Ba sở đồng tình… “chống lại” cấp trên!

(Dân trí) - Ba sở ở đây là Sở Tư pháp, Sở Giáo dục & Đào tạo và Sở Nội vụ thuộc thành phố Hà Nội. Cấp trên ở đây là Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục & Đào tạo và Bộ Nội vụ.


(MInh họa: Ngọc Diệp)

(MInh họa: Ngọc Diệp)

Sự việc bắt đầu từ việc xét tuyển viên chức cho ngành giáo dục Thủ đô. Sau khi tổ chức xét tuyển và các quận huyện đã thông báo điểm đến cho từng thí sinh thì “bỗng dưng” Sở Nội vụ Hà Nội lại ban hành Văn bản 2973 yêu cầu rà soát lại điểm cho thí sinh trong đó có đưa ra một số điểm làm rõ Nghị định 29 của Chính phủ.

Với hướng dẫn của Sở Nội vụ, các quận huyện phải tính lại điểm cho thí sinh nên dẫn đến tình trạng thí sinh đang có tổng điểm xét tuyển cao (cơ hội trúng tuyển) lại bị tụt điểm (dẫn tới nguy cơ bị trượt) và ngược lại, người có điểm nguy cơ bị trượt lại “bỗng dưng hi vọng”.

Trước việc làm đáng ngạc nhiên này, thí sinh có nguy cơ cao thành thấp đã gửi đơn thư khiếu nại về Văn bản 2973 lên nhiều cơ quan chức năng trong đó có báo Dân trí.

Tiếp nhận thông tin từ Dân trí, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp đã chính thức vào cuộc và xác định việc ban hành Văn bản 2973 là trái pháp luật. Việc hướng dẫn Nghị định 29 là của Chính phủ không phải là thẩm quyền của Sở Nội vụ Hà Nội.

Trong Văn bản số 70 /KTrVB-RSHTH&HN về việc thông báo kiểm tra văn bản ngày 5/3/2016 nêu rõ Quyết định số 3446/QĐ-UBND và Công văn số 2973/SNV-ĐTBDTD không phù hợp với quy định về ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời khẳng định một số nội dung của Quyết định số 3446/QĐ-UBND và Công văn số 2973/SNV-ĐTBDTD có dấu hiệu không phù hợp với pháp luật hiện hành...

Tại buổi làm việc với Hà Nội tại trụ sở Bộ Nội vụ với sự tham dự của đại diện Bộ GD-ĐT, Bộ Tư pháp về những lùm xùm trong công tác xét tuyển viên chức giáo dục năm 2015, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cũng khẳng định việc tuyển dụng viên chức phải tuân thủ theo căn cứ pháp lý là Nghị định 29/NĐ-CP, mọi văn bản khác trái với Nghị định này là không được phép. Một số văn bản hướng dẫn của Sở Nội vụ Hà Nội đã ban hành là chưa đúng với quy định của pháp luật.

Tại đây, căn cứ ý kiến của Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ sẽ đề nghị UBND Thành phố Hà Nội thanh tra và hủy những văn bản này.

Chiều ngày 8/3, Đoàn kiểm tra của Bộ Nội vụ do Thứ trưởng Trần Anh Tuấn dẫn đầu tiếp tục làm việc với UBND Thành phố Hà Nội. Trước việc Sở Nội vụ Hà Nội và một số quận huyện không chịu thừa nhận làm sai, Thứ trưởng Tuấn đã nói: "Làm sai thì nhận đi cho tiến bộ!".

Ông Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội trực tiếp yêu cầu hội đồng tuyển dụng nào căn cứ vào văn bản 2973 thì phải rà soát hết lại xem có ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh hay không. Phải xem tác động của văn bản 2973, nếu nó ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh thì phải xử lý. Các quận/huyện phải ký và đóng dấu để báo cáo lại UBND Thành phố về việc rà soát này.

