Hà Nội:

Ý kiến luật sư trước việc quận Hoàng Mai thu hồi sổ đỏ của 10 hộ dân

(Dân trí)- Đứng trước nguy cơ bị UBND quận Hoàng Mai thu hồi sổ đỏ, 10 hộ dân trú tại phường Đại Kim không hỏi hoang mang, lo lắng; các ngân hàng đã nhận thế chấp một số sổ đỏ trên sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng mà hoàn toàn không do lỗi của họ.

Ý kiến luật sư trước việc quận Hoàng Mai thu hồi sổ đỏ của 10 hộ dân - 1
Sổ đỏ của hộ dân này đứng trước nguy cơ bị UBND quận Hoàng Mai thu hồi.
 
Ngày 02/3/2011, UBND quận đã có Kết luận Thanh tra số 04/KL-UBND về công tác quản lý, sử dụng đất đai, cấp GCNQSDĐ ở và trật tự xây dựng tại phường Đại Kim: khẳng định việc cấp GCNQSDĐ cho 10 hộ gia đình cá nhân tại tổ 34 phường Đại Kim là trái pháp luật, giao phòng Tài nguyên và môi trường tham mưu UBND quận ra Quyết định thu hồi 10 GCNQSDĐ nêu trên. Do vậy việc cấp Giấy phép xây dựng cho 10 hộ gia đình, cá nhân tại phường Đại Kim không có cơ sở thực hiện.

Trước sự việc trên, các hộ dân đã làm đơn khiếu nại Kết luận Thanh tra số 04/KL-UBND của UBND quận Hoàng Mai. Bởi sự việc đã diễn ra từ nhiều năm nhưng UBND quận Hoàng Mai không giải quyết triệt để, không thông báo chính thức cho người dân sử dụng đất được biết.

Do đó, có hộ dân đã mua đi bán lại quyền sử dụng đất nhiều lần, hoặc đã thế chấp GCNQSDĐ tại các ngân hàng để vay tiền kinh doanh. Vậy, nếu UBND quận Hoàng Mai tiến hành thu hồi lại 10 GCNQSDĐ đã cấp, thì hậu quả pháp lý và kinh tế mà các hộ gia đình và các ngân hàng đang nhận thế chấp phải gánh chịu sẽ như thế nào? Ai sẽ chịu trách nhiệm? Quyền lợi của các hộ dân đã nhận chuyển nhượng trên cơ sở GCNQSDĐ đã cấp sẽ được giải quyết như thế nào?
 
Ý kiến luật sư trước việc quận Hoàng Mai thu hồi sổ đỏ của 10 hộ dân - 2
Luật sư Nguyễn Hồng Bách

Để giải đáp một phần nội dung các câu hỏi trên, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Hồng Bách, Chủ tịch HĐTV công ty luật hợp danh Hồng Bách và Cộng sự (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) dưới góc nhìn pháp lý về vấn đề này.

Luật sư Nguyễn Hồng Bách cho hay: UBND quận Hoàng Mai đã có Kết luận thanh tra số 04/KL – UBND ngày 02/03/2011 về việc thanh  tra công tác quản lý, sử dụng đất đai, cấp GCNQSDĐ ở và trật tự xây dựng tại phường Đại Kim (Kết luận thanh tra số 04/KL – UBND) và khẳng định, việc UBND quận Hoàng Mai cấp GCNQSDĐ cho 10 hộ dân tại tổ 34, phường Đại Kim, trong đó có GCNQSDĐ đã cấp cho ông Nguyễn Thế Hưng là trái pháp luật và đề nghị phải thu hồi, với các lý do sau:

Quyền sử dụng đất của các hộ dân có nguồn gốc là đất nông nghiệp, thời điểm làm thủ tục cấp GCNQSDĐ thì hiện trạng vẫn chưa xây dựng nhà là không đủ điều kiện để được cấp GCNQSDĐ theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 6 của Quyết định số 23/2005/QĐ – UB ngày 18/2/2005 của UBND thành phố Hà Nội.

