Cảnh sát tốt sợ gì ống kính quay gương mặt phía mình

(Dân trí) - Ông Nguyễn Ngọc Tuấn – Phó Cục trưởng Cục CSGT đường bộ - đường sắt khẳng định “dư luận đã hiểu sai về văn bản” 1042/C67 – P3 do cục này ban hành.

 

 

 

 

(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)
 
Ở đây, phải thật nghiêm túc để đánh giá một văn bản do cấp Cục của Bộ Công an ban hành. Văn bản này không phải là bài thơ hay truyện ngắn để người đọc hiểu cách nào cũng được hoặc hiểu không đúng ý của tác giả. Đã là văn bản hành chính thì phải trong sáng về mặt nội dung, để người tiếp nhận hiểu đúng một nghĩa, hiểu đúng mới thi hành đúng. Soạn và ban hành một văn bản mà để dư luận hiểu sai thì thái độ có trách nhiệm nhất là thu hồi.

 

Văn bản này tuy ban hành trong nội bộ nhưng nó lại liên quan đến cả cộng đồng, trong đó có những người hoạt động báo chí và tất cả mọi công dân, tính chất của văn bản không còn là chỉ đạo cho cảnh sát giao thông khi làm nhiệm vụ, phạm vi ảnh hưởng của văn bản không chỉ trong ngành công an. Chính vì điều đó nên văn bản này bị dư luận phản ứng dữ dội. Vì sao vậy?

 

Một nguyên tắc pháp luật là mọi công dân có quyền làm những việc mà pháp luật không cấm. Vận vào quan hệ này, pháp luật không cấm công dân quay phim, ghi hình hoạt động của cảnh sát giao thông, cho nên ai cũng có quyền làm việc này. Chưa kể, công dân có quyền giám sát hoạt động của những người thi hành công vụ, nếu làm không tốt thì phản ánh, thậm chí tố cáo nếu như người thi hành công vụ có hành vi sai phạm. “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” chính là chỗ này đây.

 

Văn bản 1042 chỉ  đạo “kiên quyết đấu tranh” là đấu tranh với ai? Đấu tranh với dân hay sao? Còn sự biện luận từ phía đại diện Cục rằng đấu tranh với các đối tượng xấu thì việc đó không cần thêm sự ra đời của văn bản này. Những kẻ giả danh nhà báo để tống tiền hay kẻ gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ thì đã có các quy định của luật hình sự điều chỉnh.

 

Văn bản được biên soạn có quá nhiều điều trái với các quy định của pháp luật mà vẫn cố tình bảo vệ thì không thể chấp nhận được. Chỉ riêng đối với hoạt động báo chí, cho đến nay được biết không có qui định nào cho phép cảnh sát giao thông được quyền kiểm tra thẻ nhà báo. Cảnh sát giao thông cũng không có thẩm quyền “tạm giữ, lập hồ sơ, chuyển cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật” đôi với công dân khác. Khái niệm “giả danh nhà báo” không thể mập mờ, bởi vì người dân bình thường quay phim ghi hình hoạt động của cảnh sát giao thông thì không thể cho họ là giả danh nhà báo.

 

Cảnh sát giao thông cứ làm thật tốt công việc của mình thì không sợ bất kỳ ống kính nào cả. Trên thực tế, đã có những bài báo, thông tin khen ngợi cảnh sát giao thông, ví dụ như trường hợp cảnh sát giao thông Đà Nẵng không phạt xe ngoại tỉnh vi phạm giao thông mà chỉ nhắc nhở, hướng dẫn đi đúng đường. Những tài xế được cư xử như vậy đã lên tiếng bày tỏ sự cảm phục và trân trọng các chiến sĩ cảnh sát giao thông của Đã Nẵng. Vấn đề là ở chỗ, hành động đẹp đẽ như vậy không được nhiều mà thôi.

 

Trong lúc còn nhiều vấn đề tồn tại  trong lực lượng cảnh sát giao thông, Cục CSGT đường bộ - đường sắt đúng ra nên có lời kêu gọi cộng đồng tham gia giám sát hoạt động của cảnh sát giao thông, kịp thời phát hiện, tố cáo những sai phạm, đồng thời biểu dương những tấm gương nổi bật, phục vụ nhân dân tận tình.

 

Nhưng đáng tiếc là Cục đã làm ngược lại, văn bản 1042 quả thực là một văn bản xa dân.

 

 

Lê Chân Nhân

 

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!