Cầu sao các bác… ít mừng

(Dân trí) - Thư của ba Bống gửi cho bác Lê Tiến Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT).

 Thưa bác!

Trước hết, xin được cùng cháu Bống gửi tới bác lời chào trân trọng, kính chúc bác mạnh khỏe để hoàn thành tốt sứ mệnh chiến lược gia cho nền tiểu học nước nhà.

 

Thưa bác, em đã đọc bài trả lời phỏng vấn của bác trên báo Dân trí ngày 15/6/2011, khi đọc đến đoạn văn sau đây: “Ở các thành phố lớn hay những nơi có điều kiện thì tôi nghĩ 100% các bậc phụ huynh đều quan tâm đến việc học của con trẻ. Đây gọi là “lo”. Còn “chạy” thì tôi sợ rằng trong đó có chuyện lẫn lộn, chúng ta cần phải tách bạch ra như thế nào để đánh giá chứ việc “lo” chỗ học cho con là điều hết sức bình thường. Tại sao lại có tình trạng như thế? Đây là vấn đề này mừng hay lo? Trước hết phải nói là mừng…”, em cảm thấy có gì đó thật khó diễn tả và muốn được thưa với bác đôi lời.

 

Thưa bác, em thì thấy đây không thể coi là chuyện bình thường và không biết bác có mừng thật không chứ em thì lo, lo đến “tái mặt tái… hầu bao” chứ tuyệt nhiên không có một tí ti mừng bằng cái móng tay nào cả bác ạ. Bác ơi! Bác lại khuyên chúng em đừng lẫn lộn giữa “chạy” và “lo”. Bác thì không biết chứ còn chúng em hay lẫn lộn lắm vì chạy thì cũng phải.. chi mà lo thì cũng phải… chi. Đồng tiền nào thì cũng là tiền cả thôi bác ạ.

 

Cứ “theo báo chí” thì mỗi suất trái tuyến chạy vào trường công thôi cũng có “thời giá” từ 1.500 USD đến 3.000 USD tùy trường, tùy thành phố. Còn nếu chạy vào trường điểm thì giá còn cao hơn nữa. Bác ơi, nếu 1.500USD là bằng hơn 30 triệu, tức là bằng 10 tháng lương của một cử nhân ra trường có thâm niên công tác khoảng 10 năm bác ạ. 3.000 USD là hơn 60 triệu, bằng 20 tháng lương mẹ Bống nhà em. 

 

Bác cho em hỏi nếu vì lý do nào đó mà bác lâm vào hoàn cảnh phải chạy lớp, chạy trường, bác mừng hay bác lo ạ?
 
Cầu sao các bác… ít mừng - 1

(Ảnh minh họa: Ngọc Diệp)

 

Em đã tra từ điển Từ và Ngữ của GS. Nguyễn Lân - NXB TPHCM 2000 thì có 10 chữ MỪNG, 31 chữ LO và 66 chữ CHẠY. Hình như ở ta, CHẠY nhiều hơn LO mà LO thì nhiều hơn MỪNG?

 

Nhưng đấy là theo từ điển chính thống từ cái thủa môi trường xã hội còn trong sạch thôi chứ ngoài dân gian bây giờ còn nhiều chữ CHẠY chưa kịp có trong từ điển. Ví như chạy chức, chạy quyền, chạy bằng, chạy cấp, chạy tuổi và… chạy trường, chạy lớp. Rồi chưa kể còn “từ điển nói lái” nữa chứ. Ví dụ CHẠY + LO = LẠY + CHO. Nhân dân mình rất… sáng tạo. Bác nhỉ!

 

Thưa bác!

 

Vào đầu mỗi năm mới, chỉ sau tết nguyên đán ít hôm là những nhà có con em đi học đã phải “khởi động chiến dịch” rồi bác ạ. Thậm chí, có nhiều người “nhìn xa trông rộng”, họ chuẩn bị trước đó hàng mấy năm trời. Bắt đầu vào cuối tháng 6, đầu tháng 7 dương lịch là giai đoạn nước rút. Đây là “mùa chạy trường”.

 

Trên báo Lao động ngày 17/6/2011, cũng trong bài báo có tên là Mùa chạy trường, nhà báo Lê Chân Nhân viết: “Mùa nào cũng đẹp, riêng mùa chạy trường là nỗi ám ảnh của xã hội, là ung nhọt lâu năm trên cơ thể của ngành giáo dục”. Còn hôm vừa rồi, một người bạn em là Việt kiều đã định nghĩa về học sinh Việt Nam là “những thượng đế bị cưỡng ép”.

 

Bác là người đi nhiều, hiểu rộng bác cho em hỏi có nơi nào trên thế gian này có cái mùa gọi là “mùa chạy trường” không bác? Có ở đâu mà học sinh bị coi là “những thượng đế bị cưỡng ép” không và có xứ sở nào mà trẻ em đi học mà cả nhà ta cùng… lo ngay ngáy, khổ sở như ở nước mình không hả bác?

 

Khi chúng em lo thì các bác mừng, tức là các bác càng mừng thì chúng em càng lo. Cầu sao bác ít “MỪNG” để chúng em cũng được bớt LO.

 

Kính thư!

 

Bùi Rửa Bát