Truyền thống đốt đồ trang trí, mong cầu hạnh phúc

Minh Hương

(Dân trí) - Dondo-Yaki là tập tục được tổ chức vào cuối kỳ nghỉ năm mới. Trong buổi lễ này, người dân tụ tập đốt đồ trang trí nhà cửa dịp năm mới và cầu nguyện hạnh phúc.

Các gia đình Nhật Bản trang trí nhà cửa với rất nhiều món đồ đặc trưng của dịp năm mới như kadomatsu, shimekazari và kagamimochi. Người Nhật quan niệm rằng hành vi ném những món đồ trang trí nhà cửa vào thùng rác hoặc vứt chúng đi là bất kính. Điều tương tự cũng áp dụng với những món đồ cầu may omamori được mua tại các đền chùa trong năm cũ.

Vì vậy, vào khoảng ngày 15/1, người dân ở các địa phương sẽ tụ tập xung quanh những bãi đất trống ở các đền chùa, các cánh đồng, cạnh bờ sông… để tập trung đốt những đống lớn gồm tre, gỗ tuyết tùng, rơm, các món đồ trang trí năm mới, những món đồ cầu may của năm cũ, những lá bùa, những bức tranh thư pháp Kakizome viết trong ngày đầu năm.

Bằng cách này, người Nhật có thể bỏ đi những món đồ trang trí vào cuối kỳ nghỉ lễ năm mới đồng thời tỏ lòng biết ơn tới những vật cầu may như búp bê damura, omamori vì sự bảo hộ và những may mắn chúng mang đến trong năm cũ.

Truyền thống đốt đồ trang trí, mong cầu hạnh phúc - 1

Người Nhật đốt những món đồ trang trí dịp năm mới, vật cầu may trong tập tục Dondo-Yaki. Ảnh: Japan-magazine

Người Nhật cũng tin rằng đám cháy khổng lồ cùng những cuộc khói cuồn cuộn bốc lên trời cao sẽ mang vị thần năm mới của đạo Shinto Toshigami - người ghé thăm nhân gian dịp năm mới, về lại thiên đàng.

Trong lúc ngắm nhìn ngọn lửa cùng những cuộn khói bốc cao, những người tham gia đồng thời cầu nguyện năm mới với nhiều sức khỏe, may mắn trong công việc, kinh doanh. Rất nhiều truyền thuyết và quan niệm truyền thống gắn liền với tập tục Dondo-Yaki.

Truyền thống đốt đồ trang trí, mong cầu hạnh phúc - 2

Đám cháy khổng lồ trong tập tục Dondo-Yaki. Ảnh: Japan-magazine

Người Nhật tin rằng họ sẽ có thêm sinh lực, cơ thể dường như trẻ ra khi sưởi ấm bên ngọn lửa trong tập tục Dondo-Yaki. Người ta cũng tin rằng khi bức thư pháp viết đầu năm Kakizome được đốt cháy và tàn tro bay tít lên trời cao, chủ nhân bức thư pháp sẽ viết chữ ngày càng đẹp hơn, trở nên thông thái hơn. Mùa màng sẽ bội thu khi cánh đồng được rải tro từ đám cháy.

Khi ngọn lửa dần tàn, người dân sẽ nướng những chiếc bánh mochi trên đống lửa. Những người ăn chiếc bánh này sẽ khỏe mạnh, không bị cảm suốt năm mới.

Tập tục Dondo Yaki là dịp để người dân địa phương tụ tập cùng nhau trong những ngày cuối cùng của dịp lễ mừng năm mới. Đó cũng là cách để người Nhật loại bỏ đi những tàn dư của năm cũ, của những điều đã cũ, và sẵn sàng chờ đợi những điều mới mẻ trong tương lai, trong lúc vừa nhìn ngắm ngọn lửa bốc lên cao vừa gửi những lời cầu nguyện, những hy vọng tốt đẹp vào năm mới.

Dondo-Yaki còn được biết đến với tên gọi Sagichou tại các vùng Hokuriku, Tokai và Kyoto, hay tên gọi Tondo ở vùng Kansai, Sainokami ở vùng Tohoku và Onibitaki ở vùng Kyushu. Các lễ đốt lửa Dondo-Yaki lớn nhất xứ Phù Tang thường được tổ chức tại thành phố Mima, tỉnh Tokushima. Khách du lịch Tokyo có thể tham gia tập tục này tại khu vực quanh bờ sông Tamagawa ở Setagaya-ku.