Vụ tranh chấp tài sản số 5 Tuệ Tĩnh (Hà Nội): Cần quyết định giám đốc thẩm

(Dân trí) - Không chỉ thiếu khách quan, việc giải quyết vụ án của hai cấp tòa có dấu hiệu áp dụng sai luật khiến tài sản đã “đổi chủ” nhiều lần nhưng người sử dụng đất sau cùng lại mất quyền, cho dù đã nhận chuyển quyền một cách ngay tình.

Vụ tranh chấp tài sản số 5 Tuệ Tĩnh (Hà Nội): Cần quyết định giám đốc thẩm
Nhà số 5 Tuệ Tĩnh bị đòi sau gần 60 năm im lặng
“Bỏ nhà“ 60 năm vẫn thắng kiện

Theo hồ sơ, từ năm 1951 đến 1954, hai cụ Nguyễn Văn Lộc và Lê Thị Tần cho ông Đỗ Đức Công thuê 30m2 đất trống tại số 5 Tuệ Tĩnh, phường Bùi Thị Xuân, Hà Nội. Năm 1970, nhà, đất diện tích 26,4m2 tại số 5 Tuệ Tĩnh thuộc sở hữu của Hợp tác xã (HTX) cơ khí Giải Phóng.

Sau đó, HTX cơ khí Giải Phóng chuyển nhượng nhà, đất này cho HTX Hoàng Diệu. Năm 1982, Ủy ban xây dựng cơ bản Hà Nội cho HTX Hoàng Diệu xây lại thành nhà 3 tầng. Tháng 12/2009, các con của cụ ông Lân khởi kiện đòi căn nhà đất đang do gia đình ông Vũ Văn Định, bà Trần Thị Vân đang quản lí, sử dụng.

Về phía bị đơn, ông Định cho rằng, năm 1997, ông Định, bà Vân cùng ông Trần Quốc Khánh, bà Vũ Thị Ngọc, ông Trần Mạnh Cường được  HTX Hoàng Diệu giao quản lí, nhà, đất số 5 Tuệ Tĩnh. Những người này góp vốn là 101 lạng vàng  để HTX Hoàng Diệu làm vốn sản xuất kinh doanh.

Đến ngày 16/07/2006, những người trên được HTX Hoàng Diệu cho tách khỏi HTX và phân chia phần vốn góp. Theo đó, ông Định, bà Vân được toàn quyền sử dụng 26,4m2 đất và sở hữu nhà trên đất số 5 Tuệ Tĩnh. Do đó, ông Định, bà Vân không đồng ý trả nhà đất cho nguyên đơn.

Bản án số 05/2011/DS-ST ngày 15/06/2011 của TAND quận Hai Bà Trưng và Bản án số 02/2012/DS-PT ngày 11/01/2012 của TAND TP Hà Nội buộc gia đình ông Định trả lại cho các đồng nguyên đơn nhà đất tại số 5 Tuệ Tĩnh. 

Có dấu hiệu vi phạm “sáu trong một”

Tuy nhiên, việc xét xử và quyết định tại các bản án này thể hiện không khách quan.

Thứ nhất: Theo lời khai của nguyên đơn, năm 1953 cụ Tần cho ông Công thuê đất thời hạn là 1 năm. Lẽ ra, bị đơn là ông Công (hoặc những người thừa kế của ông Công). Còn HTX Cơ khí Giải Phóng và HTX Hoàng Diệu đã quản lí, sử dụng căn nhà số 5 Tuệ Tĩnh và xây dựng để có căn nhà như hiện nay, thì chỉ là những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Riêng ông Định được HTX và các xã viên thống nhất cho quản lí, sử dụng nhà đất số 5 phố Tuệ Tĩnh liên tục đến nay. Do đó, việc tòa chấp thuận cho nguyên đơn khởi kiện ông Định, bà Vân là “nhầm” bị đơn.

Thứ hai: Khoản 3, Điều 424, Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2005 quy định “Hợp đồng dân sự chấm dứt khi cá nhân giao kết hợp đồng chết”, và “thời hiệu khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp là 2 năm kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm”. Như vậy, việc nguyên đơn yêu cầu giải quyết quan hệ pháp luật của Hợp đồng cho thuê nhà đã kết thúc năm 1954, là đã hết thời hiệu khởi kiện. Hơn nữa, khởi kiện tháng 12/2009 (ông Lộc đã chết đã 57 năm, bà Tần chết đã 27 năm), thời hiệu yêu cầu giải quyết về thừa kế đã hết. Nhưng, Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm “quên” tình tiết đã hết thời hiệu này.

