Muôn kiểu "thư tay" có "lung lạc" công đường?

(Dân trí) - Cũng có thể ở ta, đã từng có những công văn, thư tay tương tự như thế này và đã có hiệu quả nhất định. Nếu như vậy thì đây là điều rất nguy hiểm bởi chúng ta đang xây dựng nhà nước pháp quyền, tất cả đều phải trên tinh thần thượng tôn pháp luật.


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Theo thông tin từ báo Dân trí, bài “Hải quan An Giang xin giảm nhẹ tội cho 28 công chức nhận hối lộ”, Nhà báo Phạm Tuyền cho biết trước ngày vụ án được đưa ra xét xử (8/6/2016), Cục Hải quan tỉnh An Giang có văn bản gửi Tòa án và Viện Kiểm sát nhân dân TP HCM đề nghị xem xét lại cáo trạng, giảm nhẹ hình phạt đối với các bị can.

Lý do mà Cục Hải quan đưa ra là bởi vụ việc này do chính ngành Hải quan chủ động phát hiện và ngăn chặn. Do đó, đây là tình tiết cần được đưa ra để xem nhẹ tội danh của một số cán bộ công chức. Khi vụ việc bị điều tra, những cán bộ vi phạm đã cung cấp đầy đủ chứng cứ, tài liệu kịp thời hỗ trợ điều tra vụ án. Hành vi gây thiệt hại cụ thể chưa xảy ra đồng nghĩa với hậu quả của tội phạm chưa hoàn thành. Tuy nhiên, 28 công chức Hải quan An Giang vẫn bị kết luận “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ, gây hậu quả nghiêm trọng” với hình thức phạt tù 10 -15 năm là chưa hợp lý.

Xin không bàn về nội dung đúng – sai của vụ việc trên cơ sở pháp lý bởi vụ án đang xét xử (dự kiến kéo dài 20 ngày từ ngày 8/6), tòa án sẽ có kết luận chính thức về những sai phạm này trên tinh thần đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Chỉ xin bàn đôi chút về “nội hàm” của việc ban hành công văn trên hay đặt câu hỏi vì sao Hải quan Anh Giang lại nhiệt tình sớm có văn bản trên? Động cơ là gì và có hợp lý hay không?

Về động cơ, có lẽ khó có lời biện giải nào khác cho việc ban hành văn bản này ngoài việc muốn có bản án với các hình phạt “nhẹ nhàng” cho một số bị can, vốn từng có thời gian là đồng nghiệp.

Song, dư luận xã hội cho rằng việc ban hành văn bản trên cũng thể hiện sự thiếu hợp lý bởi mấy lý do.

Thứ nhất, tòa án là nơi thực thi công lý theo luật pháp của một quốc gia, biểu tượng là vị thần cầm gươm, bịt tai, bịt mắt. Trước luật pháp, vị thần ấy chỉ tuân thủ theo pháp luật không nghe, không nhìn nên chắc chắn cũng… không nghe, không đọc cái công văn này. Do vậy người dân cho rằng, việc gửi văn bản như vậy là việc làm… vô ích.

Thứ hai, việc đúng – sai, phải – trái, tội nặng hay nhẹ sẽ được tranh tụng công khai tại tòa giữa đại diện viện kiểm sát và luật sư. Tòa sẽ tuyên án dựa trên kết quả tranh tụng và các qui định của pháp luật. Những lập luận trong công văn của Hải quan tỉnh An Giang, có lẽ nên gửi tới các luật sư để họ tham khảo khi tranh tụng thì “đúng địa chỉ” hơn là gửi cho tòa án.

Thứ ba, việc lấy danh nghĩa cơ quan gửi công văn đến tòa án với nội dung bênh che cho những hành vi phạm tội của các cán bộ của mình, tuy pháp luật không cấm nhưng thiết nghĩ đây là điều không nên.

Tuy nhiên, cũng có thể ở ta, đã từng có những công văn, thư tay tương tự như thế này và đã có hiệu quả nhất định. Nếu như vậy thì đây là điều rất nguy hiểm bởi chúng ta đang xây dựng nhà nước pháp quyền, tất cả đều phải trên tinh thần thượng tôn pháp luật.

Tóm lại với cái công văn trên, dư luận xã hội liên tưởng tới một kiểu “thư tay tập thể”, nhằm mục đích “bao che”, “chạy tội” cho những cán bộ của Hải quan An Giang, đồng thời cũng như là hình thức gây áp lực cho Hội đồng xét xử.

Hi vọng rằng vụ án này sẽ được xét xử thật sự khách quan nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật không để sót tội phạm, không để oan người vô tội vừa mang tính trừng phạt, vừa đủ sức răn đe… không vì bất cứ “áp lực” nào mà làm sai lệch vụ án hoặc nói như dân gian là xử cho qua chuyện và “án bỏ túi”.

Bùi Hoàng Tám