Vụ bỏ thuốc sâu vào thức ăn 400 học sinh: Căn cứ nào để định tội?

PV

(Dân trí) - Theo luật sư, ý chí chủ quan của bị can cùng tính chất, mức độ của hành vi phạm tội sẽ là 2 căn cứ quan trọng để xác định số phận pháp lý của bị can Thi.

Như Dân trí đã thông tin, Hà Thị Thi (39 tuổi, ở huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) đã bị Công an tỉnh Sơn La tống đạt quyết định khởi tố bị can về tội Cố ý gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. Bà Thi là người cho thuốc trừ sâu vào bếp ăn của hơn 400 học sinh bán trú tại trường THPT Chu Văn Thịnh (huyện Mai Sơn).

Khai với công an, người phụ nữ cho biết do bất mãn việc nhà trường lựa chọn đơn vị cung cấp thực phẩm không đảm bảo chất lượng, nghi ngờ có câu kết ăn bớt khẩu phần ăn của học sinh nên đã đổ thuốc diệt gián, kiến và thuốc trừ sâu vào thức ăn. Mục đích để sau khi học sinh bị ngộ độc, nhà trường sẽ phải thay nhà cung cấp thực phẩm khác.

Sự việc được đầu bếp phát hiện kịp thời nên hậu quả đáng tiếc chưa xảy ra.

Vụ bỏ thuốc sâu vào thức ăn 400 học sinh: Căn cứ nào để định tội? - 1

Hà Thị Thi tại cơ quan công an (Ảnh: Công an cung cấp).

Bình luận sau khi theo dõi thông tin sự việc, chủ tài khoản giang hp viết: "Loại đàn bà độc ác. Nói như thể thương các cháu bị bớt khẩu phần ăn, bất mãn này nọ. Thương cháu mà tính bỏ thuốc trừ sâu giết các cháu? May phát hiện kịp thời, chứ nếu để 400 học sinh ăn phải thì tội bà quá ác. Chẳng qua cũng vì lợi ích của bà ta".

"Tham lam đến mức sẵn sàng làm việc tàn độc. Không có dấu hiệu hối cải, còn tìm cớ bao biện cho hành động vô nhân tính. Nếu có dấu hiệu cấu thành tội giết người vì động cơ đê hèn cũng không oan", anh Quang Tung Nguyen bức xúc.

Có chung góc nhìn, chủ tài khoản TenMienNgon.com bình luận: "Hành vi này phải được định khung là giết người, thậm chí là giết nhiều người chứ sao chỉ là cố ý gây tổn hại cho sức khỏe của người khác vậy ta?".

Định tội dựa trên căn cứ nào?

Giải đáp thắc mắc của độc giả, luật sư Nguyễn Văn Tuấn (Giám đốc Công ty Luật TGS, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, dưới góc độ khoa học pháp lý, giết người được hiểu là hành vi cố ý, nhằm mục đích tước đoạt mạng sống người khác một cách trái pháp luật. Giết người là hành vi vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm trực tiếp tới tính mạng người khác và bị xã hội kịch liệt lên án.

Còn hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 ("BLHS") có điểm giống với hành vi giết người quy định tại Điều 123 BLHS là việc cả 2 đều xâm phạm trực tiếp đến sức khỏe, thậm chí tính mạng của người khác.

Tuy nhiên, điểm khác nhau cơ bản và quan trọng để phân biệt 2 tội danh này là mục đích phạm tội, lỗi của người thực hiện hành vi cùng một số yếu tố cơ bản khác.

Vụ bỏ thuốc sâu vào thức ăn 400 học sinh: Căn cứ nào để định tội? - 2

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn (Giám đốc Công ty Luật TGS, Đoàn Luật sư TP Hà Nội).

Trong vụ việc trên, ông Tuấn nhìn nhận người phụ nữ khai do bất mãn với đơn vị cung cấp thức ăn của nhà trường, nghi ngờ có sự gian lận nên đã bỏ thuốc diệt côn trùng vào đồ ăn nhằm khiến các em học sinh bị ngộ độc, từ đó để trường thay đổi nhà cung cấp khác. Như vậy, về ý chí chủ quan, động cơ, mục đích của bị can không phải nhằm giết người.

Ngoài ra, theo lời khai của bà Thi, người này đã mua 2 gói thuốc diệt gián và 1 lọ thuốc trừ sâu. Sau đó, bà sử dụng 1 gói thuốc diệt gián cùng một phần lọ thuốc trừ sâu trộn vào chậu su su đã luộc chín để đầu độc học sinh.

Về tình tiết này, luật sư đánh giá cơ quan công an sẽ cần tiếp tục lấy mẫu thức ăn đưa đi giám định, từ đó làm rõ nhiều yếu tố như loại chất độc được sử dụng là gì, mức độ nguy hại tới sức khỏe của con người ra sao. Đồng thời, cần xác định nồng độ, hàm lượng độc tố tiết ra ở mức độ nào, tính chất nguy hiểm tới đâu, có nguy cơ tước đoạt mạng sống người khác ngay lập tức sau khi ăn phải hay không. Đây là những cơ sở quan trọng để xác định chính xác tính chất hành vi phạm tội của bà Thi.

"Như vậy, về ý chí chủ quan, bà Thi thực hiện hành vi không nhằm mục đích tước đoạt mạng sống các em học sinh. Còn về tính chất, mức độ hành vi, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục tiến hành các hoạt động tố tụng, củng cố chứng cứ, đánh giá một cách toàn diện, khách quan, cẩn trọng nhất để xác định chính xác số phận pháp lý của người phụ nữ này. Việc chuyển tội danh có thể xảy ra nếu có đầy đủ căn cứ, cơ sở để buộc tội", luật sư Tuấn bình luận.

Hoàng Diệu