Thứ ba: Nguyên đơn đòi lại căn nhà cấp 4 lợp mái tôn với kết cấu 1 tầng tại số 5 Tuệ Tĩnh cho ông Công thuê. Nhưng, năm 1953 ông Công chỉ thuê đất; trong 2 Hợp đồng thuê đất lập bởi bố mẹ của các nguyên đơn, có ghi là cho thuê đất. Căn nhà cấp 3 kết cấu 3 tầng tại số 5 Tuệ Tĩnh là do HTX Hoàng Diệu xây dựng theo Giấy phép xây dựng của UBND TP Hà Nội năm 1982. Đến nay, nhà này được gia đình ông Định sửa chữa nhiều lần thành nhà 4 tầng. Như vậy, tòa án cấp Phúc thẩm đã nại ra một ngôi nhà gạch và một quan hệ thuê nhà không phù hợp với tình tiết khách quan của vụ kiện.

Thứ tư: Trong hồ sơ vụ án không có tài liệu nào thể hiện việc các bên đương sự có đơn yêu cầu tòa án tiến hành định giá tài sản. Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng tự đứng ra tiến hành định giá tài sản, là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng quy định tại Khoản 1 Điều 92 Bộ luật tố tụng dân sự 2004.

Thứ năm: Bằng khoán điền thổ (bằng tiếng pháp) số 708 đề ngày 22-05-1935 mang tên cụ Lộc và cụ Nhất là bản photocopy, không có công chứng, chứng thực. Hợp đồng thuê nhà ngày 01/04/1951 và Hợp đồng thuê nhà ngày 01/04/1953 chỉ là bản photocopy, không có chứng thực bản sao của cơ quan có thẩm quyền. Do đó, việc TAND coi Bằng khoán điền thổ và hợp đồng cho thuê nhà là chứng cứ giải quyết vụ kiện, là trái quy định tại Khoản 1 điều 83 Bộ Luật tố tụng Dân sự 2004: “với các tài liệu đọc được nội dung được coi là chứng cứ nếu là bản chính hoặc là bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp”. 

Thứ sáu:  HTX Hoàng Diệu mua lại của HTX Giải Phóng. Do đó, ông Định là người chiếm hữu ngay tình căn nhà số 5 Tuệ Tĩnh từ năm 1997. Nay 2 cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm đã bỏ qua quy định tại Khoản 1 Điều 247 BLDS năm 2005: “Người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn mười năm đối với động sản, ba mươi năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu.”

Ngày 1/4/2012, trao đổi với PV Dân trí, ông Vũ Văn Định kêu oan: “Chúng tôi nhận 2 bản  án  mà  ngậm đắng nuốt cay và tự hỏi những người có thẩm quyền đó làm sao có thể nhẫn  tâm  đẩy chúng tôi lâm vào cảnh màn trời chiếu đất?. Chúng tôi đã mua ngôi nhà số 5 Tuệ Tĩnh hợp pháp với giá 101 cây vàng 99% vào năm 1997, nay lại phải đón nhận một kết cục bi đát này thì thật phi lý”

Với kết quả xét xử còn nhiều “sạn” trên thì vụ án này cần một quyết định kháng nghị giám đốc thẩm để tránh làm thiệt hại quyền lợi hợp pháp của những người dân.
 

Luật sư Trương Anh Tú, Trưởng Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư TP Hà Nội), cho biết: “Trong vụ việc này, Tòa sơ thẩm đã quên một nguyên tắc sơ đẳng mà Luật đã quy định với các trường hợp tranh chấp về đất đai. Cụ thể, khoản 2 Điều 10 Luật Đất đai năm 2003 đã quy định rõ “Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được giao theo quy định của Nhà nước cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Chiểu theo quy định này, đơn khởi kiện của 9 nguyên đơn lẽ ra không được thụ lý.

Theo Luật sư Trương Anh Tú, không thể có chuyện cứ cho rằng “ngày xưa cụ kị tôi ở đây” rồi đòi lại được nhà”. Luật sư Tú tiếp tục viện dẫn một điều khoản khác để chứng minh các bên nguyên đơn đã mất quyền đòi lại căn nhà. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 247 Bộ luật Dân sự “Người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn mười năm đối với động sản, ba mươi năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu”.  

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.

Vũ Văn Tiến