Viết tiếp bài ca buồn Hai Lúa

Chúng tôi rất tâm đắc với bài viết “<a href="http://dantri.com.vn/diendandantri/Sao-kho-the-Hai-Lua-oi/2008/11/260655.vip">Sao khổ thế…Hai Lúa ơi!</a>” của TS Trần Hồng Lưu trên <i>Diễn đàn Dân trí</i> ngày 19/11/2009. Bài viết đã đề cập những nỗi nhọc nhằn và tương lai không mấy đảm bảo của người nông dân “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”.

Là một người xuất thân từ nông thôn và hiện tại tuy làm nghề giáo nhưng vẫn sống ở nông thôn, chúng tôi xin được nói thêm về những khó khăn chồng chất và nghịch lý trong cuộc sống của người nông dân hiện nay.

Nhiều điều còn trăn trở

- Mặc dù đang trong thời đại khoa học và công nghệ phát triển như vũ bão, thế giới đã bước qua văn minh công nghiệp để bước vào thời đại văn minh kĩ thuật số, thế nhưng người nông dân vẫn chưa thực sự được giải phóng khỏi những hình thức lao động thủ công nặng nhọc. Vẫn chủ yếu là “con trâu đi trước cái cày đi sau”, vẫn dùng bàn tay gặt lúa, cấy lúa, nhổ mạ, bón phân, thậm chí tát nước, gánh thóc…

Một hạt thóc từ khi gieo giống đến khi thành hạt gạo đã bao lần đi qua bàn tay người nông dân. Vẫn là những tấm áo đầm đìa mồ hôi, những khuôn mặt sạm đen, gày gò, những bàn tay chai sạn, những bàn chân nứt nẻ… Khổ nhất là phơi phóng: vừa còng lưng đổ lúa ra sân, bưng bát cơm chưa ăn hết thấy mây đen kéo về đã vội đặt xuống, tất bật xúc lúa vào tránh mưa; có khi một ngày đến mấy lần đổ ra xúc vào như thế.

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Mùa màng thì quần quật, hết mùa thì cố đi làm thêm bất cứ nghề gì để có thể kiếm thêm chút tiền, mà hầu hết là lao động phổ thông nặng nhọc: phụ hồ, thợ mộc, bốc vác, rồi thả trúm, bắt ốc, mò cua, buôn bán lặt vặt… xuôi ngược Bắc Nam. Bạn bè cùng lứa với chúng tôi không thoát ly được đành “thủy chung” với ruộng đồng trông ai cũng lam lũ tất bật, già trước tuổi.

- Bữa ăn của người nông dân đã cải thiện hơn trước nhiều, song đâu phải đã biết đến cái “ngon”, không phải lúc nào cũng có thịt cá. Rồi khi có thức ăn cũng không biết chế biến sao cho ngon miệng, bắt mắt; vì có đọc sách báo gì về hướng dẫn nấu ăn đâu, vả lại không có đủ các gia vị, không có thời gian. Nuôi được con bò, con lợn, con cá thì cũng dành bán để xây nhà, lo cho con cái học hành, rồi để đầu tư nông cụ, giống má, thuốc trừ sâu…

Ngắm hoa, nghe nhạc, đi nhà hát, du lịch, đọc sách văn học, lướt web… là những thứ “xa xỉ”, không có trong “bộ nhớ” của người nông dân. Người nông dân cũng rất ít luyện tập thể dục thể thao, thi thoảng có tham gia một vài tiết mục văn nghệ, một vài giải thi đấu thể thao phong trào mà thôi. Nhiều gia đình không sử dụng điện thoại, nếu có thì chủ yếu dùng để nghe, có điện song các vật dụng dùng điện như tủ lạnh, máy điều hòa nhiệt độ, thậm chí là máy bơm nước… cũng đã bị “tỉnh lược” đi. Một số gia đình tiết kiệm đến mức khi xem tivi thì tắt hết đèn. Tiết kiệm như thế, nhưng rồi vẫn cứ khó khăn.

- Môi trường sống và lao động của người nông dân còn nhiều nguy cơ rình rập. Báo chí đã nhiều lần phản ánh những vụ tai nạn lở núi do khai thác đá mà nạn nhân không ai khác là những người nông dân. Nhiều loại hóa chất độc hại đã bị cấm lưu hành vẫn được sử dụng, phương tiện bảo hộ lao động rất thô sơ. Đa số người nông dân không được sử dụng nước sạch, cộng thêm lối sống kém vệ sinh càng khiến cho dịch bệnh dễ bùng phát.

