Chuyên đề: “Bất cập trong Luật Hôn nhân và gia đình”

Vợ ngoại tình sinh con, tôi vẫn bắt buộc phải đăng ký khai sinh là bố đứa trẻ?

(Dân trí) - Tôi và vợ tôi có đăng ký kết hôn hợp pháp. Nay, tôi phát hiện vợ ngoại tình và mang thai đứa con của người khác, qua tìm hiểu tôi được biết trường hợp của tôi không được ly hôn vợ. Tuy nhiên, khi đứa trẻ sinh ra, vợ tôi muốn đăng ký khai sinh cho con để tên tôi là cha đứa trẻ, nhưng tôi kiên quyết không cho đăng ký tên cha. Vậy trong trường hợp này tôi phải làm thế nào?

 

Luật sư Phan Thị Lam Hồng - Giám đốc Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội: Căn cứ vào những dữ liệu mà bạn đã nêu, áp dụng quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi đã nghiên cứu và xin đưa ra một số ý kiến tư vấn như sau:

Trẻ mới sinh là những sinh linh bé bỏng,, là món quà vô giá đối với cha mẹ và hạnh phúc gia đình. Do vậy, trước khi bạn đưa ra quyết định không chấp nhận đứa trẻ là con bạn hoặc yêu cầu Tòa án xác định bạn không phải cha đứa trẻ, bạn nên sử dụng phương pháp khoa học như giám định ADN để có những căn cứ khách quan, tránh trường hợp suy luận không chính xác gây tổn thương tới tâm lý, tình cảm của người vợ, tới đứa trẻ.

Nếu bạn đã có những căn cứ khoa học chứng minh cho nhận định của bạn về việc đứa trẻ không phải con bạn và kiên quyết không cho người vợ đăng ký tên bạn với tư cách là cha đứa trẻ trong giấy khai sinh, thì trong trường hợp này, pháp luật quy định như sau:

Theo quy định tại khoản 1, Điều 88, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014: “Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.”. Do vậy, mặc dù bạn khẳng định bạn không phải là cha đứa trẻ, nhưng đứa trẻ được sinh ra trong thời kỳ hôn nhân, là con chung của vợ chồng bạn thì người mẹ có quyền đi đăng ký khai sinh cho đứa trẻ và lấy tên bạn là cha đứa trẻ (trừ trường hợp, trước khi đăng ký khai sinh đã có Bản án/Quyết định của Tòa án về việc bạn không phải là cha đứa trẻ).

Trong trường hợp này, để đăng ký khai sinh cho đứa trẻ và lấy tên bạn là cha đứa trẻ, người mẹ chỉ cần tới Ủy ban nhân dân cấp xã (theo quy định tại Điều 13, Nghị định 158/2005/NĐ-CP) nộp Tờ khai, Giấy chứng sinh (theo mẫu quy định) và xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn của vợ chồng bạn (theo quy định tại khoản 4 Điều 1, Nghị định 06/2012/NĐ-CP) thì người vợ đã có thể đăng ký khai sinh cho đứa trẻ và lấy tên bạn là cha đứa trẻ trong Sổ đăng ký khai sinh và Giấy khai sinh. Thậm chí, người mẹ còn có thể xác định họ và quê quán của đứa trẻ theo họ và quê quán của bạn theo quy định tại điểm e,  khoản 1, Mục II, Thông tư 01/2008/TT-BTP.

Tuy nhiên, người vợ sẽ không thể lấy tên bạn với tư cách là cha đứa trẻ để đi đăng ký khai sinh nếu như trước đó bạn có căn cứ để yêu cầu Tòa án xác định đứa trẻ không phải là con mình theo quy định tại khoản 2, Điều 89 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và Tòa án đã ra Bản án/Quyết định về việc bạn không phải là cha đứa trẻ. Trong trường hợp này, cán bộ Tư pháp - Hộ tịch tại UBND cấp xã sẽ không ghi tên bạn với tư cách là cha đứa trẻ vào Sổ đăng ký khai sinh và Giấy khai sinh.


Vợ ngoại tình sinh con, tôi vẫn bắt buộc phải đăng ký khai sinh là bố đứa trẻ?

Vợ ngoại tình sinh con, tôi vẫn bắt buộc phải đăng ký khai sinh là bố đứa trẻ?

Trong trường hợp, người vợ đã lấy tên bạn với tư cách là cha đứa trẻ để đi đăng ký khai sinh cho đứa trẻ, Sổ đăng ký khai sinh và bản chính Giấy khai sinh của đứa trẻ đã ghi tên bạn nhưng căn cứ vào Bản án/Quyết định của Tòa án về việc bạn không phải là cha đứa trẻ, thì bạn có thể làm thủ tục thay đổi hộ tịch theo quy định tại khoản 1, Điều 41, Nghị định 158/2005/NĐ-CP. Theo đó, bạn xuất trình bản chính Giấy khai sinh của đứa trẻ, Bản án/Quyết định của Tòa án về việc bạn không phải là cha đứa trẻ và nộp Tờ khai theo mẫu quy định tới Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi đã đăng ký khai sinh cho đứa trẻ trước đây để giải quyết việc thay đổi hộ tịch trong Sổ đăng ký khai sinh và bản chính Giấy khai sinh của đứa trẻ theo quy định tại Điều 37, Điều 38, Điều 41, Điều 42, Nghị định 158/2005/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 06/2012/NĐ-CP.

Từ những căn cứ nêu trên, có thể khẳng định trong trường hợp này, người vợ có quyền lấy tên bạn với tư cách là cha đứa trẻ để đi đăng ký khai sinh cho người con chung của vợ chồng bạn (được sinh ra trong thời kỳ hôn nhân), trừ trường hợp bạn có căn cứ chứng minh đứa trẻ không phải con của bạn và đã được Tòa án nhân dân có thẩm quyền ra Bản án/Quyết định về việc đứa trẻ không phải con bạn theo đúng quy định pháp luật!

Xin cảm ơn luật sư.

Chuyên đề tư vấn pháp luật về “Bất cập trong Luật Hôn nhân và gia đình” trên báo Dân trí sẽ giải đáp những tình huống khúc mắc, những góc cạnh không phù hợp với thực tế của các điều luật thông qua sự phân tích pháp lý của các luật sư uy tín. Báo Dân trí rất mong nhận được câu hỏi, thắc mắc, chia sẻ của bạn đọc qua email: bandoc@dantri.com.vn

Anh Thế (thực hiện)