Vụ chặt cây xanh trên cao tốc: Chặt thì dễ quá, trồng và giữ được mới khó!

Bảo Khang

(Dân trí) - Những ngày qua, sự việc 100.000 cây keo bị chặt dọc cung đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đã thu hút sự quan tâm cũng như tranh luận của người dân.

Đại diện Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) thông tin, việc chặt hạ cây keo dọc hai bên cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình là bắt buộc nhằm khắc phục tồn tại theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền.

Đồng thời, theo kế hoạch, năm 2024, VEC sẽ thực hiện đầu tư mở rộng cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đoạn từ nút giao Đại Xuyên đến Liêm Tuyền từ 4 làn xe lên 6 làn xe.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, việc chặt hạ cây đang được tạm dừng do nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều độc giả Dân trí cho rằng việc chặt cây là cần thiết bởi sắp đến mùa mưa bão.

Vụ chặt cây xanh trên cao tốc: Chặt thì dễ quá, trồng và giữ được mới khó! - 1

Hàng cây xanh dọc cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (Ảnh:VEC).

"Tiền bán cây nên để trang trải cho chính con đường"

Độc giả Ngô Đức cho biết, "Cách đây hơn 1 tháng, tôi đi công tác ở Hà Nội về qua đây suýt tai nạn vì hàng cây này. Hôm đó có mưa giông kèm gió giật, một số cây trên cao tốc đoạn này bị gãy rơi xuống mặt đường, may mắn khi thấy giông mình cũng đã cảnh giác, đi rất chậm nên tai nạn không xảy ra. Vậy nên chặt bỏ là chính xác khi mùa mưa bão đang đến gần, nếu có trồng lại thì phải tính toán khi cây tốt lên mà bị gãy ngã cũng không ảnh hưởng đến đường cao tốc là được".

Độc giả Cao Anh Duc: "Chặt là phù hợp, cao tốc cần đèn, cần thông thoáng chứ không cần bóng mát".

Đồng quan điểm này, độc giả Huy SAINDECO: "Chặt đi cũng được, đường cao tốc mà, đi đường cao tốc thì cần gì bóng mát với bóng râm, xe máy và người đi bộ, xe thô sơ có được đi vào đâu, chặt đi và không nên trồng vì cây che khuất tầm nhìn".

"Cần thiết thì chặt hạ cây nhưng cái cần nói là tầm nhìn của Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam trong việc làm đường cao tốc, như thế này là "bóc ngắn cắn dài", bởi trồng cây, mở rộng đường hay vì bất cứ lí do gì cũng đều phải có tính toán trước", độc giả Phạm Thế Vinh nêu ý kiến.

Độc giả Thế Tô Văn: "Cây keo đến tuổi thu hoạch thì chặt là đúng rồi, lại trồng cây mới, trồng cây công trình có giá trị hơn. Không biết trước khi trồng có nghiên cứu về giống cây, chủng loại cây không, hay là cứ được giao là trồng để tính tiền. Trồng keo là sai lầm, vì keo lớn nhanh nhưng giòn dễ gẫy và tán không to. Cây hay bị sâu đục thân và chết, trút lá theo mùa, khoảng cách trồng dày đặc là không hợp lý".

Theo độc giả Tin Dung: "Chặt đi thì cần trồng bù ra phía ngoài. Vừa đảm bảo an toàn, vừa có bóng mát, cây xanh, gìn giữ môi trường".

Độc giả ManhHung lại cho rằng: "Nếu trồng với mục đích thu hoạch nên có chiến lược trồng ngay từ ban đầu. Số tiền bán cây dùng để trang trải cho chính nó, phục vụ việc tiếp theo, bởi số tiền thu về cũng đôi chục tỉ. Nếu có chiến lược ngay từ đầu, ta nên tính thời điểm cắt tỉa trồng xen kẽ, khi đốn hạ cây đủ thời gian khai thác cây con sẽ thế chỗ và có ánh sáng nó sẽ lớn nhanh để đáp ứng nhu cầu về nhiều mặt cho đường cao tốc".

Hàng cây có tác dụng như "hàng rào chắn bụi", nên được tỉa gọn gàng

Bên cạnh những ý kiến đồng tình, nhiều người cho rằng việc chặt hạ hàng cây xanh được coi là "hàng rào chắn bụi" là không cần thiết, gây lãng phí.

Độc giả Duong Doan dẫn chứng so sánh: "Ở Nhật đường cao tốc đi qua khu dân cư, đông người, hay được làm tấm vòm chống bụi, chống ồn. Mình có tấm chắn bằng cây trồng , nếu tỉa cây gọn lại không ảnh hưởng đến đường thì chuẩn không cần chỉnh".

Độc giả Phạm Mạnh Đằng: "Sao phải chặt nhỉ, chỉ cần tỉa bớt cành cây không cao và rộng quá độ cho phép là được, đi trên con đường này tôi thấy hai bên có hàng cây đẹp và nó dịu hẳn không khí oi bức đi".

Độc giả TenMienNgon.com: "Sao không cắt tỉa mà lại phải chặt hạ. Chỗ nào vướng và nguy hiểm thì tỉa bớt. Chặt thì đơn giản quá, trồng và giữ được mới khó".

Đồng quan điểm trên, độc giả QuangAnh Nguyễn: "Nên nghiên cứu kỹ trong việc chặt hạ cây, có thể dùng các biện pháp cắt tỉa vào mùa mưa bão, hàng cây cũng có nhiều lợi ích. Cứ trồng xong lại lãng phí chặt bỏ, mất bao tiền của".

Độc giả Quang Thuận Nguyễn chia sẻ: "Lần nào từ Sài Gòn ra mình về quê vợ cũng thấy tuyệt vời vì hàng cây keo, tràm bên đường này. Đây chính là hàng rào ngăn bụi và tiếng ồn tự nhiên tuyệt vời, không cần lắp những rào chắn tiếng ồn như đoạn giáp Hà Nội. Đồng thời, đây cũng là hàng cây che nắng, chắn bão rất tốt. Bao năm nay có cây nào đổ, gãy đâu? Tại sao lại phải chặt bỏ?"

Độc giả Hòa Bình cùng quan điểm cho rằng: "Tỉa gọn được thì tỉa chứ chặt đi rồi trồng mới bao giờ mới được. Cơ quan quản lý thì không có hướng dẫn gì lúc trồng, sao không có quy định rõ về loại cây được phép trồng".