Bài văn tả con chó và chuyện “chị Sứ phường… Lò Chum”!

(Dân trí) - Nếu cứ dạy văn kiểu này, học sinh không chán môn văn mới lạ và để học sinh chán ghét môn này, xã hội sẽ về đâu? Tương lai đất nước sẽ về đâu? Chỉ mong rằng điều này không diễn ra trong Chương trình và sách giáo khoa đang được biên soạn…

Bài văn tả con chó và chuyện “chị Sứ phường… Lò Chum”! - 1

Một bài văn tổng thể chỉ có 26 từ, trong đó phần đề bài gồm 5 từ: “Tả con chó nhà em”, phần bài làm 15 từ: “Nhà em không có nuôi chó. Chừng nào em nuôi chó thì em sẽ tả” và lời phê 6 từ: “Cạn lời. Về nhà làm lại” đã gây xôn xao dư luận, với những màn tranh cãi sôi động suốt tuần qua.

Nhiều ý kiến cho rằng em học trò trả lời như vậy là giỏi, đúng yêu cầu của đề và có tư duy phản biện. Không ít người còn tỏ ra thích thú với bài văn khi học sinh dám bày tỏ sự thật chứ không rập khuôn theo văn mẫu, tả mà đôi khi các em không biết mình tả gì…

Do có nhiều ý kiến rất hay, rất tâm huyết và hiểu biết sâu sắc nên người viết bài này chỉ xin kể lại hai câu chuyện, một đọc trên báo và một từ thực tế chứng kiến về việc ra đề thi và bài làm của học sinh.

Về chuyện ra đề thi, nhớ lại cách đây khoảng 15 năm, trên một tờ báo (lâu quá, không nhớ chính xác báo nào, hình như Tiền phong thì phải) kể về một đề thi văn: “Em hãy phân tích nhân vật chị Sứ”.

Sau khi nhận bài thi, các giám khảo đã ngã ngửa người với phần bài làm có 4 câu lục bát “chuẩn không cần chỉnh”: “Chị Sứ là chị Sứ nào – Cớ sao thầy lại vận vào văn chương – Em đi tìm khắp bốn phương – Hay là chị Sứ ở phường… Lò Chum”.

Phải thừa nhận đây là bài lục bát rất chuẩn về vần và luật bằng – trắc của thể thơ khó nhằn này. Thứ nữa, bằng câu hỏi nghi vấn, phần bài làm đã chỉ ra cái sơ xuất của người ra đề thiếu cụ thể (đáng lẽ phải thêm “trong tác phẩm Hòn đất của Nhà văn Anh Đức” chẳng hạn). Thứ ba, nó rất “ông đồ xứ Thanh” bởi sự hài hước, hóm hỉnh và sâu sắc với câu “Hay là chị Sứ ở phường Lò Chum” bởi thực tế, TP Thanh Hóa có phường Lò Chum thật mà sành sứ thì tất nhiên, ở nơi đây hẳn rất nhiều rồi.

Câu chuyện không biết độ chính xác là bao nhiêu %, song nó đã phản ánh trung thực một hiện tượng có thật trong cuộc sống.

Chuyện thứ hai, là của chú hàng xóm người viết bài này. Một hôm, chú sang nhà tôi mặt buồn thiu: Em buồn quá bác ạ. Hỏi sao vậy, chú bần thần: Cháu nó làm văn tả em khôi ngô, tuần tú. Ui dào, chuyện văn chương phải có tý tưởng tượng, với lại chắc nó yêu bố nên tả bố thế thôi. Vâng, em cũng nghĩ thế nhưng cháu còn tả em “hàm răng đều đặn” mà bác thấy răng em chín sáu ba không. Hay là bố cháu… không phải em nhỉ?

Đến đây thì hai anh em cùng phá lên cười bởi cái bài văn mẫu mà cô giáo cho chép. Vui nhất là khi tả các bà mẹ thì đều thành bà tiên, hoa hậu còn các ông bố thì toàn tướng mạo cao sang và kết thúc bài bao giờ cũng bằng câu quá nhàm vì… quá đúng: Em rất yêu bố (mẹ) em…

Song, có một chuyện nghiêm túc, đó là câu chuyện dạy văn và học văn trong nhà trường. Nếu cứ dạy văn kiểu này, học sinh không chán môn văn mới lạ và để học sinh chán ghét môn này, xã hội sẽ về đâu? Tương lai đất nước sẽ về đâu? Chỉ mong rằng điều này không diễn ra trong Chương trình và sách giáo khoa đang được biên soạn…

Bùi Hoàng Tám