Bạn đọc viết:

Yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ phường, xã

Vừa qua, dư luận xôn xao trước thông tin: qua rà soát nhân sự cấp uỷ đảng cơ sở đã tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT, công an tỉnh Long An đã phát hiện 87 trường hợp sử dụng bằng, giấy chứng nhận tốt nghiệp giả.

Đáng nói là hầu hết số đối tượng bị cơ quan chức năng phanh phui vì sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả đều đảm trách những chức vụ chủ chốt ở cơ sở như: Bí thư, phó Chủ tịch xã, phó Chủ tịch hội đồng nhân dân … hoặc là người phụ trách, đứng đầu các tổ chức, ban, ngành, đoàn thể của xã. Vụ việc trên đã làm dấy lên những quan ngại về nạn sử dụng bằng cấp, chứng chỉ giả của đội ngũ cán bộ cấp cơ sở bấy lâu nay và tình trạng bất cập, tồn tại trong chất lượng của đội ngũ “đầy tớ” vốn vẫn được xem là gần dân nhất này.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Trước đòi hỏi ngày càng cao của công việc phải giải quyết ở cấp cơ sở, trong những năm gần đây, vấn đề chuẩn hoá chất lượng cán bộ chủ chốt ở cấp phường, xã đã được chú trọng. Tuy nhiên trên thực tế, do “lịch sử” để lại còn có không ít người đảm trách những vị trí chủ chốt trong bộ máy chính quyền phường, xã ở một số địa phương vẫn chưa có bằng tốt nghiệp THPT hoặc tốt nghiệp bổ túc THPT, chưa qua đào tạo chuyên môn nhưng vẫn vào làm ở những vị trí đòi hỏi chuyên môn và năng lực lãnh đạo.

Để giữ “ghế”, một số cán bộ cấp phường, xã đã sử dụng văn bằng, giấy chứng nhận tốt nghiêjp THPT giả. Đây không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn thể hiện sự thoái hoá, biến chất về đạo đức tư cách của người cán bộ ở cấp cơ sở.

Qua vụ việc vừa bị phanh phui ở Long An, dư luận đang chờ đợi sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết lliệt hơn của các cơ quan chức năng trong việc soát xét lại hệ thống văn bằng, chứng chỉ của đội ngũ cán bộ cống chức chủ chốt ở cấp phường, xã. Tuỳ vào từng mức độ, từng trường hợp cụ thể mà cần có những biện pháp xử lý kỷ luật thích đáng nhằm làm trong sạch hoá đội ngũ cán bộ ở cấp cơ sở, lấy lại niềm tin cho nhân dân.

Bên cạnh hiện tượng sử dụng bằng cấp, chứng chỉ giả thì tình trạng một số cán bộ tham gia các lớp đào tạo đại học tại chức, đại học từ xa không phải để nâng cao trình độ, phục vụ nhân dân mà là để “đánh bóng” bản thân và phục vụ cho việc “giữ ghế” và “tiến chức” cũng là một thực tế đang diễn ra.

Việc cán bộ phường, xã đăng ký học các lớp đại học tại chức, đại học từ xa theo “phong trào”, không chuyên tâm vào việc học không những không nâng cao được trình độ chuyên môn mà còn làm lãng phí một khoản ngân sách đáng kể của địa phương bởi chính sách hỗ trợ kinh phí cho cán bộ xã, phường đi đào tạo để “chuẩn hoá” kiến thức và nâng cao trình độ dễ bị một số người lợi dụng.

Dựa vào sự sơ hở, dễ dãi của các cơ sở đào tạo đại học tại chức, đại học từ xa, một số cán bộ chỉ có tên trong danh sách đăng ký học, nộp học phí đầy đủ còn việc học như thế nào? Có thực chất hay không thì không ai quản lý được. Việc kiểm tra, thi cử đã có người khác… làm thay. Đến thời hạn thì vẫn nghiễm nhiên có được tấm bằng đại học như đã tính toán.

Đây thực chất là một hình thức biến thái của việc “mua bằng” và “lách luật”. So với việc sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả thì việc học giả nhưng vẫn được cấp bằng thật đều gây ra những hệ luỵ và tác động tiêu cực như nhau.

Qua thực tế tiếp xúc, làm việc với đội ngũ cán bộ cấp phừong, xã, không ít người dân tỏ ra bức xúc trước hiện tượng cửa quyền, quan liêu, giải quyềt công việc của người dân theo cơ chế xin – cho. Những hiện tượng tiêu cực trên chứng tỏ chất lượng đội ngũ cán bộ cấp phường, xã hiện nay ở nhiều địa phương vẫn còn lắm tồn tại, bất cập.

Quan niệm cũ song vẫn còn khá phổ biến hiện nay cho rằng cán bộ cấp phường, xã việc ít lại dễ nên không đòi hỏi trình độ cao. Đây là một quan niệm lạc hậu, cần phải loại bỏ. Trên thực tế, trong điều kiện cơ chế hiện nay, cán bộ cấp phường, xã đang phải tiếp nhận, xử lý một khối lượng công việc ngày càng nặng nề thuộc nhiều mảng khác nhau. Trong khi nhiều cán bộ ở cấp phường, xã lại không được đào tạo bài bản, nhiều chế độ chính sách liên tục được thay đổi nhưng ít được bồi dưỡng nghiệp vụ. Việc nắm bắt thông tin chậm dẫn tới thiếu tính nhạy bén, linh hoạt trong xử lý công việc. Trình độ của đội ngũ cán bộ còn hạn chế, bị “ngợp” truớc khối lượng và áp lực công việc. Tất yếu, có lúc, có nơi hiệu quả thực thi công vụ còn thấp, gây những bức xúc trong nhân dân, ảnh hưởng tới sự phát triển về kinh tế, xã hội của địa phương.