Ở một địa phương nọ, cho đến nay mà nhiều xã vẫn không có nhà vệ sinh, vì vậy dịch tiêu chảy cấp tràn lan khó kiểm soát. Lao động nặng nhọc, ăn uống không đầy đủ, môi trường sống bị ô nhiễm khiến cho người nông dân dễ mắc bệnh, và thường khi bệnh đã nặng mới đến bệnh viện khiến cho việc điều trị khó khăn, tốn kém. Không có bảo hiểm y tế, chi phí chữa bệnh cao, đi lại tốn kém khiến cho nhiều gia đình lâm vào cảnh khánh kiệt, cùng quẫn, nhất là những người mắc bệnh hiểm nghèo. Nghèo thì dễ mắc bệnh, bệnh lại khiến cho người nông dân thêm nghèo, và đây là một cái vòng luẩn quẩn. 

Hình ảnh nông thôn ngày xưa thường gắn liền với cây đa, lũy tre, dậu mồng tơi, cánh cò…nghĩa là thiên nhiên trong lành, thanh khiết. Thế nhưng ngày nay các lũy tre, cây cổ thụ, dậu mồng tơi ở nông thôn đã biến mất dần, bởi vì đã được bê tông hóa, cây thì bán làm cảnh hoặc lấy gỗ. Đâm ra thành phố lại nhiều cây xanh hơn nông thôn.               

- Người nông dân thường sinh nhiều con hơn so với người đô thị và công chức nhà nước, vì vậy cuộc sống càng thêm khó khăn. Chúng tôi để ý thấy những người phụ nữ nông thôn đông con không còn thời gian để trang điểm, giải trí, tất cả thời gian của các chị đã bị cuốn vào vòng xoáy bất tận của công việc và những lo toan của đời thường; sau khi lấy chồng, nhan sắc của cô thôn nữ nhanh chóng bị “xuống cấp”, mà thực ra họ cũng không mấy quan tâm đến chuyện đó.

Con cái của người nông dân cũng bị thất học nhiều hơn, cơ hội học đại học và kiếm những việc làm có thu nhập cao, dễ thăng tiến ít hơn, nhất là những vùng xa xôi, khó khăn, vùng cao. Dễ thấy những trường THPT có tỷ lệ học sinh 12 đậu tốt nghiệp cao đều nằm ở thành phố, các vùng thuận lợi, và phần lớn thuộc các gia đình khá giả. Thất học-đói nghèo cũng là một cái vòng luẩn quẩn. Những học sinh nông thôn thành đạt cũng không trở về quê hương để “cống hiến” mà tìm cách trụ lại ở thành phố và những vùng thuận lợi để lập nghiệp, nguồn chất xám quý giá để xây dựng, làm thay đổi bộ mặt quê hương cũng khan hiếm.            

- Nông thôn cũng là “địa bàn” của các hủ tục như “xôi thịt” khao vọng, mê tín dị đoan, cờ bạc, rượu chè…càng khiến cuộc sống của họ thêm phần gian nan. Cơ sở hạ tầng cũng kém phát triển, đường đi lối lại nhiều vùng còn khó khăn, nếu có được xây dựng cũng chất lượng kém, đường điện chập chờn và thường xuyên được “ưu tiên” cắt điện khiến cho sản xuất đình đốn, thậm chí phá sản.

Đã thế, hàng hóa cần dùng lại đắt hơn những vùng khác do phải cộng thêm chi phí vận chuyển và cả do những nhà buôn lợi dụng thế bí của người nông dân để ép giá. Thế là người nông dân làm vào cảnh “bán rẻ-mua đắt”, chịu “thiệt đơn thiệt kép” mà không biết kêu vào đâu. Nếu tính giá trị sản phẩm chia đều cho ngày công sau khi đã trừ chi phí khác thì giá trị ngày công của người nông dân thấp đến mức khó tin, có nơi chỉ một vài nghìn đồng cho một ngày công. Nông thôn, vùng sâu vùng xa cũng là địa bàn lí tưởng để những kẻ lừa đảo tung hoành. Nhiều gia đình dốc cả gia tài để chạy cho con em đi xuất khẩu lao động, rốt cuộc ăn phải “quả lừa” cay đắng, lại lâm vào cảnh khánh kiệt, vỡ nợ.

Người nông dân cả đời lam lũ cực nhọc, đầu tư hết cho con cái, khi về già lại không có lương hưu, cuộc sống phụ thuộc càng nhiều khó khăn, nhiều cụ có cảnh ngộ rất đáng thương. Trước đây, chúng tôi có nghe nói đến đề án hưu nông dân của Tiến sĩ Hồ Bá Quỳnh, song chờ đợi mãi mà không thấy được triển khai thực hiện.                      

Trong thời kì hội nhập, những khó khăn mà người nông dân phải đương đầu rất lớn: diện tích canh tác bị thu hẹp, dân số tăng, nguy cơ thiên tai dịch bệnh lớn, chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng nhu cầu thị trường, sự cạnh tranh gay gắt của nông phẩm quốc tế bên cạnh những khó khăn cố hữu như thiếu vốn, thị trường tiêu thụ không ổn định.

