Chuyện gói đường Thốt Nốt

(Dân trí) - Cục phòng chống tham nhũng – Thanh tra Chính phủ công khai số điện thoại đường dây nóng để khi người dân phát hiện cán bộ nhận quà trái quy định thì tố giác.

(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Ông Phạm Trọng Đạt – Cục trưởng Cục Chống tham nhũng cho hay, mỗi ngày đường dây nóng nhận khoảng 30 – 40 cuộc điện thoại của người dân từ khắp cả nước. Ngoài ra còn có tin nhắn và cuộc gọi trực tiếp cho cá nhân ông Đạt và lãnh đạo Cục.

Mỗi ngày có nhiều cuộc gọi như vậy, nhưng không bắt được ông tham nhũng nào cả. Cũng theo ông Đạt, thì đa số là tin tố giác không có cơ sở, “nhìn hiện tượng, đoán bản chất”. Ví dụ như đường dây nóng nhận tin có cán bộ nhận quà Tết một gói vuông vuông nghi chứa rất nhiều tiền, nhưng sau đó xác minh mới biết đó là gói đường Thốt Nốt.

Gói to chưa hẳn là quà to. Dân chỉ thấy gói to là gọi đường dây nóng thì nguy quá. Đường dây nóng nhận nhiều tin nhưng tin không có chất lượng. Đôi khi, chiếc phong bì hay chiếc nhẫn nho nhỏ, nhưng giá trị lớn hơn cả xe tải chở hàng tạp hóa.

Người đưa hối lộ, người nhận hối lộ không cho dân thấy đâu!

Tham nhũng không phải là nhận món quà ngày Tết. Bắt tham nhũng sao được theo cách “xã hội hóa” này.

Ngày Tết là dịp con người bày tỏ tấm lòng, tình cảm, ơn nghĩa. Cho nên việc tặng quà (tất nhiên là giá trị vừa phải) là chuyện bình thường. Nhiều người tặng quà chân thành, không vì mục đích vụ lợi, thì không thể cho rằng họ đưa hối lộ. Ngay cả khi họ đưa quà để “quy hoạch” quan hệ, thì cũng khó có chứng cứ để kết luận cán bộ nhận quà trái phép.

Cho nên, người dân khi tham gia cung cấp tin cho đường dây nóng, nên sàng lọc thông tin, nếu cứ cung cấp tin “gói đường Thốt Nốt” thì thật khó lòng cho cán bộ Cục Chống tham nhũng. Ngay cả có mạng lưới ở các địa phương, cũng không đủ cán bộ để đi xác minh thông tin.

Cục Chống tham nhũng kết hợp với Ban Nội chính, cơ quan công an, thanh tra ở các địa phương để tiến hành xác minh, vậy thì xin hỏi, khi nghe tin báo có ông lãnh đạo to của địa phương đó “nhận quà trái phép”, thì liệu cán bộ của các cơ quan này có dám đến nhà của lãnh đạo để xác minh không?

Và xin hỏi thêm nữa, một ông cán bộ nhận “quà trái phép” bị dân phát hiện. Dân gọi về đường dây nóng. Cục Chống tham nhũng nhận tin báo, tiếp theo là phân tích nhận định thông tin, nếu nghi ngờ “trái phép” sẽ gọi về địa phương. Địa phương cử đoàn đi xác minh. Vậy thì liệu gói quà trái phép đó có còn tại hiện trường nữa không?

Có khi, họ nhận tiền thật, nhưng đến khi cán bộ chống tham nhũng tới xác minh, thì chỉ thấy toàn đường Thốt Nốt.

Lê Chân Nhân

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!