Vụ PGS bị tố bán đề tài: "Bán chất xám thì đã sao?"

PV

(Dân trí) - "Bán chất xám thì đã sao? Miễn là có ích cho xã hội, có người dùng đến nó và dùng đúng mục đích", độc giả Dân trí bình luận.

Theo thông tin Dân trí đăng tải, PGS.TS Đinh Công Hướng - Giảng viên Trường Đại học Công nghiệp TPHCM, thành viên Hội đồng ngành toán Quỹ Nafosted (Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia), đã có đơn xin rút khỏi hội đồng sau khi có phản ánh ông vi phạm liêm chính khoa học.

Theo ông Hướng, sự việc xảy ra thời điểm ông còn là giảng viên cơ hữu thuộc Trường Đại học Quy Nhơn. Khi đó, ngoài công việc chính, ông có ký hợp đồng hợp tác nghiên cứu khoa học với Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Trường Đại học Thủ Dầu Một và có tổng cộng 17 công trình đứng tên 2 trường đại học này.

Vị phó giáo sư thừa nhận trong quá trình làm việc, ông thừa đến hàng nghìn giờ nghiên cứu. Tuy nhiên, việc nghiên cứu của ông không sử dụng cơ sở vật chất, phòng lab (thí nghiệm) của đơn vị mà chỉ sử dụng laptop cá nhân và chất xám của bản thân. Vì vậy, ông đã bán nhiều bài nghiên cứu để cải thiện thu nhập của bản thân.

Vụ PGS bị tố bán đề tài: Bán chất xám thì đã sao? - 1

Ông Hướng chia sẻ, việc bán bài nghiên cứu trước đây để kiếm thêm thu nhập (Ảnh: Hoài Nam).

"Ai làm khoa học mới thấy sự cay đắng của nghề"

Vụ việc thu hút sự quan tâm lớn của độc giả. Nhiều người bày tỏ sự ủng hộ, cho rằng việc ông Hướng bán bài nghiên cứu được tạo ra bởi năng lực, chất xám của bản thân là hoàn toàn chính đáng và cần được ủng hộ.

Bình luận dưới bài viết của Dân trí, độc giả Thái Bình Đặng viết: "Ai từng làm khoa học trong nghề mới thấy sự cay đắng của nó. Lương giảng viên thấp, lấy gì trang trải cuộc sống hàng ngày? Xuân Diệu ngày xưa phải cay đắng thốt lên rằng: Cơm áo không đùa với khách thơ".

Nêu ra thực trạng của công tác nghiên cứu hiện nay, chủ tài khoản LTTH viết: "Một nghiên cứu làm rất khổ, tiền bỏ ra nhiều nhưng không thu được đồng nào, có khi nghiên cứu suốt mà sức khỏe xuống. Ở nước ngoài người ta bán, ở mình nghiên cứu xong nhiều khi cho không ai thèm đọc. Thầy bán được tôi hoàn toàn ủng hộ, nó chứng tỏ nghiên cứu của thầy rất có giá trị. Thầy cứ phát huy và không việc gì áy náy. Công sức bỏ ra thu lại là hoàn toàn hợp lý".

"Thật đáng thương cho một người làm khoa học có năng lực, lại càng tiếc hơn khi đó là người làm Toán học ở Việt Nam", chủ tài khoản mathvn chua chát bình luận.

"Bán chất xám thì đã sao? Miễn là có ích cho xã hội, có người dùng đến nó và dùng đúng mục đích. Đừng bán cho ai dùng nó để lên chức, lên quyền mà không giúp ích được gì cho xã hội", chủ tài khoản dangiau bình luận.

Còn độc giả Lê Hải Đăng đưa ra một so sánh bình dị, gần gũi để nói về sự việc: "Giống như người nông dân trồng lúa, đủ để ăn, thừa thì bán".

"Trí tuệ cá nhân là tài sản cá nhân. Nếu trí tuệ đó đã ký hợp đồng nghiên cứu khoa học cho một tổ chức, cá nhân nào đó mà đi bán thành quả nghiên cứu được cho một đối tác khác là vi phạm hợp đồng. Ngoài thời gian làm việc quy định theo hợp đồng, trí tuệ đó có quyền làm những gì mình thích, miễn sao việc làm đó không vi phạm pháp luật", độc giả Trai Nguyen viết.

"Đọc hết bài báo mới vỡ nhẽ. Thầy bán công trình với các cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học (NCKH) hợp pháp khác có gì sai? Công sức lao động, trí tuệ để có thu nhập là chính đáng, hợp pháp, cần được hoan nghênh.

Xin độc giả hiểu rằng, một PGS tại trường đại học không được quyền nhận đồng thời nhiều đề tài NCKH. Trong hoàn cảnh ấy, một cán bộ giảng dạy và NCKH ở đơn vị này ký hợp đồng với một đơn vị khác mà không ảnh hưởng đến việc thực hiện các nhiệm vụ trong vị trí làm việc của họ thì chẳng pháp luật nào cấm cả. Chúc thầy bình an và tiếp tục thành công", chủ tài khoản thanh vu chia sẻ.

Ai rồi cũng phải bán chất xám

Sự việc trên làm dấy lên làn sóng đề nghị, yêu cầu sự công bằng đối với những người làm khoa học. Bản chất của việc đi làm, của mỗi công việc chúng ta thực hiện hàng ngày chính là việc bán chất xám của bản thân để thu về lợi nhuận, cải thiện đời sống cá nhân.

Mỗi cá nhân đều có một ngành nghề, công việc riêng để "bán chất xám", và những người làm khoa học không phải ngoại lệ. Bên cạnh mục đích nghiên cứu, đem lại những giá trị mới cho cuộc sống, những nhà khoa học cũng cần thêm thu nhập, cần được đảm bảo đời sống vật chất để có thể yên tâm công tác, toàn tâm, toàn ý vào công việc, giống như cách mọi người thường nói rằng "có thực mới vực được đạo" hay "động lực làm việc không thể đến từ cái bụng đói".

Tuy nhiên, thực tế lại chỉ ra rằng không ít người làm khoa học, nghiên cứu phải đối diện với sự thiếu thốn về đời sống vật chất, thậm chí phải bỏ nghề, chuyển ngành vì không thể đáp ứng nhu cầu mưu sinh. Do đó, cần tạo điều kiện cho những người làm khoa học được có thêm thu nhập từ việc lao động chân chính của bản thân.

"Bán chất xám không có gì sai trái cả. Công việc khoa học hay kinh doanh, cốt lõi, ưu tiên vẫn là gia đình no ấm", "Thầy rất đáng ngưỡng mộ. Thầy bán chất xám, bán những công trình nghiên cứu do mình đổ mồ hôi, công sức lao động của chính mình và được thị trường đón nhận mua", "Rất thông cảm với ông khi chất xám thua lao động cơ bắp", "Anh rất thực chất, cụ thể hóa được chất xám của mình!", "Ai rồi cũng phải bán chất xám thôi"… nhiều độc giả bày tỏ sự đồng cảm với Phó giáo sư Hướng.

Hoàng Linh