ngủ trong lòng hoài cổ, nỗi đau nhảy xuống vào lãng quên…Để có những cảm giác và kỷ niệm đó thì con người cần phải có thời gian.

Tôi đã nghiên cứu rồi. Với đường sắt, tốc độ lý tưởng là 9,6km/h. Tốc độ trung bình của người đi bộ là 4,8 km/h. Tôi đã nhân 4,8 với 2. (Nhưng đó là bí mật các bạn nhé; trong báo cáo chính thức của dự án tôi sẽ nói rằng tôi nhân 4,8 với 4 rồi trừ đi một nửa. Như thế nghe thuyết phục hơn.)

Quan trọng nhất là khách đi tàu thấp tốc của tôi phải cảm thấy thực sự thoải mái,  được làm quen nhau trong môi trường hết sức văn minh. Mà ở đâu cũng phải có cửa sổ, rất rất nhiều cửa sổ. Rồi thêm vào đó là những quán cà-phê, sàn nhảy disco, sàn nhảy van-xơ…

Nhân viên phục vụ không được tỏ ra khó chịu mà lúc nào cũng phải cười duyên, mặc trang phục đen trắng của osin Pháp ngày xưa (cả nhân viên nam nữa). Vì yêu cầu công việc cao như vậy nên các nhân viên ấy sẽ nhận lương cũng khá cao, bằng lương của tiếp viên hàng không Vietnam Airlines nhân với 2 rồi trừ đi một nửa.

Tết tàu

Dự án "Tàu tết" - 1


Cứ nửa năm sẽ có đoàn tàu đi từ Sài Gòn ra Hà Nội và đoàn tàu đi từ Hà Nội vào Sài Gòn. Hai đoàn tàu ấy sẽ xuất phát cùng lúc. Không thể thường xuyên hơn được; việc chuẩn bị đồ ăn và các hoạt động giải trí sẽ mất mấy tháng.

Thêm vào đó, sẽ có 10 triệu người đi. Một nửa Sài Gòn sẽ ra Bắc, một nửa Hà Nội sẽ vào Nam, chưa tính các khách khác đến từ các tỉnh ở giữa. Mỗi đoàn tàu sẽ có 50.000 toa, mỗi toa chứa 100 hành khách. (Chắc cần có 2 đầu máy tàu; việc kỹ thuật tôi sẽ tính sau.) Đó là đủ chỗ cho 5 triệu người, cộng 2 đoàn tàu với nhau (Sài Gòn-Hà Nội, Hà Nội-Sài Gòn) là đủ chỗ cho 10 triệu người luôn!

Như các bạn đã biết, đi từ Hà Nội vào Sài Gòn theo đường sắt là mất 1,726km. Tính 1,726km chia cho tốc độ trung bình là 9,6km/h là tàu thấp tốc của tôi sẽ mất 7,5 ngày để đi từ Hà Nội vào Sài Gòn (hoặc từ Sài Gòn ra Hà Nội). Nếu xuất phát cùng lúc thì sau 3,25 ngày 2 đoàn tàu thấp tốc sẽ gặp nhau ở thành phố Tam Kỳ, “thủ phủ” tỉnh Quảng Nam. Tam Kỳ nằm ngay giữa Hà Nội và Sài Gòn theo chiều dài của đường sắt.

Lúc đó sẽ tổ chức Lễ hội cửa sổ. Tại thành phố Tam Kỳ, 2 đoàn tàu sẽ dừng lại bên cạnh nhau, khách nào cũng phải mở cửa sổ ra, tặng người đối diện món quà nhỏ và được “lại quà” luôn! Rồi đoàn xuất phát từ Sài Gòn tiếp tục đi Hà Nội, đoàn xuất phát từ Hà Nội tiếp tục đi Sài Gòn.

Cả đi cả về sẽ mất 15 ngày. Nhưng khách đã mất 7,5 ngày chỉ để đi thôi, không thể về ngay được. Vậy khi đến Hà Nội, khách người Sài Gòn sẽ “mượn nhà” của khách người Hà Nội đi vắng và ngược lại. Vậy cả đi/cả chơi/cả về sẽ mất khoảng 20 ngày.

Nếu có 10 triệu người dân phải nghỉ làm hoặc nghỉ học trong vòng 20 ngày thì tốt nhất cho cả nước nghỉ luôn.

Ở Việt Nam đã có Tết Nguyên Đán rồi. Để hỗ trợ 10 triệu dân đi tàu thấp tốc của tôi, tôi nghĩ nhà nước sẽ phải thêm hai dịp Tết quan trọng nữa, mỗi dịp người dân được nghỉ ít nhất 20  ngày. Hai dịp Tết mới này tôi sẽ gọi là Tết tàu 1 và Tết tàu 2, rơi vào tháng 4 và tháng 8 âm lịch.

Dự án triển vọng lắm, các bạn ạ.

Rất có thể tiền đầu tư làm dự án đường sắt thấp tốc này sẽ ngang bằng tiền đầu tư làm dự án đường sắt cao tốc kia, khoảng một triệu tỷ đô-la, tôi không nhớ được chính xác. Nhưng xét về lợi ích của xã hội đó sẽ là một số tiền rất nhỏ. Tiền đầu tư không thể so sánh với niềm hạnh phúc của 10 triệu dân lần đầu tiên được ngồi tàu nhìn con chim sẻ đậu xuống cây thông.

Joe