Vụ Phan Công Khanh lừa đảo: Tiệm cầm đồ có phải chịu trách nhiệm liên đới?

Hải Hà

(Dân trí) - Theo các luật sư, tiệm cầm đồ trong vụ việc này đã có hành vi vi phạm cụ thể là nhận cầm cố tài sản thuộc sở hữu của người khác nhưng không có giấy ủy quyền hợp lệ của người đó.

Như đã đưa tin, sau hơn 10 ngày bị bắt khẩn cấp, Phan Công Khanh (tức Khanh Super, SN 1994, ngụ quận 7) bị Công an TPHCM khởi tố, bắt tạm giam 4 tháng về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cùng bị khởi tố, bắt tạm giam với Khanh là Mohamach Da Pha (27 tuổi, quê An Giang, nhân viên trong showroom K-Super). Anh này bị điều tra về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Trước đó, Phan Công Khanh nhận bán giúp xe cho chị L.N.T.H. (32 tuổi, ngụ TPHCM) chủ ô tô hiệu MCLAREN, 51F-821.7… nhưng lại đem đi cầm cố lấy 2 tỷ đồng. Ngoài ra, anh ta còn mượn siêu xe của đại gia ở Kiên Giang rồi đem bán lấy gần 25 tỷ đồng.

Vụ Phan Công Khanh lừa đảo: Tiệm cầm đồ có phải chịu trách nhiệm liên đới? - 1

Phan Công Khanh tại cơ quan điều tra (Ảnh: Công an cung cấp).

Trước thông tin vụ việc, độc giả Dân trí thắc mắc, xe không phải của Khanh đứng tên làm sao đem cầm cố được? Những cơ sở kinh doanh cầm đồ có liên đới gì khi cầm cố những tài sản không chính chủ nhằm thu lợi trên các hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân như vụ này không?

"Tội của Khanh đã được làm sáng tỏ dần, thiết nghĩ cơ quan công an cũng cần xem xét trách nhiệm của các cơ sở kinh doanh cầm đồ bởi qua vụ việc này cho thấy, họ đang vô tình tiếp tay cho hoạt động lừa đảo", ý kiến của độc giả Bình Minh.

Trước băn khoăn của độc giả, luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty luật Pháp trị cho biết, Điều 309 Bộ luật dân sự quy định về Cầm cố tài sản như sau: "Cầm cố tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ".

Theo đó, việc cầm cố tài sản không thuộc sở hữu của mình, việc nhận cầm cố tài sản không thuộc sở hữu của người đi cầm cố là việc làm vi phạm pháp luật. Giao dịch cầm cố tài sản như vậy bị vô hiệu, không phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa các bên. Các bên phải trả lại cho nhau những gì đã nhận, tài sản phải được bàn giao cho chủ sở hữu.

"Trong vụ án này các cơ sở cầm đồ nếu không tiếp nhận ý chí gian dối, thực hiện hành vi hỗ trợ lợi ích vật chất cho Phan Công Khanh thực hiện hành vi lừa đảo thì không có căn cứ khởi tố họ với vai trò đồng phạm.

Tuy nhiên, cơ sở cầm đồ trong trường hợp này có hành vi vi phạm cụ thể là vi phạm điểm l, khoản 3, Điều 12 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định: 3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: l) Nhận cầm cố tài sản thuộc sở hữu của người khác nhưng không có giấy ủy quyền hợp lệ của người đó cho người mang tài sản đi cầm cố", luật sư Lực cho hay.

Vụ Phan Công Khanh lừa đảo: Tiệm cầm đồ có phải chịu trách nhiệm liên đới? - 2

Xe của chị L.N.T.H. bị Khanh và đồng bọn đem cầm cố lấy 2 tỷ đồng (Ảnh: AutoPro).

Chủ nhân chiếc xe sang có quyền đòi lại xe đã bị cầm cố?

