Bóng đá = Quan hệ + Nhường nhịn + Xin cho!?

(Dân trí) - Không biết bạn cảm nhận thế nào còn với những gì đã tận mắt chứng kiến, tôi cho rằng V-League chỉ “núp bóng” cụm từ chuyên nghiệp còn trong thực tế, nó là thứ bóng đá Quan hệ + Nhường nhịn + Xin cho!?

Bóng đá =  Quan hệ + Nhường nhịn + Xin cho!? - 1

(Minh họa: Ngọc Diệp)


Màn trình diễn của bóng đá chuyên nghiệp đầu tiên sau cả thập kỉ sắp đến hồi kết. Những năm đầu tiên khoác lên mình cụm từ “chuyên nghiệp”, V-League sớm cho thấy những diễn biến “kịch tính” trong cuộc tranh chức vô địch. Tiếc rằng, đó chỉ được xem như bề nổi của tảng băng chìm. Một giải đấu có quá nửa số đội đối diện nguy cơ xuống hạng đến vòng đầu áp chót nhưng lại có vô số mối liên hệ chằng chịt khó hiểu nên khó có thể coi là bóng đá sạch.

V-League chưa thể so sánh với Premier League giàu có nhưng với đống tiền khổng lồ các ông bầu đổ vào, V-League từ chỗ là điểm “trũng” trở thành sân chơi hấp dẫn nhất Đông Nam Á - là nói theo ngôn ngữ của các nhà điều hành. Nhưng chính cái tốc độ phát triển phi mã lại là nguyên nhân đẩy V-League đến độ “kịch”, khiến số đông khán giả chẳng thể bắt nhịp, đến độ chỉ còn biết “mắt chữ A, mồm chữ O” khi nhìn vào kết quả những chặng đua cuối. Chỉ có ở V-League, người hâm mộ đã thấy một đội bóng “cựu vương” vừa khiến các ứng cử viên vô địch quỳ rạp dưới chân, lại dễ dàng “nằm ngửa”cho đội bóng Á quân năm trước đang đối mặt nguy cơ xuống hạng sút tung lưới. Hoặc nữa, một đội bóng mang danh “ngựa ô” khu vực Đồng bằng sông Cửu Long từng khiến nhiều ông lớn “mắt xanh, nanh vàng” lại tự mở cửa cho đội bóng Nam Trung bộ đang khát điểm trụ hạng dễ dàng quần tơi tả để thoát khỏi vé xuống hạng.

V-League giàu tính “kịch” khiến không ít các đạo diễn gạo cội trong trường kịch nghệ phải ngả mũ chào thua. Giải đấu hấp dẫn kế cận là hạng Nhất cũng để lại chẳng ít “tiếng thơm”. Mới đây thôi, hàng loạt quan chức VFF đã có cuộc hành trình trao Cúp vô địch nhớ đời cho đội bóng “thiếu gia” mới nổi tại TP.HCM ở vòng 24. Buổi lễ được chuẩn bị rất hoành tráng, tốn không ít công của. Vậy mà tân vương lại thẳng chân dẫm đạp lên cả danh dự của mình lẫn tình cảm của khán giả khi “mở toang khung thành” cho đối thủ đang cần điểm trụ hạng đánh bại ngay trong ngày đăng quang. Nhìn cảnh quan chức VFF phải cố tình đọc hết văn bản gồm đầy mỹ từ “sạch - đẹp” soạn sẵn cho lễ trao giải mà cám cảnh. Chắc chỉ có ở V-League mới xảy ra tình cảnh cười ra nước mắt khi dưới sân quan chức trao cúp, còn trên khán đài vài chục khán giả bức xúc réo đi, réo lại hai từ “bán độ” hướng vào đội bóng gồm dàn sao “triệu đô” đang nâng cúp và nhận vô số bảng danh vị đề các phần thưởng tiền tỷ. Ngoài những luồng dư luận râm ran chẳng mấy hay ho về những cuộc “nhường - bán” âm ỉ kéo dài từ năm này qua năm khác, thỉnh thoảng khán giả lại thót tim khi nghe tin đội này, đội kia phải trao cả chục tỷ động đề quân sỹ chiến đấu hết mình. Hoặc như chuyện cầu thủ các đội tích cực biến sân cỏ thành võ đài, khiến một cầu thủ trẻ của đội bóng “cựu vương” gãy đôi xương ống quyển ghê rợn…

Giải đấu nhiều gam màu tối và bạo lực là vậy, nhưng tôi cá rằng nếu ai đó đặt ra câu hỏi để các nhà tổ chức đánh giá vẫn nhận được những câu trả lời quen thuộc đại loại như: Chất lượng được nâng lên, mắc ít sai sót, các đội thi đấu trung thực, fair - play…

Không biết bạn cảm nhận thế nào còn với những gì đã tận mắt chứng kiến, tôi cho rằng V-League chỉ “đội lốt” cụm từ chuyên nghiệp còn trong thực tế, nó là thứ bóng đá Quan hệ + Nhường nhịn + Xin cho.

BÓNG TRÒN