Tâm điểm
Bích Diệp

Ai phải sống chung với chất thải nguy hại?

42 tấn chất thải nguy hại được chôn giấu trong Xí nghiệp đèn ống (TP Biên Hòa) thuộc Công ty bóng đèn Điện Quang vừa bị lực lượng chức năng phát hiện. Đáng chú ý là số chất thải này chứa trong 2 hầm bê tông xây âm dưới đất bên trong khuôn viên xí nghiệp.

Tại vụ việc này, nhà chức trách chưa công bố về mức độ nguy hại của chất thải và cũng chưa kết luận lý do đơn vị xây hầm chứa ngay trong khuôn viên. Tuy nhiên, những ai dõi theo luồng thông tin sẽ nảy lên trong đầu các câu hỏi: Có phải đây là những loại chất thải gây tốn kém chi phí khi thu gom, xử lý theo quy định hay không? Vì sao xí nghiệp lại chôn giấu chất thải độc hại khi người bị ảnh hưởng trước hết có thể là cán bộ, công nhân viên? 

Trước khi cơ quan chức năng đưa ra kết luận, thiết nghĩ Công ty bóng đèn Điện Quang có trách nhiệm giải thích rõ với công chúng và người lao động về việc "chuyện gì đã thực sự xảy ra ở Xí nghiệp đèn ống (Biên Hòa)?".

Vụ cháy tại nhà máy sản xuất bóng đèn Rạng Đông 3 năm trước, hay sự cố môi trường do Formosa Hà Tĩnh xả thải trực tiếp ra biển…, là những bài học còn nguyên tính thời sự về tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường ở các cơ sở công nghiệp. Bởi vì với đặc tính vật liệu và chất thải của các cơ sở này, một sự cố nếu xảy ra sẽ gây ảnh hưởng khu vực rộng lớn.  

Và không riêng các cơ sở công nghiệp, những nhà xưởng nhỏ hay trại chăn nuôi nếu không thu gom, xử lý chất thải theo đúng quy định, đều sẽ gây hại cho môi trường. Thời gian qua không ít đơn vị đã bị phạt hành chính, thậm chí bị xử lý hình sự cá nhân liên quan. Tuy nhiên, hệ lụy của hành vi xả thải trái phép đối với sức khỏe người lao động và người dân khu vực xung quanh không dừng lại khi đơn vị bị xử phạt, mà sẽ còn lâu dài. Đặc biệt nếu hành vi gây ô nhiễm môi trường xảy ra trong nhiều năm, đủ tích tụ để gây bệnh cho con người.

Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực từ đầu năm nay quy định bồi thường thiệt hại về môi trường được giải quyết thông qua thương lượng giữa các bên. Trong trường hợp không thương lượng được, các bên có thể lựa chọn hòa giải, giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, hoặc đưa ra tòa.

Theo tìm hiểu, đã có những vụ việc được giải quyết thông qua thương lượng. Nhưng nhìn chung, vì nhiều lý do khác nhau, bức xúc về môi trường diễn ra nhiều nơi song ít khi những người bị ảnh hưởng đòi bồi thường thiệt hại, việc được bồi thường lại càng khó khăn hơn. Theo phân tích của chuyên gia đến từ Đại học Quốc gia Hà Nội, quá trình chứng minh thiệt hại sức khỏe là điều không dễ dàng; hơn nữa, chi phí và các thủ tục khởi kiện phức tạp có thể khiến người dân ngần ngại.

Chính phủ lâu nay đã phát đi thông điệp không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế. Các vi phạm về môi trường sẽ bị xử lý nghiêm khắc theo đúng quy định pháp luật. Thời gian tới, cùng với việc tăng cường kiểm tra, xử lý cơ sở vi phạm, cơ quan quản lý cần sớm hoàn thiện cơ chế yêu cầu bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường. Bởi vì, những người phải sống chung và chịu ảnh hưởng từ chất thải nguy hại trước hết là lao động trong đơn vị và người dân sống xung quanh. Khi cơ chế yêu cầu bồi thường thiệt hại trở nên khả thi hơn từ phía người dân, sẽ góp phần buộc các doanh nghiệp phải nghiêm túc nhìn nhận vấn đề bảo vệ môi trường, nếu không muốn đứng trước các vụ kiện và phải trả giá.

Bất cứ doanh nghiệp nào cũng chịu áp lực lớn về doanh thu và lợi nhuận, nhưng không vì thế mà được phép trốn tránh nghĩa vụ của mình. Đừng để khi xảy ra hậu quả mới vỡ lẽ. Cái giá của sự liều lĩnh có thể rất đắt, doanh nghiệp có thể không có cơ hội sửa chữa sai lầm!