Các bác còn hỏi thế, chúng em biết hỏi ai?

(Dân trí) - Trước khi lý giải về câu hỏi này, xin nói luôn là sẽ có câu trả lời sớm, có thể là rất sớm khi ông Phan Văn Anh Vũ đã bị bắt. Song, câu hỏi đó vẫn còn nguyên giá trị bởi nếu không làm rõ thì sẽ có những “ông Vũ” khác…

Các bác còn hỏi thế, chúng em biết hỏi ai? - 1

Còn “các bác” ở đây, một bác là Bí thư Thành ủy TP Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa và hai là bác Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Quốc hội Bùi Đặng Dũng.

Chả là tâm sự trong buổi gặp mặt các hội viên Câu lạc bộ Thái Phiên - nơi sinh hoạt của các tướng lĩnh, cán bộ về hưu của Đà Nẵng chiều 3/1, ông Trương Quang Nghĩa nói: “Tới đây sẽ có những câu hỏi tại sao Vũ “nhôm” lại mua được nhiều đất công như thế mà không phải là ai khác?”.

Vâng, cái câu hỏi “tại sao Vũ “nhôm” lại mua được nhiều đất công như thế mà không phải là ai khác” có lẽ không chỉ là câu hỏi của Bí thư Nghĩa, cũng không chỉ của người dân Đà Nẵng mà là câu hỏi của nhân dân cả nước.

Có thể nói, trả lời câu hỏi này với cơ quan chức năng đương nhiên là không hề khó, dù biết rằng đó là mối quan hệ lằng nhằng, chằng chịt... Nói không khó bởi cái sự việc nó hiển hiện hàng ngày, lù lù ra trước mắt bàn dân thiên hạ chứ không phải là “cái kim” mà dẫu là “cái kim bọc giẻ” thì “lâu ngày cũng ra” cơ mà.

Vấn đề nằm ở chỗ, có muốn tìm câu trả lời đó hay không mà thôi.Tôi thì tin rằng những bạn đọc thân mến của tôi sẽ chỉ ngay ra được trong… 3 phút mà chẳng cần phải đến Đà Nẵng thanh tra, kiểm tra gì hết.

Câu hỏi thứ hai, chia sẻ trên báo Tiền phong ngày 29.12.2017, bài “Lương lãnh đạo thấp sao vẫn có nhà lầu, xe hơi, con học nước ngoài?”, ông Bùi Đặng Dũng đặt câu hỏi nguyên văn: “Lương cán bộ lãnh đạo không đủ sống, nhưng tại sao con cái họ vẫn đi học ở nước ngoài, tại sao có biệt thự, xe con?”.

Câu này, đã có mấy bác quan chức nhà ta trả lời rồi, rằng là “làm thối móng tay”, “buôn chổi đót”, “cô em họ tặng”…

Tuy nhiên, ông Dũng thì bảo “Người làm lãnh đạo, chỉ cần ký cho một dự án nào đó thôi, thế là như "luật bất thành văn", người ta đến cám ơn, hoa hồng, lại quả, rồi quà cáp vào mỗi dịp lễ, tết… Từ đó, họ đã có một khoản thu nhập lớn. Đó là một hiện tượng xã hội phổ biến hay đặc thù? Rõ ràng có điều gì đó bất bình thường”.

Vâng, vấn đề là ở cái “luật bất thành văn” ấy tuy “bất bình thường” nhưng nó lại đang chi phối nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội. Oái oăm thay, nó là “luật” mà lại thuộc “bất thành văn” nên không có điều mà cũng chẳng có khoản và tất nhiên, không có “giấy trắng, mực đen”.

Không có điều khoản, chẳng có giấy trắng, mực đen nhưng có vẻ như nó lại rất… chi tiết và nghiêm ngặt. Những bông “hoa hồng”, “hoa huệ”, “hoa đồng tiền” ấy có thể chi li đến không phảy không mấy phần trăm và nghiêm ngặt đến mức, chẳng ai dám không thực hiện dù biết rằng nólà vi phạm pháp luật.

Đây chính là gốc gác, cội nguồn của cái mà các bác đặt câu hỏi “tại sao?”.

Ơ, viết đến đây, người viết bài này giật mình tự hỏi, các bác mà còn đặt câu hỏi như thế, chúng em biết hỏi ai?

Nói thế thôi chứ với phong trào “củi lửa” này thì mọi cái “tại sao” sẽ dần dần được làm rõ hết, dù ông Vũ “nhôm” có bị bắt hay không.

Lò to, lửa bén, không chỉ “Vũ nhôm” mà “vũ sắt”, “vũ thép”, “vũ đất”, “vũ đá”, “vũ kim cương”… rồi cũng thành tro hết, phải không các bạn?

Bùi Hoàng Tám