Cắt giảm xe công là việc phải làm, không bàn nữa

(Dân trí) - Trao đổi với báo chí về vấn đề xe công, đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế phân tích: “Ở những nước khác còn có máy bay công: Tổng thống, thậm chí có những nước, Bộ trưởng Ngoại giao cũng có máy bay riêng!

 

Cắt giảm xe công là việc phải làm, không bàn nữa - 1

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Mỗi một nước tùy theo hoàn cảnh riêng lại có một cách làm khác nhau. Nếu loại bỏ xe công thì đi bằng gì? Thử hỏi trên thế giới có nước nào loại bỏ xe công không? Đến doanh nghiệp còn có xe công, nếu không thì thực hiện chế độ khoán xe, huống hồ là các cơ quan quản lý nhà nước!”.

Ông Nguyễn Đức Kiên nói không sai, bởi vì Mỹ, Nga và một số nước có máy bay riêng cho tổng thống, nhưng con số đó rất ít. Những nước giàu có, hùng mạnh, họ có thể cung cấp phương tiên đi lại  cho cán bộ lãnh đạo phù hợp với khả năng của họ, điều đó không có nghĩa là nước nghèo cũng xài sang như họ. Nhà người ta giàu, người ta đi xe hơi, không có nghĩa là mình nghèo, mình cũng đi vay tiền mua xe hơi. Nợ công chạm ngưỡng nguy hiểm, chẳng lẽ nợ cứ nợ, xài cứ xài.

Cũng xin nói thêm, Thủ tướng Singapre Lý Hiển Long và lãnh đạo nhiều nước khác đi công du bằng máy bay thương mại.

Việt Nam là nước nghèo, 40.000 xe công tiêu tốn 13.000 tỷ đồng ngân sách mỗi năm thì việc cắt giảm để tiết kiệm ngân sách là đúng đắn, không “cực đoan hóa” như ông Kiên nói. Xin lưu ý, tại phiên thảo luận về kinh tế xã hội và thực hiện ngân sách năm 2015 và kế hoạch năm 2016, Bộ trưởng Bộ Kê hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh nêu ra một thông tin đầy lo lắng: “Cả nước ngân sách Trung ương chỉ còn 45.000 tỷ đồng. Với mức này không biết để làm cái gì, chưa nói để trả nợ với các thứ. Cho nên gần như không có tiền để làm gì cả”. Hãy so sánh đi, ngân sách chỉ vỏn vẹn 45.000 tỉ đồng, lại tiêu tốn cho xe công 13.000 tỉ đồng mỗi năm cho xe công, thử hỏi có phù hợp không?

Cắt giảm xe công là đúng, không cần phải lý thuyết dông dài, còn việc cắt như thế nào cho khoa học, đảm bảo hoạt động của bộ máy nhà nước là việc cần tính toán. Cắt giảm biên chế để bộ máy thu gọn lại là một cách để cắt giảm xe công. Quy định cụ thể và thu hẹp vị trí, chức vụ được sử dụng xe công cũng là cách cắt giảm xe công. hạ định mức mua xe xuống giá thấp hơn cũng là cách cắt giảm xe công. Khoán vào lương để tự túc phương tiện cũng là cách cắt giảm xe công…

Nếu không bắt tay vào làm từng việc cụ thể, cứ bàn lý thuyết thì mãi mãi chỉ là lý thuyết, bao năm nay không cắt giảm được xe công là vì nhiều lý thuyết mà thiếu hành động. Đến nay tính nát óc không biết lấy đâu ra tiền để tăng lương là vì một phần ngân sách đổ vào 40.000 chiếc xe này.

Đại biểu Trần Du Lịch từng nói một câu đúng thực trạng của đất nước: “Không dân nào đóng thuế nuôi nổi bộ máy này”, vậy thì cắt giảm bớt xe công để dân bớt khổ đi chứ!

Lê Chân Nhân