Ý kiến luật sư về việc bạn đọc bị "quấy rối " vì dùng sim số đẹp

(Dân trí) - Khi cá nhân bị đăng tin sai sự thật, bị bôi nhọ danh dự, nhân phẩm, thì có quyền khởi kiện các trang web đăng tin sai sự thật đó ra tòa án. Đồng thời gửi đơn đến cơ quan Công an đề nghị xác minh, làm rõ các đối tượng có hành vi trên.

Ý kiến luật sư về việc bạn đọc bị "quấy rối " vì dùng sim số đẹp - 1
Đơn của chị Vũ Thị Vân Anh gửi đến báo Dân trí
nhờ được can thiệp, giúp đỡ. (Ảnh: Vũ Văn Tiến)

Hiện nay rất nhiều người bị "quấy rối" vì dùng sim số đẹp. Có thể nói đây là hiện tượng đang diễn ra khá phổ biến khiến nhiều người cảm thấy bực mình và phiền nhiễu mà không biết lý do.

Trên thực tế có thể có rất nhiều nguyên nhân, như đối với trường hợp của chị Vũ Thị Vân Anh (Mông Dương, Cẩm Phả, Quảng Ninh) là một ví dụ. Trong trường hợp này có rất nhiều vấn đề đặt ra.

Trước sự việc trên, PV Dân trí đã ghi nhận ý kiến của luật sư Trương Anh Tú, Trưởng Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) dưới góc nhìn pháp lý về vụ việc trên.

Thứ nhất là việc người đã đăng tải thông tin của chị Vân Anh lên website vatgia.com. Theo như Dân trí đã phản ánh trong các bài viết trước đó thì chị Vân Anh không hề đăng tải bất cứ thông tin nào. Như vậy, đã có người khác tự động sử dụng thông tin cá nhân của chị để đăng tải những nội dung sai sự thật. Rõ ràng đây là hành vi xâm phạm đời sống riêng tư, làm ảnh hưởng đến danh dự nhân phẩm của người khác. Vì vậy, cần có biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với cá nhân này.

Tuy nhiên, do thời đại công nghệ thông tin phát triển, nên không tránh được việc đăng tin tràn lan của những trang thông tin quảng cáo, rao vặt… Song điều khó hơn cả là xác định chính xác danh tính của người đã đăng tin, nhất là những cá nhân có ý đồ xấu như vụ việc nói trên để xử lý.

Hiện nay, pháp luật đã có những quy định bảo vệ quyền nhân thân cho mọi người (Điều 37 BLDS 2005 quy định về quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín: Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ), song lại chưa có quy định cụ thể về cách thức xử lý đối với cá nhân vi phạm. Tuy nhiên, trên thực tế vấn đề này thường được xử lý linh động tùy vào mức độ vi phạm.

Thứ hai, về trách nhiệm kiểm soát thông tin và nội dung tin của các nhà mạng. Đối với trường hợp của chị Vân Anh sẽ có người lên tiếng trách móc đối với website vatgia.com. Tuy nhiên như chúng ta đã biết website này chủ yếu là chứa đựng các thông tin, quảng cáo, rao vặt nên các cá nhân tạo tài khoản và đăng tin rất nhiều. Việc cá nhân sử dụng thông tin của người khác để đăng tin nhà mạng không thể biết, đó là kẽ hở lớn để nhiều người lợi dụng đăng thông tin sai sự thật. Chính vì vậy cần phải đặt ra vấn đề kiểm soát thông tin của các nhà mạng ở đây.

Thông thường việc kiểm soát thông tin của các nhà quản lý chỉ đặt ra đối với những thông tin mang tính chất đồi trụy hay phản động... chứ chưa hề quan tâm đến việc cá nhân có sử dụng thông tin của người khác để đăng tin sai sự thật. Đó là lý do mà nhiều trường hợp đã giả danh người khác để làm những việc sai trái mưu cầu lợi ích cá nhân hoặc để thỏa mãn thú vui quái lạ.

Để tránh những trường hợp như chị Vân Anh, các nhà quản lý mạng nhất là những trang thông tin rao vặt cần có biện pháp để ngăn chặn, đồng thời phải nhạy bén trong việc xử lý tình huống khi có thông tin hay phản hồi của chính người bị xâm phạm, nhằm đảm bảo tính lành mạnh trong các trang thông tin.

Thứ ba, người bị xâm phạm sẽ bảo vệ quyền lợi của mình trong trường hợp này như thế nào? Thông thường người bị xâm phạm có quyền yêu cầu ban quản trị mạng đó dừng việc đăng thông tin đó trên mạng. Trong trường hợp cần thiết mà thấy ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống có thể khởi kiện người đã đăng tin sai sự thật, website đã đăng tin sai sự thật đến Tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền. Việc xác định người đăng tin cần có sự phối hợp của ban quản trị của chính website đó và cơ quan Công an, để xử lý các đối tượng đăng tin thất thiệt, bôi nhọ danh sự nhân phẩm của người khác theo quy định của pháp luật.

Như vậy, với tốc độ phát triển của công nghệ thông tin như hiện nay, mỗi cá nhân, nhà quản lý mạng và cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải có trách nhiệm trong vấn đề này và cần phối hợp với nhau để giải quyết xử lý vụ việc góp phần xây dựng văn hóa thông tin trong sạch, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Vũ Văn Tiến (ghi)