Bà Phó giám đốc và “Ra vườn hoa em chơi…”!

(Dân trí) - Điều đáng lo ngại là gần đây, hình như đối với một số cán bộ, công chức không thấy có văn hóa nhận lỗi, xin lỗi mà thường “chạy tội” bằng cách “cả vú lấp miệng em”...


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Chuyện bà Phạm Thị Minh Hiếu , Phó giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bình Thuận nghi bẻ hoa mai anh đào khi đi tham quan tại hồ Tuyền Lâm, TP Đà Lạt, BLOG Dân trí đã định không lên tiếng vì mấy lý do.

Thứ nhất, đây là sự việc không lớn, một lỗi lầm có thể tha thứ nếu như người gây nên thành khẩn nhận lỗi và sửa lỗi.

Thứ hai, bà Hiếu là phụ nữ, sự việc lại xảy ra vào đùng dịp 8/3 cho nên cũng không muốn nhắc tới. “Không được đánh phụ nữ, dù chỉ bằng một cành hoa” – Ngạn ngữ phương Tây bảo thế.

Thứ ba, bà Hiếu nói “lái xe bẻ”, đưa cho bà chứ bà không bẻ. Trong khi người chụp ảnh bà khẳng định bà bẻ và trước khi bẻ, còn có những lời lẽ không hay. Vì thế, có thể đây vẫn là “nghi án”.

Thế nhưng, đọc trả lời trên báo Vietnam Net của bà Hiếu thì không thể im lặng vì thái độ thiếu cầu thị và hình như, còn thấy cái gì đó như “tinh tướng”, bất chấp dư luận, cho rằng báo chí “qui chụp” của bà Phó giám đốc sở này.

“Một số vấn đề tôi muốn anh em nắm thông tin, sự việc có ồn ào, tuy nhiên nói cho nó rõ ràng là khu vực đó không có biển cấm hái, cấm bẻ, cấm thăm, cấm viếng gì cả. Báo chí cũng muốn quy chụp cho tôi vào cái việc đó rồi nói thế này thế nọ…”. Bà Hiếu nói.

Bà Hiếu nói thế là không đúng. Có thể nói cho đến nay, chưa ai “qui chụp” cho bà cả. Hầu như tất cả các báo đều có dòng chữ “nghi” bẻ hoa chứ chưa có bất cứ báo nào nói bà là người “bẻ hoa”. Tuy nhiên, có một chứng cứ không thể nói khác, là bức ảnh bà cầm bó hoa.

Ông Bùi Trung Đường - Giám đốc Công ty CP dịch vụ đô thị Đà Lạt và Đội thanh tra công trình đô thị và trật tự vệ sinh còn cho biết, ngày 6/3 đã đến kiểm tra vị trí vườn hoa nơi bà Hiếu bị chụp ảnh đưa lên mạng với bó hoa mai anh đào trên tay. Đội thanh tra thống kê, có 4 cây mai anh đào đang trổ hoa rất đẹp bị bẻ mất 6 cành.

Điều dễ nhận thấy là nếu một, hai cành thì có thể nó gãy xuống như bà Hiếu nói nhưng 6 cành thì điều đó khó có thể xảy ra nếu như không có người bẻ, nên nếu có sự nghi vấn ở đây cũng dễ hiểu.

Song, có một điều cũng cần phân tích rõ trong trả lời báo chí của bà Hiếu, đó là khi bà nói: “nói cho nó rõ ràng là khu vực đó không có biển cấm hái, cấm bẻ, cấm thăm, cấm viếng gì cả…”.

Câu này cho thấy trong tâm thức, bà Hiếu cho rằng nếu bà có bẻ (giả sử thế) thì cũng không sai vì không có… biển cấm.

Nếu suy nghĩ như vậy, khó có thể nói khác hai từ “ấu trĩ”. Hình như bà Hiếu không hiểu (hay cố tình không hiểu) rằng có nhiều cái trong đời sống xã hội dù không có biển cấm nhưng cũng không được… sờ vào.

Ví như căn nhà của bà chẳng hạn, tuy không có “biển cấm” nhưng nếu ai đấy tự tiện bước vào mà không được phép của bà và gia đình thì việc đó, tất nhiên là vi phạm. Cũng không thấy cô gái nào đặt biển “cấm sờ hiện vật” nhưng đừng có dại mà đụng vào, tội hình sự đấy!

Điều đáng lo ngại hơn là gần đây, hình như đối với một số cán bộ, công chức không thấy có văn hóa nhận lỗi, xin lỗi mà thường “chạy tội” bằng cách “cả vú lấp miệng em”. Gần đây nhất, vụ việc ở Nam Trung Yên ban đầu cũng chỉ là một cái lỗi hoàn toàn có thể tha thứ nếu như biết hành xử chân thành và nhân văn. Tiếc rằng, điều tốt đẹp đó đã không xảy ra và hậu quả nó như thế nào thì giờ đây ai cũng biết.

Trở lại với việc bà Phó sở Hiếu, hình như bà đã quên (hoặc không biết) một bài hát quen thuộc từ thủa ấu thơ: “Bông hoa này là của chung”.

Thôi thì đành chép nguyên văn lời bài hát này để “nhắc” bà Phó Giám đốc Phạm Thị Minh Hiếu, nếu bà đọc bài viết này: “Ra vườn hoa em chơi - Dưới ánh nắng vườn hoa tươi đẹp - Em muốn hái một bông hoa hồng - Nhưng cô dặn em đừng hái - Hoa trong vườn là của chung!... Nghe lời cô em ngoan - Em không hái một bông hoa nào - Hoa sắc thắm nhìn em hoa cười - Em vâng lời cô dặn không hái -Bông hoa này là của chung!”.

Một em bé mà còn biết “Em vâng lời cô dặn không hái -Bông hoa này là của chung!”, trong khi đó, bà Phó Sở còn thản nhiên cho rằng “khu vực đó không có biển cấm hái, cấm bẻ” thì quả là… lạ, phải không các bạn?

Bùi Hoàng Tám