“Con đường xưa…”, “cậu đánh máy” và chờ đợi những “cụm từ ” mới lạ!

(Dân trí) - Mong rằng với sai phạm nghiêm trọng này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nên tìm cụm từ mới, loại trừ việc sử dụng những cụm từ “kiểm điểm”, “phê bình”, “khiển trách”, “cảnh cáo” để rồi lại “rút sợi dây kinh nghiệm” vì dân đã nghe đến phát chán lên rồi.


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Chuyện “Con đường xưa… ” đang dần đi vào hồi kết khi Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch đã thu hồi quyết định cấm lưu hành với 5 ca khúc sáng tác trước năm 1975 mà Cục Nghệ thuật biểu diễn ban hành trước đó. Một quyết định đúng pháp luật, hợp lòng dân, đặc biệt là thể hiện tinh thần hòa hợp dân tộc, không gợi lại nỗi đau chung của đất nước.

Vì việc cấm đoán “ái oăm” này đã khiến Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã phải lên tiếng: “Ca khúc nào đã quen thuộc, nội dung không vi phạm thuần phong mỹ tục, không xâm phạm lợi ích Nhà nước, lợi ích cộng đồng thì không nên cấm lưu hành. Các quyết định điều hành phải tiến hành trên cơ sở tuân thủ quy định của pháp luật”.

Tuy nhiên, sự việc chả lẽ đến đây rồi… thôi, không một lời xin lỗi, cũng “chả ai làm sao cả” để cuối cùng, vẫn lại ca bài ca muôn thủa “kiểm điểm nghiêm khắc” và “rút kinh nghiệm” cũng rất… nghiêm khắc?

“Vui” nhất là qua vụ việc này, lại thấy xuất hiện cái điệp khúc đổ lỗi quen thuộc tại “cậu đánh máy”. Chả biết cái cụm từ “tại cậu đánh máy” bắt đầu từ đâu, bao giờ mà gần đây, nó trở thành “thành ngữ” đổ lỗi cho cấp dưới.

Nghĩ cũng xót xa cho cái nghề nhiều “oan khuất” của những thân phận “con sâu, cái kiến” mang tên “cậu đánh máy”. Trước đây mấy năm, trên VTV có chiếu bộ phim nước ngoài nói nghề báo là “nghề nguy hiểm”. Có lẽ do đó là phim nước ngoài chứ nếu ở Việt Nam thì nghề đánh máy mới là nghề nguy hiểm, nhiều rủi ro nhất.

Vụ việc ban hành qui định trái pháp luật, không hợp lòng dân, ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần hòa hợp dân tộc, xúc phạm đến tác giả, bị dư luận phản ứng, nhiều vị lãnh đạo lên tiếng, cơ quan chủ quản bắt phải hủy lần này cũng được lãnh đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn giải thích là do “cậu đánh máy” mang tên Sở Văn hóa - Thể thao TP.Hồ Chí Minh, đơn vị tham mưu cho họ việc này.

Chuyện tham mưu cho vụ này thì hẳn là kém rồi, thậm chí nói thẳng là dốt rồi. Thế nhưng người nghe theo lời khuyên dốt thì… đại dốt bởi người xưa có câu “Nghe lời kẻ dốt là loại… đại dốt”. Hu!

Song giờ đây, một điều mà người dân quan tâm hơn, đó là phương thức xử lý như thế nào đối với việc ban hành văn bản này mà ở đây, cụ thể là trách nhiệm người đứng đầu, ông Cục trưởng Nguyễn Đăng Chương.

Trên báo Dân trí, hàng trăm ý kiến (comment) gửi về bày tỏ sự bất bình và đề nghị có hình thức xử lý nghiêm khắc với vị Cục trưởng này.

Bạn Bùi Lộc ngậm ngùi: “Chiến tranh đã lùi xa. Tổ quốc đang cần người Việt Nam dù bên này hay bên kia chiến tuyến cùng dòng máu con Lạc - cháu Hồng kép lại quá khứ, hướng tới tương lai. Vậy mà ai đó đã ngăn lại, đẩy người Việt xa nhau và hận thù không khép lại. Sao vậy? Ôi! tầm nhìn của những người có quyền lực (trong trường hợp này) sao hạn hẹp và ấu trĩ vậy? Nên có lời xin lỗi hoặc từ chức cho dân nhờ”

Song, đáng chú ý là phản ứng rất quyết liệt của Nhà văn Nguyễn Quang Vinh trên VOV ngày19/4, bài “Cục trưởng Nguyễn Đăng Chương nên rời vị trí”.

Trả lời phóng viên, Nhà văn Nguyễn Quang Vinh nói: “Về những lùm xùm quanh chuyện cấp phép, cấm bài hát mới đây của Cục NTBD, không riêng tôi mà giới nhạc sĩ, nghệ sĩ, công chúng vẫn còn mãi câu hỏi là không hiểu thế nào, Cục NTBD lại có thể bày đặt ra chuyện này? Nó vô lý, ngược ngạo, tào lao đến mức khó tin khi ra quyết định cấm lưu hành 5 ca khúc đã rất nổi tiếng.

Bi hài hơn là đòi cấp phép cho bằng được bài “Nối vòng tay lớn”, cứ như bị ma quỷ xui khiến chứ không phải hành xử của một cơ quan quản lý về văn hóa. Nhưng nực cười hơn là khi báo chí xoáy vào phỏng vấn thì lãnh đạo Cục này lại thi nhau, tranh nhau khẳng định là mình đúng, bất cần dư luận, bất cần nghe ngóng, bất cần thực tiễn. Một thứ hành sự máy móc, cố chấp, cực đoan và cũ kĩ đến khó tin…

Báo chí cũng vừa chỉ ra có nhiều bài hát Cục NTBD cấp phép nhưng thực tế là không hề có bài nào như vậy. Đến mức này thì người ta phẫn nộ thực sự trước bộ máy toàn lãnh đạo của Cục này. Một thái độ làm việc vô trách nhiệm, tắc trách đến lạ lùng. Chỉ cần những việc như thế đã đủ để cách chức lãnh đạo Cục này rồi”.

Có thể thấy, đề xuất của bạn đọc Dân trí và Nhà văn Nguyễn Quang Vinh không phải là không có cơ sở. Tuy nhiên, “từ chức” và “văn hóa từ chức” đối với Việt Nam ta còn là “mặt hàng xa xỉ” nên rất khó có thể xảy ra.

Vì thế, với chức năng và thẩm quyền của mình, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch nên có hành động kiên quyết và chỉ có như vậy, người dân mới thấy tinh thần hướng tới xây dựng một Chính phủ liêm chính của lãnh đạo Bộ.

Mong rằng với sai phạm nghiêm trọng này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nên tìm cụm từ mới, loại trừ việc sử dụng những cụm từ “kiểm điểm”, “phê bình”, “khiển trách”, “cảnh cáo” để rồi lại “rút sợi dây kinh nghiệm” vì dân đã nghe đến phát chán lên rồi.

Bùi Hoàng Tám