Vứt rác bừa bãi, đề xuất phạt lao động công ích: Cần làm ngay và luôn

PV

(Dân trí) - Đề xuất xử phạt của Sở GTVT TPHCM được nhiều người tán thành, ủng hộ áp dụng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm để sáng kiến trên thực sự đi vào thực tế và có thể sử dụng rộng rãi.

Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM vừa có công văn gửi Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM về kết quả thực hiện cuộc vận động người dân không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch, xanh, thân thiện môi trường. Trong đó, một trong những vấn đề nổi cộm là việc người dân thiếu ý thức, xả rác xuống lòng đường, nhiều tuyến đường chỉ sau thời gian ngắn quét dọn sạch lại tiếp tục bị xả rác.

Để giải quyết thực trạng trên, Sở GTVT TPHCM kiến nghị thành lập lực lượng chuyên trách kiểm tra, theo dõi, thực hiện các biện pháp xử phạt hành chính với người vứt rác bừa bãi. Về chế tài, có thể nghiên cứu thêm việc phạt tiền, phạt lao động công ích dọn vệ sinh hay kiểm điểm ở dân cư.

Vứt rác bừa bãi, đề xuất phạt lao động công ích: Cần làm ngay và luôn - 1

Tình trạng rác thải tràn xuống mặt đường trên đường Nguyễn Hữu Cảnh hồi giữa tháng 10 vừa qua (Ảnh: Quang Huy).

Hô hào bảo vệ môi trường ở chỗ này, ra chỗ khác lại vứt rác vô tội vạ

Trong số này, đề xuất phạt lao động công ích người vứt rác được nhiều người đồng tình, ủng hộ. Bình luận về sáng kiến trên, chủ tài khoản Michel viết: "Quá đúng, không chỉ TPHCM mà cả Hà Nội và các thành phố khác, đặc biệt các thành phố du lịch nên áp dụng. Những điểm du lịch nổi tiếng ngập tràn rác, mùi khai do ban đêm những người vô ý thức phóng uế ra, rất xấu hổ và mất mặt với khách du lịch, đặc biệt du khách tới từ các quốc gia phát triển.

Còn trên đường, ta có thể thấy rất nhiều bạn trẻ có học thức, ăn mặc lịch sự, nhưng sẵn sàng vứt vỏ bánh, bã kẹo cao su, thuốc lá... một cách vô tư ra đường. Tôi thấy rất nhiều bạn thích tham gia các phong trào, mít tinh, chạy bộ, giờ trái đất... kêu gọi bảo vệ môi trường, nhưng xong việc hô hào đó, ra chỗ khác các bạn lại vứt rác vô tội vạ".

Trong cuộc thăm dò trên Dân trí với câu hỏi gợi ý: Tình trạng người dân thiếu ý thức xả rác ngoài đường chưa cải thiện, nhiều giải pháp đưa ra trong đó có việc phạt tiền, phạt lao động công ích dọn vệ sinh. Ý kiến của bạnđồng tình - không đồng tình - ý kiến khác:

Sau 01 tuần lễ tạo thăm dò, tính đến 7h ngày 27/7 đã có kết quả: 94% bạn đọc chọn đáp án "Đồng tình". Còn lại chỉ 04% lượt bạn đọc chọn đáp án "Không đồng ý" và 3 % lượt bạn đọc chọn đáp án "Ý kiến khác".

Cũng bày tỏ sự đồng tình và mong muốn sự khẩn trương, đốc thúc từ các cơ quan có thẩm quyền, anh Vo Quang Trung bình luận: "Làm ngay và luôn, bàn gì nữa?".

"Không hiếm gặp rất nhiều túi rác được ném ra từ những chiếc xe sang trên đường. Thật đáng buồn cho ý thức, nếu không có chế tài thì còn lâu ý thức mới nâng lên", độc giả Hải Nam bình luận.

"Rác và còi xe ở nước ta là vấn nạn quá tồi tệ. Mong sao các cơ quan vào cuộc và có chế tài cụ thể để nước ta đẹp hơn, sánh vai với các cường quốc", độc giả Nam Hoàng Linh nêu nguyện vọng.

Theo dõi đề xuất từ Sở GTVT TPHCM, anh Hai Duc phân tích thực trạng trên không chỉ tồn tại ở TPHCM mà là vấn đề cố hữu, lâu đời tại cả Hà Nội cùng rất nhiều thành phố lớn khác. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên, song có 2 vấn đề chính cần lưu tâm, đó là mức độ sát sao, nghiêm khắc trong quản lý của các cơ quan Nhà nước và ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân.

"Thứ nhất, cơ quan quản lý Nhà nước bỏ mặc, không chú trọng quản lý, xây dựng các phương án thu gom, quản lý rác thải dẫn tới việc vứt và thu gom rác bừa bãi, không ai quản lý, xử phạt. Thứ hai, ý thức của người dân chưa tốt, cần tuyên truyền, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi này. Nếu không nhìn nhận vấn đề này là nghiêm trọng thì hình ảnh và uy tín của Việt Nam trên thế giới khó mà cải thiện, khi mà môi trường đã nằm trong các tiêu chí đánh giá đầu tư, du lịch toàn cầu", độc giả này nhìn nhận.

