Vụ nổ súng ở Sầm Sơn: Có căn cứ xử lý tội giết người?

PV

(Dân trí) - "Do Bằng sử dụng hung khí nguy hiểm là súng colt, bắn nhiều lần vào vùng nguy hiểm của nạn nhân, hành vi thể hiện ý chí muốn tước đoạt tính mạng người khác và có thể bị xử lý về tội Giết người".

Như Dân trí đã đưa tin, trưa 18/7, Nguyễn Thái Bằng (28 tuổi, ở TP Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa) xảy ra mâu thuẫn với anh V.V.K. (20 tuổi, ở TP Sầm Sơn) trong đám giỗ của gia đình. Sau khi cãi vã, chửi bới, Bằng chạy về lấy súng colt bắn nhiều phát khiến nạn nhân phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng thủng gan, thận, vỡ tá tràng. Anh trai Bằng gần đó cũng trúng đạn và phải nhập viện.

Sau khi nổ súng, Bằng bỏ trốn khỏi hiện trường. Tối muộn cùng ngày, nghi phạm ra đầu thú. Công an TP Sầm Sơn đang tạm giữ hình sự Bằng để điều tra các hành vi Cố ý gây thương tích và Sử dụng trái phép vũ khí quân dụng.

Vụ nổ súng ở Sầm Sơn: Có căn cứ xử lý tội giết người? - 1

Bị can Nguyễn Thái Bằng tại cơ quan điều tra (Ảnh: Công an tỉnh Thanh Hóa).

Trong trường hợp này, với việc bắn vỡ, thủng nội tạng nạn nhân, Bằng có thể bị xử lý về tội danh nặng hơn so với tội danh đang bị cơ quan công an điều tra hay không?

Luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhận định, dưới góc độ xã hội, hành vi của Bằng có tính chất manh động, nguy hiểm, gây ảnh hưởng xấu tới an ninh trật tự địa phương cũng như có nguy cơ xâm phạm đến sức khỏe, thậm chí tính mạng người khác.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư nhìn nhận có 2 vấn đề cần lưu ý trong vụ việc này. Cụ thể:

Thứ nhất, theo thông tin hiện có, nạn nhân nhập viện trong tình trạng bị thủng gan, thận, vỡ tá tràng. Điều này có nghĩa Bằng đã sử dụng súng để bắn vào vùng trọng yếu, nguy hiểm trên cơ thể nạn nhân.

Dù có ý tước đoạt mạng sống nạn nhân hay không, một người có đầy đủ nhận thức và năng lực hành vi phải hiểu được đây là hành động có tính chất nguy hiểm, có khả năng đoạt mạng người khác.

"Trong các vụ việc xâm phạm sức khỏe, tính mạng có liên quan tới hung khí nguy hiểm là súng, nếu nghi phạm dùng súng để bắn đe dọa, bắn cảnh cáo vào tay, chân hoặc những vị trí ít nguy hiểm hơn trên cơ thể, đây là hành vi có dấu hiệu của tội Cố ý gây thương tích. Còn nếu bắn vào những vùng trọng yếu như đầu, mặt, bụng, tim… đây là hành vi có dấu hiệu của tội Giết người", ông Giáp phân tích.

Vụ nổ súng ở Sầm Sơn: Có căn cứ xử lý tội giết người? - 2

Khẩu súng mà Bằng đã sử dụng để gây án (Ảnh: Công an tỉnh Thanh Hóa).

Thứ hai, theo luật sư, Bằng không chỉ bắn trúng vùng trọng yếu mà còn nổ súng nhiều lần vào nạn nhân. Điều này thể hiện ý chí muốn tước đoạt mạng sống người khác, phạm tội đến cùng.

Từ hai vấn đề trên, có thể thấy hành vi của nghi phạm có dấu hiệu của tội Giết người. Quá trình điều tra, nếu Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Sầm Sơn củng cố đủ căn cứ chứng minh hành vi của Bằng cấu thành tội Giết người theo Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015, nghi phạm có thể bị khởi tố về tội danh này.

Trong trường hợp khởi tố về tội Giết người, căn cứ quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, hồ sơ vụ án sẽ được chuyển cho Công an tỉnh Thanh Hóa để điều tra theo thẩm quyền.

Hoàng Diệu