Điều ước của ông Lộc và niềm nuối tiếc của Giáo sư Thọ

(Dân trí) - Ông Vũ Tiến Lộc nói ước mơ giản dị của ông là doanh nghiệp không phải gian nan đối phó với thủ tục còn GS Trần Văn Thọ tiếc nuối về những thời cơ Việt Nam đã bỏ lỡ để làm một con hổ mới châu Á.

Điều ước của ông Lộc và niềm nuối tiếc của Giáo sư Thọ - 1

Ngày 5/5 vừa rồi, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2019 (PCI), đánh dấu chặng đường kéo dài 15 năm của dự án này.

Tại sự kiện nói trên, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc có ví von rằng: PCI “như cánh chim không mỏi mang tinh thần cải cách tới mọi miền đất nước”.

Người viết, trên tư cách là một phóng viên kinh tế, từng có thời gian tương đối dài theo dõi sự kiện này, nhận thấy, quả thực đây là một cuộc hành trình dằng dặc, gian nan.

Đành rằng, việc “doanh nghiệp chấm điểm chính quyền” đã tạo sức ép đáng kể lên các địa phương, yêu cầu các tỉnh, thành phải thay đổi nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, thế nhưng, chặng đường 15 năm là rất dài.

Trên tờ Tuổi trẻ ngày 30/4, GS. Trần Văn Thọ đã

nhắc lại lời một quan chức của Bộ Tài chính Nhật, người phụ trách việc nối lại viện trợ của Nhật cho Việt Nam cuối năm 1992, đã nói một cách tiếc rẻ: “Hồi đó chúng tôi nghĩ Việt Nam sẽ là con hổ mới ở châu Á”.

Cho nên, dù nói gì thì nói, nếu không có những lực cản về mặt thể chế kinh tế, nếu không bị kìm hãm và ràng buộc bởi những điều kiện kinh doanh bất hợp lý, thủ tục hành chính rườm rà, sự nhũng nhiễu của một bộ phận công chức… thì có lẽ cộng đồng doanh nghiệp đã mạnh hơn và sự phát triển của nền kinh tế không chỉ như hôm nay.

Không phủ nhận về những thành tựu đạt được, đất nước đang thay da đổi thịt từng ngày, nhưng nuối tiếc vẫn còn rất nhiều. Thế hệ những người lao động chúng ta vẫn dằn vặt, lo lắng về nguy cơ tụt hậu so với các nước phát triển trên thế giới, vẫn lo về bẫy thu nhập trung bình, vẫn khắc khoải liệu rồi có “chưa giàu thì đã già” hay không…

Tất nhiên, cuộc sống rất khó để nói đến mệnh đề “giá như…, thì…”, bởi để làm hết được tất cả những “giá như” đó còn phụ thuộc vào khả năng chớp thời cơ, điều kiện, năng lực thực tế.

Mặc dù vậy, nhìn lại đánh giá, “chấm điểm” của các doanh nghiệp với chính quyền địa phương thời gian qua, thấy rằng, một số lĩnh vực cải cách triển khai còn chậm, thủ tục còn phiền hà.

Theo kết quả VCCI công bố, có tới 59% doanh nghiệp cho biết họ gặp khó khăn trong thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng; 53% doanh nghiệp gặp khó khăn vướng mắc trong thủ tục liên quan tới lĩnh vực xây dựng và quy hoạch; 43% doanh nghiệp gặp khó khăn khi xin quyết định chủ trương đầu tư...

Chi phí không chính thức đã giảm liên tục trong mấy năm gần đây nhưng vẫn còn cao. Vẫn có tới trên 50% số doanh nghiệp phản ánh họ phải trả các chi phí không chính thức.

“Suy ngẫm về con số này, tôi luôn có một điều ước giản dị, giá như doanh nghiệp nước mình không phải gian nan đối phó với thủ tục để toàn tâm, toàn ý đối diện với thị trường thì đất nước sẽ còn phát triển đến đâu!” - lời ông Vũ Tiến Lộc.

Là một người làm báo, chỉ có thể quan sát và phản ánh, truyền tải thông tin, người viết cũng ao ước, giá như các lãnh đạo địa phương, các cán bộ, công chức thực thi có thể “đặt xuống” được những mảnh lợi ích cục bộ, cá nhân trước mắt để nghĩ cho đại cục và đạt được lợi ích to lớn hơn.

Hậu đại dịch Covid-19 đang được đánh giá là một “thời cơ” mới để vực dậy nền kinh tế. Thực sự mong rằng, lần này chúng ta sẽ “chớp lấy” được, không còn bỏ lỡ, không còn nuối tiếc…!

Bích Diệp