Cùng tham gia bình luận về vụ việc, luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, theo quy định tại Điều 195 Bộ luật dân sự 2015, người không phải là chủ sở hữu chỉ có quyền định đoạt tài sản theo ủy quyền của chủ sở hữu hoặc theo quy định của pháp luật. Theo đó, Phan Công Khanh hoặc Mohamach Da Pha phải được ủy quyền hợp pháp của chị H. mới có thể cầm cố tài sản của chị này.

Tuy nhiên, trong trường hợp này mặc dù chị H. - chủ sở hữu chiếc xe không ủy quyền cho Khanh đi cầm cố tài sản nhưng người này vẫn thực hiện và bên nhận cầm đồ vẫn nhận là trái quy định của pháp luật. Trên thực tế, một số tổ chức cầm đồ mặc dù không nhận được giấy ủy quyền hợp pháp của chủ xe nhưng do hám lợi, hoặc chỗ quen biết nể nhau nên dù biết hành vi vi phạm pháp luật nhưng vẫn bất chấp thực hiện.

Theo quy định tại khoản 3 và khoản 7 Điều 12 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, hành vi nhận cầm cố tài sản thuộc sở hữu của người khác nhưng không có giấy ủy quyền hợp lệ của người đó cho người mang tài sản đi cầm cố là hành vi vi phạm các quy định về quản lý ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự.

Theo đó, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Đồng thời, chủ tiệm cầm đồ phải có trách nhiệm nộp lại số lợi bất hợp pháp.

Trường hợp xác định, chủ cơ sở biết được chiếc xe được cầm đồ do người cầm đồ phạm tội mà có nhưng vẫn nhận cầm đồ vì giá rẻ, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Chứa chấp hoặc Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có theo quy định tại Điều 323 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Như đã phân tích ở trên, luật sư Tiền cho rằng việc nhận cầm đồ không thuộc sở hữu và không được sự đồng ý của chủ sở hữu nên giao dịch giữa Mohamach Da Pha và chủ tiệm cầm đồ sẽ được xác định là vô hiệu.

Do đó, căn cứ Điều 131 Bộ luật dân sự 2015 về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu, khi giao dịch dân sự vô hiệu, các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Nếu không hoàn trả được bằng hiện vật sẽ phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường.

Như vậy, trong trường hợp này, chị H. có quyền đòi lại chiếc xe đã bị cầm cố và chủ tiệm cầm đồ phải trả lại xe cho chủ sở hữu, nghĩa vụ trả tiền thuộc về Mohamach Da Pha và Phan Công Khanh.

Vụ Phan Công Khanh lừa đảo: Tiệm cầm đồ có phải chịu trách nhiệm liên đới? - 3

Những chiếc xe liên quan đến các "phi vụ" lừa đảo của Phan Công Khanh (Ảnh: Công an cung cấp).

Chủ cơ sở cầm đồ phải bồi thường thiệt hại cho nạn nhân?

Luật sư Tiền phân tích, mặc dù theo quy định của pháp luật, các cơ sở kinh doanh cầm đồ buộc phải biết khi cầm cố một tài sản nếu không do chính chủ sở hữu giao nhận thì người đem tài sản đi cầm cố phải có giấy ủy quyền từ chủ sở hữu. Tuy nhiên, các cơ sở kinh doanh cầm đồ vẫn cố tình vi phạm pháp luật, khi đó nếu như chủ sở hữu tài sản yêu cầu bồi thường, họ cũng sẽ có trách nhiệm liên đới với người cầm cố tài sản.

Theo quy định tại Điều 587 Bộ luật Dân sự 2015, trường hợp nhiều người cùng gây thiệt hại, những người đó phải liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường của từng người cùng gây thiệt hại được xác định tương ứng với mức độ lỗi của mỗi người; nếu không xác định được mức độ lỗi thì họ phải bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau.

Theo đó, chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại về tài sản cho các nạn nhân theo quy định tại Điều 589 Bộ luật dân sự 2015.