Xốn xang tết ông Công, ông Táo

(Dân trí) - Rằm tháng Chạp vừa qua đi, cảm giác nước rút cuối năm ập tới khi Tết ông Công, ông Táo đã cận kề. Bất chấp giá rét, dịp này khắp các phố phường, các khu chợ bừng lên những sắc màu đặc trưng của hàng mã: đỏ, xanh, vàng, tím… vô cùng rực rỡ.

Xốn xang tết ông Công, ông Táo - 1
Mâm cơm cúng ngày Tết (ảnh minh họa từ www.thanglonghanoi.net).
 
Thời còn khó khăn ngày trước, những cô con dâu “ta” cũ kỹ như mẹ tôi dù túng bấn bao nhiêu cũng cố sẻn so lo cho được lễ cúng ông Công, ông Táo vốn coi như mốc khởi động tết rất quan trọng này. Bởi dù ít, dù nhiều, đây vẫn là dịp báo công lên thiên đình mọi nỗ lực  của cả gia đình trong suốt một năm.

 

Mũ áo, hia giày, đồ cúng ông Công, ông Táo hồi ấy ở chợ Bưởi gần nhà tôi giá rẻ hơn nhiều so với mua trên phố Hàng Mã. Mẹ mua thêm tệp tiền vàng và quan trọng nhất là phải có ba chú cá chép sống thật tươi, mình có màu vàng óng càng tốt. Hăm ba tháng Chạp cái gì hình như cũng phải thật vội vàng mới càng thêm ý nghĩa. Nào là làm cỗ sớm, cúng sớm, hóa vàng sớm để sớm đem cá thả xuống Hồ Tây với hy vọng những thành tích nhà mình được báo cáo sớm nên cũng sẽ được xem xét, ghi nhận sớm (!)

 

Ui chao là tất bật lo toan! Nhất là cánh phụ nữ, nhà nào cũng mẹ mẹ, con con, bà bà, cháu cháu ai cũng tay xách nách mang nào là vàng hương, đồ mã cồng kềnh, nào là thực phẩm, trái cây trĩu nặng. Với các gia đình hàng xóm láng giềng thì đây cũng là dịp hầu như suốt ngày cánh chị em đụng nhau ngoài chợ, tha hồ trao đổi “thông tin thời sự” nhất là về giá cả các mặt hàng… Đúng là không khí chuẩn bị Tết bao giờ cũng làm cho con người ta thật xốn xang, vất vả lắm nhưng thiếu nó thì còn gì là Tết?

 

Mức sống dân ta giờ đã cao hơn, nhiều người dân  đã bớt lo chuyện “ăn tết” mà tập trung hơn vào “chơi tết”, đặc biệt là lớp trẻ. Nhưng nghề chơi cũng lắm công phu, xem ra dân ta càng chú trọng hơn tới các nghi thức tâm linh, cúng lễ. Bằng chứng là các chủng loại hàng mã ngày càng phong phú, giá cả cũng tỉ lệ thuận gia tăng theo. Nhiều gia chủ sẵn sàng vung tiền sắm các loại hàng hiện đại, “hàng hiệu” hóa cho người cõi âm, sẵn sàng đi cúng bái khắp nơi...

 

Tất nhiên cũng còn nhiều người nghèo lo cho cái Tết chính còn méo mặt, nói gì đến cúng ông Công, ông Táo. Nhất là những gia đình nông dân ở những vùng quê nghèo, vùng sâu vùng xa, những hộ nông dân vừa mất cả “đầu cơ nghiệp” khi trâu bò chết vì giá rét.  Rất nhiều bạn đọc đã gửi bình luận chia sẻ và có cùng mong muốn như bạn Hương Trầm - email: ngohuongtram@gmail.com đã bày tỏ:

 

Thương cho tất cả mọi người...cứ phải lao ra đường kiếm sống trong những ngày giá rét này. Thương những người dân miền núi không có áo để mặc.......Mong nắng ấm về nhanh nhanh... Mong một cái tết miền bắc ấm áp!...”

 

Tôi thì vẫn với  mong muốn cố gắng gìn giữ nếp xưa, sẽ chỉ sắm sanh vừa phải, biện  mâm cỗ cúng giản đơn mà ấm cúng. Để khi thắp lên nén hương có thể cảm nhận được trong hương trầm man mác như vẫn vấn vương đâu đây hình ảnh thân thương của ông bà, cha mẹ suốt đời tần tảo, vất vả một nắng hai sương chỉ những lo toan vun đắp cho đời con, đời cháu tốt đẹp hơn, ấm no, hạnh phúc hơn…

   

Kiều Anh