Ông Cung Văn Kim, nguyên Chủ tịch UBND phường Đại Kim đã ký tờ trình và hồ sơ cấp GCNQSDĐ khi đã thôi giữ chức Chủ tịch UBND phường Đại Kim.

Tuy nhiên, chúng tôi thấy các căn cứ trên của UBND quận Hoàng Mai đưa ra là thiếu cơ sở, bởi lẽ:

Thứ nhất:  Khi ông Hưng mua thửa đất vào năm 2001, trên thửa đất đã có nhà xây tường gạch, lợp mái tôn. Vì nhà dột nát nên vào năm 2007 và 2008 gia đình ông Hưng có sửa chữa lại phần mái. Từ khi mua nhà đất đến nay, gia đình ông Hưng đã sinh sống ổn định và liên tục tại đó.

Tại Biên bản họp với 10 hộ dân ngày 25/9/2008 về việc trao đổi việc sử dụng đất tại khu Đìa Giữa – Kim Giang có kết luận: “Đối với các hộ ông Hưng, bà Thơm, bà Vân là cải tạo mới ..

Mặt khác, việc chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở đối với thửa đất là phù hợp với quy hoạch chi tiết quận Hoàng Mai tỷ lệ 1/2000, được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 225/QĐ – UB ngày 16/12/2005.

Do đó, thửa đất không thuộc trường hợp không được cấp GCNQSDĐ quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 6 của Quyết định số 23/2005/QĐ – UB ngày 18/2/2005 của UBND thành phố Hà Nội, có đủ điều kiện được cấp GCNQSDĐ theo quy định của pháp luật.

Thứ hai: Việc cấp GCNQSDĐ đã được tiến hành từ năm 2006 và 2007, nhưng đến nay, UBND quận Hoàng Mai vẫn không giải quyết dứt điểm vụ việc. Ngay cả khi người dân đã làm thủ tục xin cấp phép xây dựng từ tháng 8/2009, UBND quận Hoàng Mai vẫn im lặng, không giải thích cho người dân được rõ lý do không cấp giấy phép xây dựng cho họ, vi phạm quy định tại Điều 15 và Điều 17 của Quy định cấp phép xây dựng các công trình trên địa bàn TP. Hà Nội ban hành kèm theo Quyết định số 79/2007/QĐ - UBND ngày 11/7/2007 của UBND TP. Hà Nội. Do đó, đã dẫn đến một thực trạng rất phức tạp, đó là một số hộ dân sau khi được cấp GCNQSDĐ đã chuyển nhượng lại hoặc thế chấp quyền sử dụng đất tại ngân hàng.

Trong trường hợp các GCNQSDĐ bị thu hồi, thì quyền lợi của các hộ dân đã nhận chuyển nhượng lại và ngân hàng đã nhận thế chấp sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng mà hoàn toàn không do lỗi của họ. Ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm? Quyền lợi của họ sẽ được giải quyết như thế nào?

Mặt khác, việc UBND quận Hoàng Mai kéo dài quá trình giải quyết vụ việc, thu hồi GCNQSDĐ sẽ khiến hộ ông Hưng và các hộ dân khác không thể tiến hành xây dựng nhà ở. Trong khi đó, nhà ở của hộ ông Hưng và một số hộ khác, qua nhiều năm sử dụng đã xuống cấp, gây khó khăn rất lớn cho sinh hoạt hàng ngày, cũng như hoạt động kinh doanh của họ.

Việc UBND quận Hoàng Mai thu hồi 10 GCNQSDĐ trên thì không chỉ trái pháp luật mà còn gây ra những hậu quả to lớn về nhiều mặt, xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của các cá nhân, tổ chức có liên quan.

Để tránh bị thiệt hại về kinh tế, cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, các hộ dân trên có thể khởi kiện UBND quận Hoàng Mai ra tòa án, để cơ quan này đưa ra phán xét công minh nhất. Phán xét của tòa án là cơ sở đúng đắn nhất để giải quyết vụ việc trên.

Vũ Văn Tiến (ghi)