“Chúng tôi sẽ tiếp nhận tất cả các đơn thư và hứa với Thứ trưởng xem xét xử lý theo đúng quy định, nếu đơn thư do Sở Nội vụ đã giải quyết rồi mà thí sinh vẫn còn khiếu kiện tiếp thì sẽ giao cho Thanh tra Thành phố làm” - Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh bày tỏ.

Thế nhưng cũng tại buổi làm việc này, Sở Nội vụ Hà Nội vẫn “tái” khẳng định không làm trái với Nghị định 29/NĐ-CP, rằng việc ban hành văn bản hướng dẫn sau khi công bố kết quả tuyển dụng là để đôn đốc các Hội đồng tuyển dụng thực hiện cho đúng Nghị định 29/NĐ-CP. Công văn 2973 của Sở không đề cập đến việc tính điểm khác với Nghị định 29/NĐ-CP.

Trước sự “cố thủ" của Sở Nội vụ Hà Nội, ông Trần Văn Khiêm – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Nội vụ) phải thốt lên: “Đã quy định tại Nghị định thì chúng ta phải thực hiện cho đúng, còn quá trình thực hiện chưa phù hợp thì phải tổng hợp báo cáo lên Chính phủ để xem xét chỉnh sửa... Nghị định này là việc của Chính phủ. Các địa phương, bộ/ngành không được ban hành thêm. Nếu trong quá trình thực hiện có vướng mắc thì Hà Nội nên hỏi các cơ quan liên quan. Đấy là nguyên tắc”.

Có lẽ đến đây, cũng không cần tranh luận chuyện đúng – sai vì điều đó đã quá rõ ràng bởi đây là văn bản do các cơ quan của Chính phủ ban hành, tức là “phép nước”, nếu thấy chưa hoặc không phù hợp, các cơ quan trực tiếp có thể phản ánh để sửa đổi chứ không thể “vận dụng” một cách tùy tiện, gây hoang mang trong dư luận.

Điều đáng nói là báo chí, với trách nhiệm phản ánh về tâm tư nguyện vọng của người dân đến cơ quan chức năng cùng với thông tin quá trình giải quyết vụ việc để người dân và thí sinh nắm được, đáng ra các cơ quan trên phải cảm ơn báo chí đã đồng hành cùng với mình để giải quyết rốt ráo những khúc mắc do mình gây ra, tránh gây hoang mang trong dư luận thì ngược lại, tại Công văn số 486 NV-GD&ĐT–TP ngày 7/3/2016, ba sở Tư pháp, Nội vụ, Giáo dục & Đào tạo Hà Nội đã gửi đến Thành ủy Hà Nội, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội bản báo cáo dài 4 trang giấy với những lý giải “loàng nhoằng”, đặc biệt trong phần “Đề nghị” còn có đoạn: “Báo Dân trí, Vietnam Net đưa tin một chiều, thiếu chính xác gây ảnh hưởng đến tình hình xã hội thành phố”.

Xin được hỏi, trong số gần 20 bài báo đăng trên Dân trí thì đâu là “đưa tin một chiều” và thông tin nào là “thiếu chính xác”? Và câu hỏi lớn hơn, ai là người đầu tiên đã làm sai gây nên “ảnh hưởng đến tình hình xã hội” nếu như không phải là những văn bản phạm qui, làm sai Nghị định 29 của Chính phủ?

Có lẽ cũng cần nhắc lại, việc hoang mang, lo ngại về những “khuất tất” trong việc tuyển công chức ở Hà Nội của dư luận không còn là chuyện lạ bởi nơi đây chính là “quê hương” của “công chức trăm triệu” như lời của ông Trần Trọng Dực khi ông Dực còn là Trưởng ban Kiểm tra thành ủy.

“Làm sai thì nhận đi cho tiến bộ!” còn nếu không nhận thì sẽ không tiến bộ và xã hội Việt Nam hiện nay, chác chắn sẽ không có chỗ cho người không muốn (và không chịu) tiến bộ, phải không các bạn?

Bùi Hoàng Tám