CUBIC Architects: Việt Nam đang thiếu những khoảng thở xanh cho phố

(Dân trí) - Nếu như con người cần thở để sống, thì các công trình cũng cần những “khoảng thở”, “khoảng xanh”. Tuy nhiên, với việc những “khoảng thở” trong thành phố đang dần khan hiếm, sức ép đô thị ngày một lớn, thì nhu cầu về Kiến trúc xanh lại ngày một cấp bách hơn.

CUBIC Architects: Việt Nam đang thiếu những khoảng thở xanh cho phố - 1
Đô thị Việt Nam đang trở nên oi bức, ngột ngạt trước thực trạng thiếu các “khoảng thở xanh”

Sau gần 30 năm đổi mới, mở cửa, nền kinh tế Việt Nam không ngừng phát triển, diện mạo đất nước đã hoàn toàn đổi khác. Nhiều đô thị mới được hình thành theo quá trình đô thị hóa mạnh mẽ và rộng khắp.

Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng này cũng khiến nảy sinh những thách thức mới. Như là vấn đề môi trường sống ngày càng bị ô nhiễm; các hồ, đầm bị san lấp, lấn chiếm để lấy đất xây dựng; công viên, vườn hoa - lá phổi xanh của thành phố bị thu hẹp…

Trên thế giới, những năm gần đây, các khái niệm như đô thị sinh thái, kiến trúc thích ứng khí hậu, kiến trúc sinh thái, kiến trúc xanh…đã xuất hiện và được áp dụng trong thực tiễn. Trong đó, kiến trúc xanh đang trở thành xu hướng của nhiều quốc gia không chỉ trong các công trình xây dựng, mà cả quy hoạch đô thị.

Bài học nhìn từ Singapore

Điển hình một quốc gia đang ứng dụng kiến trúc xanh đáng kinh ngạc đó là Singapore. Nhắc đến Singapore là nhắc đến một thành phố xanh, sạch và đẹp với những công trình biểu tượng như: Marina Bay Sands, và gần đây là việc khánh thành của Nhà ga Sân bay Changi, một không gian xanh ngay giữa sân bay.

Một thành phố Singapore văn minh, có trật tự và cư dân luôn hướng đến những giá trị thiết thực để có cuộc sống tiện nghi, an lành và bền vững với môi trường xung quanh. Mặc dù trước đó, Singapore đã có khoảng thời gian dài phải nhập khẩu cả nguồn nước sạch và năng lượng từ Maylaysia, với sự rủi ro và chi phí đắt đỏ.

“Singapore có một lợi thế lớn đó là chúng tôi được ủng hộ từ mọi mặt như: về đào tạo, về tiềm lực kinh tế, chính sách nhà nước… Hàng loạt chương trình khuyến khích sử dụng cây xanh trong thiết kế các tòa nhà hay hạ tầng đô thị đã đem lại một kết quả rõ rệt cho môi trường”, KTS. Chan Ee Mun - Giám đốc WOHA Architects.

Vị chuyên gia cho rằng, vấn đề cấp bách và cần thiết đặt ra cho các nước muốn theo đuổi kiến trúc xanh đó là cần thực hiện hoá các thiết kế công trình. Dù khó khăn, vướng mắc cũng không thể lùi bước, mà phải luôn tìm ra giải pháp để cân đối. Như vậy mới có thể đạt được mong muốn tạo nên một đất nước trong lành, một đô thị xanh

Thực tế, Singapore từ một quốc đảo nhỏ đã kiến tạo nên một nền công trình xây dựng hiện đại, mô hình hóa thông tin tất cả các công trình và Kiến trúc Xanh - được nhiều nước trong đấy có cả Việt Nam xem là bài học phát triển.

Câu chuyện về những khoảng thở

Để áp dụng được mô hình Kiến trúc Xanh, Việt Nam đứng trước khá nhiều thách thức. Công nghệ xanh mang lại nhiều lợi ích về môi trường, nhưng đòi hỏi chi phí đầu tư, thi công, thiết kế ban đầu khá lớn, khiến nhiều chủ đầu tư tại Việt Nam cảm thấy e dè.