Ủng hộ ý kiến này, chủ tài khoản Trai Nguyen chia sẻ: "Nhà nước đã quy định chế tài xử phạt về rác thải, gây ô nhiễm môi trường, song mới chỉ trên giấy, chưa đưa vào cuộc sống. Cần trích dẫn mức phạt để dán ở nơi công cộng, cảnh báo người dân. Cần có cảnh sát môi trường giám sát, xử phạt kịp thời và nâng mức xử phạt cao hơn mới có tác dụng răn đe thực sự".

Đề xuất nhưng ai theo dõi, xử phạt và giám sát thi hành hình phạt?

Đề xuất của Sở GTVT TPHCM nhận được sự tán thành, ủng hộ lớn của người dân. Tuy nhiên, nhiều người cũng bày tỏ sự quan ngại về tính khả thi, khả dụng của đề xuất này nếu được đưa vào áp dụng trên thực tế.

Vứt rác bừa bãi, đề xuất phạt lao động công ích: Cần làm ngay và luôn - 2

Dọc tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh, TP HCM những tấm biểu ngữ "Vì mỹ quan thành phố, xin đừng viết vẽ lên tường" đã được dán lên. Thế nhưng, nét vẽ bậy vẫn tồn tại ở ngay dưới những vị trí này (Ảnh: Quang Huy).

Những quan ngại đó bắt nguồn từ việc nhân lực của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền còn mỏng và tỷ lệ nghịch với khối lượng công việc tại cơ quan, đặc biệt ở các thành phố lớn. Bởi vậy, có hai vấn đề chính cần được giải đáp nếu áp dụng sáng kiến trên. Thứ nhất, đó là ai sẽ theo dõi, thu thập dữ liệu để xử phạt người vi phạm và thứ hai, ai là người chịu trách nhiệm giám sát, quản lý việc thi hành hình phạt của những người này?

"Camera phủ sóng khắp nơi, để bắt tận tay những người xả rác không khó, không khó ở chỗ chẳng ai có trách nhiệm phải giám sát và chẳng cán bộ nào muốn phạt cả. Ngược lại, người dân muốn phạt những người cố tình xả rác lại không đủ thẩm quyền, không được bảo vệ khi xảy ra va chạm. Tóm lại, các cấp quản lý chưa cần thấy phải giữ cho bộ mặt thành phố sạch đẹp, văn minh", độc giả Dung Nhu thẳng thắn nêu quan điểm.

Chung góc nhìn, anh Dũng Vũ Mạnh viết: "Phạt tiền, lao động công ích, nhắc tên trên loa truyền thanh địa phương… ở một số nơi đã làm cả rồi, nhưng được một thời gian thì lại "nguyễn y vân" (vẫn y nguyên - PV). Ai là người giám sát, theo dõi việc xả rác; ai ra quyết định xử phạt? Chỉ khi nào dân trí của mọi người thật cao thì xả rác nơi công cộng mới đạt được như các nước tiên tiến, văn minh. Khi đó, việc phạt tiền, phạt lao động công ích mới có thể thực hiện".

Tương tự, người dùng Bon Như viết: "Xả rác không đúng chỗ, hút thuốc nơi công cộng, dùng điện thoại ở cây xăng… đều có quy định và chế tài xử phạt, trách nhiệm thực thi của từng cấp quản lý nhưng thực tế không ai làm. Nếu có làm thì chỉ mang tính phong trào, chiến dịch nên nảy sinh tâm lý coi thường pháp luật".

"Phạt tiền còn không xong, đòi lao động công ích? Vậy ai là người quản lý lao động? Người địa bàn khác đến có giữ họ lại được không? Địa phương có việc cho họ làm không?", độc giả Thuyet Huu bình luận.

"Không ai xung phong làm việc giám sát đâu, phải ép thôi. Giả sử bắt buộc mỗi cán bộ quản lý một ngày phải lập ít nhất 10 biên bản về việc xả rác bừa bãi thì mới đạt chỉ tiêu, mọi việc sẽ khác ngay", chủ tài khoản BENZ bình luận.

"Tôi có nhớ trong tập Chuyện cũ Hà Nội của Tô Hoài có nói về việc không ai dám đái bậy, đến nỗi trẻ con hoặc phu xe cứ phải vừa đi vừa đái ra quần. Quần áo cũng không dám phơi linh tinh vì nếu bị cảnh sát bắt sẽ phạt rất nặng. Không biết câu chuyện chính xác mức nào, nhưng cốt lõi của vấn đề là phải phạt được. Còn không một rừng luật cũng chỉ để cho có và càng không thể trông chờ vào ý thức", người dùng Mnio chia sẻ.

Hoàng Diệu