Chuyện Thủ tướng “xin lỗi người dân, mong người dân thông cảm”!

(Dân trí) - Muốn xây dựng một chính phủ liêm chính thì người đứng đầu phải liêm chính. Từ một việc nhỏ này, nhân dân sẽ có thêm niềm tin liêm chính vào người đứng đầu Chính phủ, phải không các bạn?

Chuyện Thủ tướng “xin lỗi người dân, mong người dân thông cảm”! - 1

Ngày 17/8, tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2015 và phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói “phải xin lỗi người dân, mong người dân thông cảm”.

Sự việc bắt đầu từ cách đây gần 10 ngày (8/8), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đi thăm phố cổ Hội An. Thủ tướng đi bộ, theo sau là một đoàn xe hộ tống. Theo qui định, đây là khu vực cấm xe cơ giới, chỉ được phép đi bộ.

Sau khi bức ảnh ghi lại những hình ảnh trên được phát tán trên mạng xã hội, đã có rất nhiều ý kiến xung quanh chuyện này. Trong đó, không ít lời chê trách.

Thực ra, nếu xét về luật pháp, đoàn xe của Thủ tướng không vi phạm luật Giao thông đường bộ. Tại Điều 22. Quyền ưu tiên của một số loại xe, Luật Giao thông đường bộ được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 13 tháng 11 năm 2008 qui định:

1. Những xe sau đây được quyền ưu tiên đi trước xe khác khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào tới theo thứ tự:

a) Xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ;

b) Xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường;

c) Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu;

d) Xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật;

đ) Đoàn xe tang.

2. Xe quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này khi đi làm nhiệm vụ phải có tín hiệu còi, cờ, đèn theo quy định; không bị hạn chế tốc độ; được phép đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông.

Như vậy, đoàn xe của Thủ tướng là xe đi làm nhiệm vụ, có cảnh sát dẫn đường nên “được phép đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông”.

Tuy nhiên, nhận thấy việc làm trên tạo nên những ý kiến khác nhau trong dư luận, Thủ tướng đã giải thích là khi ông đi bộ vào khu phố đi bộ cả cây số, ô tô đi phía sau đi vào đường cấm, ông không biết. Song, Thủ tướng vẫn nghiêm khắc nhìn nhận: “Ở đây phải thấy rằng trách nhiệm của Thủ tướng trong việc quán xuyến đoàn công tác chưa tốt và Thủ tướng phải xin lỗi người dân, mong người dân thông cảm”.

Những lời nói chân thành của Thủ tướng thể hiện thứ nhất, ông rất chú ý lắng nghe dư luận từ những nguồn khác nhau và trân trọng những ý kiến đó dù đúng hay sai.

Thứ hai, Thủ tướng đã thực hiện một tinh thần làm gương nhận trách nhiệm.

Thứ ba, Thủ tướng thực hiện đúng phương châm nói đi đôi vơi làm, không “nói một đằng, làm một nẻo”. Khi còn là Phó Thủ tướng, ông đã từng hơn một lần yêu cầu cán bộ công chức phải “4 xin”. Đó là xin chào, xin lỗi, xin phép, xin cám ơn. Và giờ đây cảm thấy mình có lỗi, ông đã nghiêm túc “xin lỗi và mong người dân thông cảm”.

Tóm lại, đây là sự việc không lớn và không vi phạm luật. Song, trước những ý kiến của nhân dân, Thủ tướng vẫn “xin lỗi, mong người dân thông cảm” là điều rất đáng trân trọng.

Việc làm của Thủ tướng không chỉ là làm gương mà còn là một thông điệp cảnh báo cho những “ông vua con” nào đó coi thường dư luận và pháp luật.

Muốn xây dựng một chính phủ liêm chính thì người đứng đầu phải liêm chính. Từ một việc nhỏ này, nhân dân sẽ có thêm niềm tin liêm chính vào người đứng đầu Chính phủ, phải không các bạn?

Bùi Hoàng Tám