Chuyện cây cầu rộng... hơn một gang ở xóm Đổi Mới

(Dân trí) - Cuối tuần trước, bản tin thời sự của VTV1 phát đi một phóng sự ngắn nhưng gây sốc: Ngày ngày, có hàng trăm người đi qua một cây cầu chỉ còn trơ khung sắt và mặt cầu chỉ lát vài thanh gỗ, rộng chừng hơn gang tay nối liền xóm Đổi Mới và xóm Đá 2, xã Lỗ Sơn, huyện Tân Lạc của tỉnh Hòa Bình.


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Tôi đã nhiều lần rùng mình khi xem và xem đi xem lại clip ấy. Thật kinh ngạc bởi có những em bé chỉ chừng 7-8 tuổi, thậm chí bé hơn đi qua cây cầu trông bộ khung sắt thì khá hoành tráng nhưng mặt cầu chỉ là vài thanh gỗ rất nhỏ, chỉ đủ cho một bàn chân, một người đi qua và phía dưới là cả lòng suối sâu hun hút.

Ấy thế mà các em học sinh của xã Lỗ Sơn vẫn ngày ngày qua đó. Nhiều em còn không cần vịn vào sợi dây thép -trông cũng không có gì chắc chắn lắm bên cạnh, bỏ cả hai tay đi qua, bình thản như những diễn viên xiếc lành nghề.

Rùng mình cảnh học sinh đi qua cây cầu rộng... hơn gang tay. (Video: FB Văn Đảm)

Theo như lời ông Bùi Văn Nượm, Chủ tịch xã đó thì cây cầu trên đã có từ lâu rồi. Năm 2014, một đoàn kiểm tra của chính quyền tỉnh, huyện Tân Lạc xuống, cho rằng cầu này đã xuống cấp, không đủ điều kiện sử dụng nên đã yêu cầu xã dỡ bỏ mặt sàn và chờ dự án đầu tư.

Nhưng trong 2 năm đó, chẳng có dự án mới nào thay thế cả. Người dân 2 xóm Đổi Mới và Đá 2 đã không thể chờ đợi, không thể đi đường vòng 4-5 km hay lội suối, nên họ buộc phải đi như xiếc qua cầu.

Thật là may mắn cho người dân xã Lỗ Sơn vì trong cả 2 năm qua, như lời ông Nượm nói, chưa có tai nạn đáng tiếc nào xảy ra. Bởi nếu có ai đó chẳng may trượt ngã, thì mùa cạn, bên dưới suối sâu toàn đá, còn mùa mưa thì lại lũ dữ, tính mạng cũng khó mà bảo toàn.

Thực ra đây cũng không phải là câu chuyện quá hiếm thấy, nhất là ở các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa... Trong mấy năm qua, đâu đó, chúng ta đã được thấy các hình ảnh, clip trẻ em, người lớn đu dây qua sông, chui vào túi bóng để người khác kéo qua sông, suối...

Những phóng sự về những chủ đề đó luôn gây xúc động và thường sẽ được giải thưởng báo chí. Trước đây, thời ông Đinh La Thăng làm Bộ trưởng Giao thông Vận tải, ông cũng đã khởi dộng một chương trình làm hàng trăm cây cầu cho người dân ở những vùng giao thông đi lại khó khăn mà ngân sách chính quyền địa phương eo hẹp không có nhiều để làm cầu mới, sửa chữa, thay thế những cây cầu yếu. Một số doanh nghiệp cũng đã hưởng ứng, xây dựng nhiều cầu mới ở các vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn còn khó khăn...ở các tỉnh miền Tây.

Nhưng rồi, vẫn liên tiếp có những hình ảnh, clip mới về những nơi thiếu cầu như clip, hình ảnh về cây cầu trớ trêu nói trên ở xã Lỗ Sơn.

Vấn đề là tuy có nhiều tổ chức, cá nhân thiện nguyện giúp xây dựng cầu cho những người dân nghèo, những vùng khó khăn, có thể làm được hàng trăm cây cầu. Nhưng như thế cũng không đủ. Người dân vẫn cần một sự quan tâm đầy đủ, một chương trình tổng thể, rà soát, đánh giá được hết những khó khăn trong giao thông, đi lại ở các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa... để hỗ trợ, xây dựng kịp thời những con đường, những cây cầu cấp thiết nhất. Để đừng đến lúc có những tai nạn xảy ra, có nước mắt, có người chết mới bàn chuyện xây cầu.

Và đây cũng là điều mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong một hội nghị về phát triển bền vững tuần qua đã yêu cầu: Không được để người dân nghèo nào bị gạt ra bên lề của sự phát triển.

Vâng, đúng là như vậy. Đành rằng ngân sách nhà nước mấy năm nay hạn hẹp do nguồn thu từ khai thác, bán dầu thô giảm, do thuế xuất nhập khẩu giảm... Ở nhiều địa phương cũng không có thêm nguồn để tăng chi, đầu tư cho các công trình cấp thiết. Nhưng cuộc sống không chờ chính sách. Người dân vẫn phải có cầu để đi. Với những cây cầu dân sinh rất thiết yếu như ở xã Lỗ Sơn, có lẽ nào không thể điều chỉnh một chút, có thể là giảm bớt kinh phí lễ tiết, họp hành, kỷ niệm... vẫn tràn lan, để dư ra vài tỷ đồng, hoặc có khi chỉ là vài trăm triệu đồng làm mới hoặc sửa chữa một cây cầu cho đúng nghĩa là cây cầu cho người dân đi qua những khúc sông sâu, thực sự an toàn.

Mạnh Quân