Một trong những vấn đề cấp thiết đặt ra để từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ phường, xã là cần phải có chế độ đãi ngộ thích hợp nhằm thu hút một lượng lớn sinh viên được đào tạo bài bản ở các truờng đại học, cao đẳng về công tác ở cấp phường, xã.

Giải pháp này cũng mang tính khả thi cao trong thời điểm hiện nay bởi hằng năm có một lượng lớn sinh viên tốt nghiệp ra trường nhưng vì nhiều lý do khác nhau không phải ai cũng có thể xin được việc làm trong các doanh nghiệp lớn hoặc cơ quan nhà nước ở thành phố, thị xã. Trong khi có không ít sinh viên sau khi ra trường có nguyện vọng muốn cống hiến sức lực, trí tuệ làm giàu cho quê hương. Đối với những xã vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa thì vấn đề thu hút đội ngũ trí thức trẻ là các sinh viên từ các trường đại học, cao đẳng về công tác lại càng cần thiết.

Liên quan đến chế độ lương bổng của đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp phường xã, trong thời gian tới cần tìm cách khắc phục một nghịch lý đang diễn ra là lương cán bộ chuyên trách thấp hơn lương của công chức chuyên môn có cùng trình độ đào tạo. Cùng trình độ đào tạo nhưng cán bộ chủ chốt chỉ có hai bậc lương còn công chức chuyên môn được nâng lương theo niên hạn nên một số năm sau, công chức chuyên môn sẽ có mức lương cao hơn cán bộ chủ chốt.

Một công chức chuyên môn nếu được hưởng lương công chức xã nhưng được bầu vào ban thường vụ, cấp uỷ sẽ hưởng chế độ lương chuyên trách hoặc không chuyên trách, lương hoặc phụ cấp sẽ thấp hơn lương công chức. Trong khi đó, để trở thành cán bộ chủ chốt, người cán bộ không chỉ cần có trình độ chuyên môn, chính trị nhất định mà còn đòi hỏi kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý và tín nhiệm của cán bộ, nhân dân địa phương. Mặt khác, chức trách, nhiệm vụ của cán bộ chủ chốt cơ sở thường nặng nề hơn so với cán bộ chuyên môn khác.

Nhận thức được tầm quan trọng của đội ngũ cán bộ cấp phường, xã trong hệ thống hành chính các cấp, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định số 34/2006/QĐ – TTg ngày 27 - 2 – 2006, phê duyệt đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức phường, xã, thị trấn giai đoạn 2006 – 2010. đề án đã được thực thi trong thời gian qua, song vì những lý do khách  quan và chủ quan, hiệu quả mang lại chưa được như mong muốn.

Thiết nghĩ, để tạo bước đột phá trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cấp phường, xã cần phải thay đổi quan niệm cũ về sử dụng cán bộ theo kiểu “sống lâu lên lão làng”. Theo đó, cần mạnh dạn loại bỏ những cán bộ có trình độ chuyên môn thấp, nhất là cán bộ chủ chốt. Kiên quyết không tuyển dụng, quy hoạch, phân công, bố trí những cán bộ non kém về năng lực lãnh đạo hoặc “có vấn đề” trong việc sử dụng bằng cấp giả vào những vị trí chủ chốt. Song song với đó, cần có chế độ đãi ngộ thoả đáng, khen thưởng hợp lý hơn đối với cán bộ lãnh đạo và quản lý cơ sở. đồng thời, có các chính sách đồng bộ nhằm thu hút trí thức trẻ về công tác tại các phường, xã.   

Bùi Minh Tuấn

 (Giáo viên trường THPT Kim Liên – Nam Đàn – Nghệ An)

 

LTS Dân trí - Cán bộ cơ sở tại xã, phường hằng ngày tiếp xúc với nhân dân và giải quyết những công việc rất sát với quyền lợi thiết thân của người dân. Xã hội ngày càng phát triển. nhiều vùng nông thôn đô thị hóa rất nhanh càng đòi hỏi trình độ đội ngũ cán bộ ở cơ sở phải theo kịp với đà tiến bộ đó. Tuy nhiên, do những nguyên nhân chủ quan và khách quan, trình độ về nhiều mặt của đội ngũ cán bộ cơ sở hiện nay còn nhiều bất cập như bài viết trên đây đã phản ảnh, do đó ảnh hưởng khá lớn đến hiệu quả công việc, làm mất lòng tin của người dân ở cơ sở.

Khắc phục tình trạng này, cần xác định đúng tầm quan trọng của đội ngũ cán bộ ở cơ sở để có chính sách đào tạo và đãi ngộ đúng, nhằm thu hút những người vừa có năng lực, vừa có đạo đức tốt và có tác phong hòa nhã, biết lắng nghe ý kiến người dân. Có như vậy mới giải quyết công việc sát tình hình thực tế ở cơ sở, đáp ứng đúng nguyện vọng của người dân.