KTS. Trần Vũ Lâm - Chủ tịch CTCP Kiến trúc Lập Phương (CUBIC Architects) cho hay: “Chúng tôi là đơn vị thiết kế cho nhiều công trình cao tầng, nên mỗi khi tư vấn cho các chủ đầu tư, thì luôn đưa ra những phương án nhiều khoảng xanh nhất, mang tới sự tiện nghi, thoáng mát cho cư dân”.

CUBIC Architects: Việt Nam đang thiếu những khoảng thở xanh cho phố - 2
KTS. Trần Vũ Lâm - Chủ tịch CTCP Kiến trúc Lập Phương (CUBIC Architects)

“Nhưng thực tế để triển khai rất khó, bởi thêm khoảng xanh là bớt khoảng ở - vốn đem lại lợi nhuận cho chủ đầu tư. Chính vì tư duy chạy theo diện tích phòng, số lượng phòng, mà nhiều chủ đầu tư bỏ qua yếu tố “xanh” cho cộng đồng. Họ quên mất rằng, một không gian xanh luôn giá trị gấp nhiều lần một không gian toàn bê-tông, cốt thép”, ông Lâm nói.

Theo Chủ tịch CUBIC Architects, các công trình xây dựng cũng giống như một cơ thể sống. Con người cần thở để sống, thì các công trình cũng cần những “khoảng thở”, “khoảng xanh”. Tuy nhiên, với việc những “khoảng thở” trong thành phố đang dần khan hiếm, sức ép về đô thị ngày một lớn, thì nhu cầu về Kiến trúc xanh lại ngày một cấp bách hơn.

Điều này đã dẫn đến thực trạng, tại nhiều khu nhà ở, chung cư cũ, người dân đã phải tận dụng các khoảng trống của tầng thượng, hay các khu hiên nhà để trồng cây xanh. Thậm chí, trẻ em hiện chỉ có thể chơi ở hành lang, hoặc tụ tập ngay dưới mép đường.

“Dễ nhận thấy nhất là vài tuần vừa qua, trời nắng nóng kéo dài, dù nhiệt độ thành phố chỉ tăng thêm vài độ, nhưng chúng ta luôn cảm thấy như là chục độ. Bởi thiếu không gian xanh, thành phố sẽ tản nhiệt kém hơn, thậm chí là ủ nhiệt với toàn bê-tông, cốt thép”, KTS. Trần Vũ Lâm nêu dẫn chứng.

Đâu sẽ là giải pháp?

Dưới góc nhìn một kiến trúc sư, ông Trần Vũ Lâm cho rằng, giữa các tòa nhà nếu có thêm các khoảng xanh, sân chơi cộng đồng, thì sự thông gió sẽ tốt hơn. Bởi gió sẽ giúp điều hòa, tản nhiệt, đồng thời tạo ra sự thông thoáng cho không gian.

CUBIC Architects: Việt Nam đang thiếu những khoảng thở xanh cho phố - 3

KTS. Trần Vũ Lâm - Chủ tịch CTCP Kiến trúc Lập Phương (CUBIC Architects)

“Một trong ba nhu cầu quan trọng của con người với nơi an cư chính là tính kết nối và giao lưu cộng đồng. Do đó, dù là chủ đầu tư, hay nhà thiết kế cũng đều cần tôn trọng nhu cầu này, tạo ra thêm nhiều khoảng thở, khoảng xanh cho công trình”, Chủ tịch CUBIC Architects đề xuất.

Với những tổ hợp lớn, vị KTS cho rằng, các căn hộ nên được xoay ngang, để tận dụng tối đa năng lượng gió và ánh sáng cho ngôi nhà. Hạn chế làm căn hộ theo chiều sâu.

Bên cạnh đó là việc tạo các không gian liên kết cộng đồng. Ngoài cây xanh trong nhà, có thể cân nhắc thiết kế không gian phía dưới là khoảng rỗng, tạo không gian xanh, có thể là hồ bơi ngoài trời, hoặc các thảm cỏ, cây xanh.

Riêng đối với khu nhà ở phức hợp đòi hỏi tiết kiệm chi phí, diện tích xây dựng khiêm tốn, ông Lâm cho rằng vẫn có thể đưa vào đó khoảng xanh bằng việc tạo cầu nối liên thông giữa các tòa nhà, còn khu vực phía dưới sẽ tận dụng tiếp cận giao thông, để có thu về thương mại, nhưng vẫn tạo các khoảng rỗng hình thành khu giao tiếp cộng đồng.