Doanh nhân và những cơn bão lũ

(Dân trí) - Ngày "Doanh nhân Việt Nam" năm nay khác với mọi năm, hầu như không có hoạt động: Lễ kỷ niệm, hội thảo, Lễ tuyên dương... đáng kể nào được tổ chức; không có nhiều rượu, nhiều hoa, nhiều giải thưởng...như mọi năm. Nhưng cũng thật dễ hiểu: Ngày 13/10 năm nay, thiên tai, bão lũ đang diễn ra nhiều nơi, gây những hậu quả tang thương về người và tài sản...

Doanh nhân và những cơn bão lũ - 1

Giới phóng viên báo chí viết về kinh tế, như mọi năm, gần đến những ngày này sẽ khá bận rộn để đi sự kiện này, sự kiện kia chuẩn bị kỷ niệm ngày doanh nhân (13/10), nếu không phải của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, thì cũng của nhiều Hiệp hội doanh nghiệp các ngành, nghề tổ chức.

Thật ra không phải không có những sự chuẩn bị cho ngày 13/10 mà thực tế, đã có một số cuộc hội thảo, tọa đàm về vai trò của doanh nhân trong nền kinh tế, các lễ kỷ niệm, trao giải... đã được xúc tiến. Nhưng cho đến ngày 12/10 và 13/10, nhiều sự kiện đã được thông báo: Hoãn vô thời hạn trừ một 2 sự kiện chính của VCCI (nhưng cũng không quá rùm beng).

Lý do hoãn các sự kiện có ý nghĩa này hóa ra rất đơn giản và mọi người đều đồng tình: Đúng thời điểm này, ở nhiều địa phương, mưa bão, lũ lụt đang xảy ra liên tiếp, gây ra những thiệt hại to lớn về người và tài sản cho người dân. Theo thống kê của các cơ quan nhà nước, đã có trên 70 người chết và mất tích, hàng ngàn ngôi nhà bị sập, hàng vạn ha lúa, hoa màu bị tàn phá...

Trong bối cảnh ấy, việc các đơn vị tổ chức sự kiện đồng loạt hủy các sự kiện kỷ niệm cho thấy, giới doanh nhân Việt Nam rất nhân văn, đồng cảm với người dân.

Và ai cũng biết rằng, cũng chính giới doanh nhân Việt Nam luôn là những người đi đầu cho các chương trình, hoạt động từ thiện xã hội. Chưa có thống kê nào chính xác cho biết tỷ lệ kinh phí, hàng hóa dành cho các hoạt động từ thiện, xóa đói giảm nghèo.... từ các nhóm tài trợ nhưng chắc chắn, khối doanh nghiệp luôn chiếm tỷ lệ thuộc loại cao nhất.

Đặc biệt trong việc cứu trợ người dân bị thiệt hại do thiên tai hàng năm, giới doanh nhân cũng luôn là nhóm tài trợ có những hoạt động hỗ trợ: Kinh phí, lương thực, thuốc men... lớn nhất những nơi bị thiệt hại qua các kênh khác nhau: Mặt trận Tổ quốc, cơ quan báo chí...

Đã có những doanh nhân còn âm thầm xây dựng, thực hiện những chương trình từ thiện, nhân đạo riêng về chăm sóc sức khỏe cho người dân, tạo việc làm cho những người bị thiệt thòi, tàn tật... mà người ta dễ dàng search (tìm kiếm) thông tin trên báo chí, mạng xã hội.

Nói vậy cũng không có nghĩa là trên thực tế, vẫn còn không ít những doanh nhân Việt trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình còn ít quan tâm đến công ích: Bảo vệ môi trường, tham gia hoạt động từ thiện xã hội... Thậm chí, có nhiều doanh nghiệp còn chạy theo lợi nhuận, xả thải không qua xử lý, gây ô nhiễm môi trường, làm hàng gian, hàng giả, ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ cộng đồng... Có những doanh nghiệp cả đời không bỏ ra 1 đồng làm từ thiện, nói gì đến những việc lớn hơn.

Thậm chí, trong lúc mưa bão làm tan hoang nhà cửa, đồng ruộng, lũ cuốn trôi, làm chết, mất tích nhiều người dân, không phải là hoàn toàn không có những doanh nhân, thậm chí có cả Hội doanh nghiệp đâu đó vẫn tổ chức lễ lạt rùm beng, ca hát... nhưng nhìn chung, đó là số ít.

Với những hoạt động xã hội rộng khắp ngày nay, có thể nói, giới doanh nhân Việt Nam đang ngày càng lớn mạnh và ngày càng thể hiện phẩm chất nhân đạo truyền thống của dân tộc: Biết làm ra của cải, có lợi nhuận, tạo nhiều việc làm cho xã hội nhưng cũng ngày càng quan tâm hơn đến lợi ích chung của cộng đồng, đóng góp lớn vào sự phát triển chung của đất nước.

Mạnh Quân