Yêu thích môn học phụ nhờ phương pháp giảng dạy hay

Là sinh viên trường Đại học Ngoại ngữ Huế nên học phần Môi trường và Con người được chúng tôi xem là môn học "ngoại đạo". Hầu như cả lớp chúng tôi đều không mặn mà gì với môn học này.

Thế nhưng với phương pháp giảng dạy và phong cách lên lớp của thầy giáo (còn rất trẻ nhưng đã có thời gian học ở nước ngoài), chúng tôi đã hoàn toàn bị khuất phục và trở nên rất yêu thích môn học, yêu thiên nhiên và môi trường hơn.

Ngay trong buổi học đầu tiên thầy giáo đã khuấy động lớp học bằng phương pháp giới thiệu và làm quen vui nhộn. Các tài liệu và trang web liên quan đến môn học được thầy cung cấp rất đầy đủ. Thầy giải thích cặn kẽ về tầm quan trọng của phương pháp học chủ động, tự học và hứa với chúng tôi là sẽ tạo một không khí mới cho lớp học. Tất các chúng tôi đều rất phấn khích khi được thông báo rằng cả lớp sẽ không cần chép bài trong suốt quá trình học bởi giáo trình đã được thầy đưa lên mạng internet.

Không khí lớp học được khuấy động làm cho chúng tôi luôn hào hứng và tập trung trong học tập. Trong các buổi học, sau phần bài giảng về những nội dung liên quan, thầy giáo thay đổi không khí bằng cách chiếu một đoạn phim ngắn có liên quan đến bài học hoặc chia nhóm để thảo luận. Lớp học được chia thành 12 nhóm với mỗi nhóm khoảng từ 6-7 thành viên. Thầy giáo yêu cầu các nhóm đặt tên riêng cho nhóm (tên nhóm chúng tôi là hành trình xanh), bầu nhóm trưởng và thư ký của nhóm. Thỉnh thoảng thầy lại cho thảo luận cá nhân bằng cách huy động nhanh các ý tưởng trong lớp học (brainstorm). Do vậy mà tất cả chúng tôi đều cảm thấy buổi học trôi qua thật nhanh.

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Các câu hỏi thảo luận rất thực tế và liên quan đến những vấn đề thời sự về môi trường hiện đang diễn ra trong nước và trên thế giới, ví dụ như vụ gây ô nhiễm của công ty Vedan, các vụ việc nhập khẩu chất thải ở cảng Hải Phòng và Đà Nẵng, biến đổi khí hậu, các vấn đề liên quan đến tiết kiệm tài nguyên, đạo đức môi trường… Tất cả chúng tôi đều cảm thấy rất thích thú với cách đặt vấn đề rất mở để cho các nhóm thảo luận, sau đó các nhóm lần lượt trình bày. Không khí trong lớp học lúc nào cũng nhẹ nhàng và thoải mái bởi những câu chuyện pha trò của thầy và những câu chuyện này đều liên quan chặt chẽ đến nội dung của bài giảng.

Ngoài ra, thầy còn dành thời gian để hướng dẫn cho chúng tôi cách tra cứu các thông tin và thuật ngữ môi trường bằng cách sử dụng trang web www.google.com, cách sử dụng internet để phục vụ trong việc tự học. Rất nhiều bài đọc thêm có liên quan đến học phần được thầy post lên mạng để chúng tôi tham khảo. Các cột điểm về chuyên cần và bài tiểu luận cũng được thầy cập nhật trên mạng. Thầy giáo còn khuyến khích chúng tôi gửi bài tiểu luận qua email để tiết kiệm giấy và để sinh viên làm quen với việc sử dụng công nghệ thông tin trong học tập.

Vào tiết cuối cùng của môn học, thầy giáo yêu cầu chúng tôi mỗi người lấy ra một mảnh giấy nhỏ rồi ghi vào các góp ý về môn học để giúp thầy rút kinh nghiệm trong những năm sau. Tất cả chúng tôi cảm thấy rất thích thú vì đây là lần đầu tiên chúng tôi được đánh giá giáo viên. Thầy khuyến khích chúng tôi nói thẳng và thật để có thể giúp thầy nhận rõ những khiếm khuyết của mình trong giảng dạy. Hầu như ai trong chúng tôi cũng đều đưa ra nhận xét rất tốt về thầy, cả phong cách lên lớp lẫn phương pháp giảng dạy.

Môn học vừa mới kết thúc cách đây ba ngày, tất cả chúng tôi đều cảm thấy tiếc nuối vì thời gian sao trôi nhanh quá (học phần chỉ 30 tiết). Chúng tôi ước gì tất cả các học phần mà chúng tôi được học ở đại học sẽ được giảng dạy theo phương pháp của thầy, một phương pháp làm cho chúng tôi từ chỗ học để đối phó một môn học được cho là “phụ” chuyển sang yêu thích môn học đó và tự nhiên thấy yêu thích thiên nhiên và môi trường.

Nguyễn Thị Phương

LTS Dân trí - Quả thật môn học Môi trường và Con người ( chỉ có 30 tiết cho học phần này) đâu có phải là môn học chính yếu đối với sinh viên ngành ngoại ngữ, nhưng do thầy dạy hay, có phương pháp tốt vẫn tạo ra sự hào hứng học tập trong suốt 30 tiết học đối với sinh viên; đến khi kết thúc môn học sinh viên vẫn còn luyến tiếc!

Điều đó cho thấy phương pháp giảng dạy và phong cách của giáo viên quan trọng đến nhường nào trong việc tạo ra sự hứng thú học tập cũng như hiệu quả tiếp thu kiến thưc một cách chủ động đối với học sinh và sinh viên.