Yêu con phải hiểu con

Chúng ta - những bậc phụ huynh đều giống nhau là mong con nên người nhưng cách làm của mỗi người mỗi khác. Tôi rất tán đồng quan điểm của bài viết “<a href="http://dantri.com.vn/diendandantri/Tao-dieu-kien-cho-con-choi-thoai-mai-va-co-ich/2008/11/261220.vip">Tạo điều kiện cho con chơi thoải mái và có ích</a>” của bạn Lientb.

Để chủ động lựa chọn nơi vui chơi cho con, tạo điều kiện giáo dục hay phương pháp giáo dục phù hợp cho con, phải chăng các bậc phụ huynh cần tìm hiểu và quan tâm hơn tới các nhân tố ảnh hưởng tới quá trình hình thành và phát triển nhân cách của con mình? Đó là các yếu tố bẩm sinh di truyền, yếu tố môi trường và tâm sinh lý lứa tuổi...

1. Về bẩm sinh di truyền là yếu tố nền tảng, là cơ sở của giáo dục chúng ta nên đánh giá được khả năng học tập để có chế độ học tập phù hợp cho con; Đánh giá được các năng lực tư duy, hình thức học tập hay  tính cách để tạo môi trường, điều kiện học tập sao cho con tăng hứng thú và khả năng chú ý khi học; Đánh giá được tiềm năng trí tuệ và năng khiếu nổi trội để chọn hướng học và hướng nghiệp...

2. Về môi trường là yếu tố qui định chiều hướng phát triển của trẻ. Dù là môi trường gia đình, nhà trường hay xã hội thì đều phải phát huy được điểm mạnh và hạn chế được điểm yếu của trẻ.

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

3. Về tâm sinh lý lứa tuổi cũng là một nội dung quan trọng mà các bậc phụ huynh yêu con cần chú ý. Mỗi lứa tuổi một đặc trưng, không hiểu trẻ làm sao để trẻ gần, trẻ tin và nghe chúng ta?

Khi con còn nhỏ xíu các bậc phụ huynh đều là những nhà giáo dục tuyệt vời. Chúng ta mừng vui trước mỗi thành tích nho nhỏ của con và hết lòng cổ vũ để con làm việc tốt nhiều lần: Con tôi đã biết cười; Con tôi đã biết vỗ tay... Nhưng khi con trẻ càng lớn thì dường như chúng ta đối với con đổi khác hoàn toàn. Nào đâu lời nói "Con mẹ giỏi quá, mẹ yêu cái nào!"; Nào đâu những ánh mắt trìu mến, tự hào...

Con trẻ sẽ hạnh phúc biết bao khi cha mẹ luôn biết được những gì chúng thích làm nhất để cho chúng cơ hội làm nhiều một chút và cha mẹ cũng biết được những việc chúng ghét làm nhất để giảm bớt cho chúng những gì chúng không muốn...

Bệnh thành tích, bệnh đối phó sẽ không bao giờ chữa được nếu sau mỗi ngày con đi học về chúng ta chỉ quan tâm hỏi hôm nay con được mấy điểm!!!

Thay bằng những câu hỏi tương tự như vậy phải chăng các bậc phụ huynh có thể hỏi hôm nay con học có điều gì hứng thú hay có điều gì mắc míu, chưa hài lòng? 

Văn Lâm

LTS Dân trí - Dạy con làm sao cho nên người luôn là một câu hỏi đặt ra với các bậc cha mẹ quan tâm đến con cái, thậm chí hy sinh cả đời mình vì con cái, chỉ mong rằng sau này con khôn lớn và thành đạt. Nhưng nguyện vọng cao cả và chính đáng đó, không phải người cha mẹ nào cũng toại nguyện. Điều đó phụ thuộc vào nhiều yếu tố, cả việc chăm lo giáo dục, uốn nắn con từ nhỏ; chọn bạn cho con chơi, chọn trường cho con học..v.v.

Nhưng nhiều khi quên mất việc tìm hiểu tâm lý lứa tuổi, khả năng trí tuệ (cả ưu và nhược điểm), năng khiếu nổi trội (nếu có), sở thích và nguyện vọng của con…

Đấy chính là cơ sở quan trọng để có phương hướng và biện pháp giáo dục đúng đắn như tác giả bài viết trên đây đã trao đổi với chúng ta.