Câu chuyện lớn về một con phố nhỏ ở Hà nội

(Dân trí) - Là trung tâm chính trị và văn hóa của cả nước nhưng từ lâu sự lộn xộn trong hoạt động quảng cáo ngoài trời đã tạo ra thêm một thứ "rác" đô thị cho Hà Nội. Báo chí, người dân thường xuyên kêu ca về tình trạng mất mỹ quan đô thị của Thủ đô và thể hiện rõ khát khao xây dựng một Hà Nội văn minh, sạch đẹp.


(Minh hoạ: Ngọc Diệp)

(Minh hoạ: Ngọc Diệp)

Thế nhưng, khi cơ quan chức năng tổ chức thí điểm tuyến phố kiểu mẫu với hàng trăm biển hiệu quảng cáo được chuẩn hóa về kích cỡ, kiểu dáng và màu sắc, bước đầu tạo nên được diện mạo văn minh, thống nhất cho tuyến phố thì ngay lập tức dư luận lại lên tiếng phản đối, cho rằng đó là tư duy “đồng phục”, những quy chuẩn “đơn điệu, gò ép”, “làm khó cho dân”… Gần đây, một số người dân kinh doanh trên tuyến phố này còn tự động thay biển quảng cáo với mẫu chữ, màu sắc khác, một số thì in thêm phông, bạt quảng cáo theo ý mình rồi treo song song cùng biển cũ.

Chê quy hoạch kiến trúc lộn xộn nhưng lại tìm mọi cách xin giấy phép xây dựng chui, thực hiện xây dựng sai giấy phép, sai quy hoạch, đến lúc bị xử lý thì kêu ca, phản ứng buộc nhà chức trách phải cưỡng chế.

Kêu hè phố, lề đường bị lấn chiếm không còn đường đi bộ, hàng rong, xe ba bánh cồng kềnh gây cản trở giao thông nhưng khi cơ quan chức năng ra tay dẹp bỏ thì kêu “triệt đường mưu sinh của dân”.

Kêu diện mạo phố xá xấu xí, tùm lum, thiếu kỷ cương, quy chuẩn, quy hoạch làm mặt đô thị kém văn minh nhưng khi thực hiện khu phố kiểu mẫu với những quy định cụ thể thì lại la lên là tư duy đồng phục, nhàm chán, triệt tiêu sáng tạo, cản trở kinh doanh v.v.

Sao lại có thể vậy nhỉ?

Trước một thực trạng tiêu cực nào đó chúng ta luôn mong muốn và đòi hỏi một sự thay đổi nhưng khi sự thay đổi vừa mon men đến, chúng ta lại thường có xu hướng phản ứng, không chịu tiếp nhận. Có vẻ như chúng ta luôn có tâm lý chờ những điều mình mong muốn sẽ “đến từ người khác” và “đến vào lúc khác” thì phải?

Dẫu biết rằng thay đổi thói quen, nếp cũ, con đường đi đã có sẵn là không dễ dàng. Và dẫu biết rằng để có thể tồn tại bền vững với đời sống, cái mới phải chấp nhận một lộ trình va đập, thử thách, điều chỉnh không ngừng. Nhưng, thái độ tiếp nhận đầy chỉ trích, chê bai, nghi ngờ, thiếu kiên nhẫn, thiếu thiện chí… thực sự là môi trường đầy khó khăn để cái mới xuất hiện và tồn tại. Một bầu không khí thiếu thiện cảm có thể làm thui chột cái mới, triệt tiêu niềm hứng khởi sáng tạo của xã hội.

Ghét lộn xộn nhưng lại không thích trật tự, muốn thay đổi nhưng lại ngại đổi thay. Thích chỉ trích, chê bai và luôn thấy mình ngoài cuộc, vô can… Có vẻ như câu nói của ai đó “Ta có thể thay đổi cuộc đời bằng cách thay đổi thái độ” rất đúng trong trường hợp này.

Lại tiếp tục hy vọng vậy!

Cát Thụy