Các Bộ trưởng cần “Mau với chứ, vội vàng lên với chứ…”

(Dân trí) - Nếu như phải xếp ở TOP dưới của bảng xếp hạng thì cũng… ái ngại không chỉ với cử tri - những người tin cậy mình, đối với Đảng – nơi giao trọng trách cho mình mà còn với cả thuộc cấp, những người sẻ chia, gắn bó với mình.

Các Bộ trưởng cần “Mau với chứ, vội vàng lên với chứ…” - 1

Ngày 15.6, Quốc hội đã bế mạc Kỳ họp thứ 5 sau 20 ngày làm việc không kể ngày nghỉ. Giờ đây, khi các vị đại biểu trở về với nhiệm vụ của mình thi cũng là lúc các thành viên Chính phủ bước vào một chạy đua gấp rút với thời gian bởi chỉ còn hơn 4 tháng nữa, tất cả lại bắt đầu một kỳ họp mới bằng cột mốc rất quan trọng, đó là cuộc lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ đối với các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Nhìn lại nửa nhiệm kỳ qua, cả nước đã đạt được những thành quả rất đáng ghi nhận, đặc biệt là hai lĩnh vực là phòng chống tham nhũng và phát triển kinh tế.

Về phòng chống tham nhũng, đã có những bước đột phá mạnh mẽ, nhất là kể từ khi “lò” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được nhóm lên thì “củi tươi, củi khô” cũng cháy.

Hàng loạt các vụ án lớn đã và đang được đem ra xét xử, thu về cho Nhà nước nhiều ngàn tỉ đồng, nhiều cán bộ trong đó có cả những cán bộ rất cao đã và sẽ bị xét xử đang từng bước mang lại niềm tin trong nhân dân đồng thời làm trong sạch môi trường kinh doanh, tạo sự thuận lợi và niềm tin nơi nhà đầu tư.

Về phát triển kinh tế, chúng ta đã đạt được thành tựu đột phá mà con số tăng trưởng GDP 6,81% năm 2017 và gần 7.4 % trong ba tháng đầu năm 2018 là minh chứng hùng hồn, không thể phủ nhận.

Đó là công sức của toàn Đảng, toàn Dân, của các thành viên Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ và đặc biệt là của Người đứng đầu Chinh phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Tuy nhiên, nhìn trên tổng thể, sự phát triển còn chưa đồng đều. Một số bộ ngành đang có những nỗ lực rất lớn, mang lại thành quả như Nông nghiệp & Phát triển nông thôn với thành tựu tăng trưởng và xuất khẩu, Công Thương với xóa bỏ hàng loạt rào cản kinh doanh, Tài nguyên Môi trường với khắc phục hậu quả môi trường và sắp xếp bộ máy, Lao động, Thương binh và Xã hội với xuất khẩu lao động và chính sách với người có công, Nội vụ với những đề xuất mang tính đột phá về sắp xếp cơ cẩu tổ chức… thì ngược lại, ở một số ngành, người dân chưa được cảm nhận được sự chuyển biến mạnh mẽ.

Ngành Tài chính, ngoài việc chậm sắp xếp tổ chức, bộ máy còn quá cồng kềnh… hình như vẫn chưa đặt tư tưởng “khoan thư sức dân” mới là kế “sâu rễ, bền gốc” mà vẫn lấy mục đích tận thu làm chính.

Ngành Giao thông Vận tải, ngoài việc chậm trễ trong phát triển hạ tầng cũng như giải quyết hậu quả thì hình như vẫn chưa có được một chiến lược cho lâu dài, vẫn còn loay hoay, lẩn quẩn với “thu phí” hay “thu giá”.

Đối với ngành Công an, việc sắp xếp lại bộ máy là biểu hiện tích cực thì nạn cướp giật ở Sài Gòn là câu hỏi đang chờ được trả lời bởi nói gì thì nói, người dân Sài Gòn không thể tiếp tục “sống trong sợ hãi”.

Các ngành như Giáo dục Đào tạo, Y tế, Văn hóa Thể thao Du lịch, Khoa học Công nghệ… có cảm giác vẫn chim trong “nốt nhạc trầm”, chưa thấy sự khởi sắc như người dân mong đợi.

Từ nay đến phiên họp cuối năm, theo dự kiến chỉ còn khoảng hơn 4 tháng nữa. Đây là quãng thời gian rất ngắn để các “tư lệnh ngành” thực thi ý tưởng của mình cũng như trách nhiệm trước cử tri, trước Quốc hội và Đại biểu Quốc hội.

Cứ tri cả nước mong rằng đối với những bộ, ngành đã và đang có bước đột phá, cần tiếp tục phát huy. Đối với những bộ ngành chưa có được điều này, cần hết sức nỗ lực bởi cuộc “sát hạch” giữa nhiệm kỳ có ý ngĩa rất quan trọng, nhất là với các vị “tư lệnh”.

Thành thực, với cơ chế bỏ phiếu ba mức (tín nhiệm, tín nhiệm cao, tín nhiệm thấp) như hiện nay, việc “đứt gánh giữa đường” có thể xảy ra nhưng rất khó. Song, nếu như phải xếp ở TOP dưới của bảng xếp hạng thì cũng… ái ngại không chỉ với cử tri - những người tin cậy mình, đối với Đảng – nơi giao trọng trách cho mình mà còn với cả thuộc cấp, những người sẻ chia, gắn bó với mình.

Vì thế, rất mong ở sự nỗ lực dù biết rằng đã là bảng xếp hạng, sẽ có người đứng đầu và người đứng cuối. Song, nếu như phải nằm ở vị trí “đen đủi” TOP dưới, hi vọng rằng với tỉ lệ % bỏ phiếu ở hai mức tín nhiệm và tín nhiệm cao không quá thấp.

Xin gửi tới các tư lệnh ngành câu thơ của Nhà thơ Xuân Diệu: “Mau với chứ, vội vàng lên với chứ”, các Bộ trưởng ơi, ngày bỏ phiếu gần rồi….

Bùi Hoàng Tám