Chúng tôi rất ngạc nhiên và lo lắng khi thấy những nông phẩm siêu rẻ có nguồn gốc từ Trung Quốc: trứng, thịt gà, hoa quả, đường và những nông phẩm có chất lượng cao từ Thái Lan, thậm chí là Mỹ đang tràn ngập thị trường: nho, xoài, gạo, thịt gà…Khi bơi ra biển lớn WTO, làm sao một nền sản xuất thủ công manh mún, nhiều rủi ro lại có thể cạnh tranh được với những nền sản xuất tiên tiến, công nghệ hiện đại, chuyên nghiệp với sự đầu tư rất lớn của Chính phủ. Có nhà khoa học đã làm một phép tính và thấy rằng số tiền đầu tư cho một con bò của một số nước châu Âu lớn đến mức có thể giúp nó du lịch vòng quanh châu Âu!  

Tìm một con đường phát triển bền vững

Đúng như TS Trần Hồng Lưu phân tích, tương lai của người nông dân vẫn còn mịt mờ, và nếu không có những giải pháp có tầm chiến lược đồng bộ thì vấn đề nông thôn-nông dân không biết bao giờ mới giải quyết được.

Chủ trương hợp tác “bốn nhà” (nhà nước-nhà khoa học-nhà nông-nhà doanh nghiệp) là một hướng đi đúng, song cần có những giải pháp cụ thể để hiện thực hóa, thực sự làm thay đổi cuộc sống của người nông dân. Trước mắt, để giải quyết cái thực trạng nghèo của người nông dân, cần tuân thủ nguyên tắc: tăng thu, tăng hỗ trợ, giảm chi phí, giảm thất thoát. Nhà nước đã nghiêm cấm những địa phương tự ý đặt ra những khoản thu không có trong danh mục do nhà nước quy định, xử lý nghiêm các biểu hiện tiêu cực trong triển khai dự án, phân phối tiền, hàng cứu trợ…Hiện nay, nhiều nơi người nông dân vẫn phải chi ra một khoản tiền không nhỏ cho việc tiêm phòng dịch bệnh vật nuôi (cộng thêm cả “tiêu cực phí” do bị đội giá), vì vậy đề nghị nhà nước có những chính sách hỗ trợ hoặc miễn phí tiêm phòng dịch.

Khó nhất là làm sao để người nông dân vươn lên làm giàu, có cuộc sống phát triển ổn định, không còn bấp bênh như hiện nay. Phát huy nỗ lực sáng tạo của người nông dân là rất đáng khuyến khích, song đừng đặt người nông dân vào tình thế “buộc phải sáng tạo”, bởi vì sức người có hạn, nhất là người nông dân; những sáng tạo đột phá chỉ là cá biệt. Cần thiết phải xây dựng được những chính sách, cơ chế để đại đa số người nông dân bình thường có thể có cuộc sống khá giả, ổn định, ít ra cũng không quá khó khăn và nhiều nguy cơ rủi ro như hiện nay.

Chúng tôi cho rằng một trong những nguyên nhân quan trọng khiến bộ mặt nông nghiệp-nông thôn và đời sống người nông dân vẫn mãi chưa thoát ra khỏi trì trệ là do tính chất thiếu chuyên nghiệp. Không chỉ trong sản xuất, phân phối, tiêu thụ sản phẩm, mà trước hết là trong khâu quy hoạch, quản lý, thậm chí đây đó vẫn còn tình trạng quan liêu mệnh lệnh trong khâu quản lý, điều hành sản xuất.

Tiềm năng về vốn, về nhân lực kinh nghiệm sản xuất của nông dân là rất lớn, vấn đề là phải làm gì để đánh thức, tập hợp, định hướng cho các tiềm năng ấy, biến tiềm năng thành sức mạnh thay đổi hiện tại. 

Trần Quang Đại
Giáo viên trường THPT Trần Phú, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.


LTS Dân trí - Quả thật đời sống của người nông dân ngày nay tuy đã được cải thiện hơn trước nhưng còn rất nhiều khó khăn Sản xuất nông nghiệp cũng là khu vực sản xuất còn lạc hậu nhất và đạt hiệu quả thấp nhất. Cho nên chăm lo phát triển nông nghiệp cũng như nông thôn không chỉ thiết thân đối với người nông dân chiếm số đông dân số, mà còn có ý nghĩa rộng lớn hơn đối với cả sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nước nhà.

Nghi quyết TƯ 7 của Đảng đã nêu rõ những giải pháp đồng bộ để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn cũng như nâng cao đời sống của người nông dân. Vấn đề quan trọng là cần sớm  thể chế hóa tinh thần chỉ đạo đó thành những chủ trương, chính sách cụ thể, để đưa sản xuất nông nghiệp nước ta trở thành nền sản xuất hàng hóa, có sức cạnh tranh trên thị trường và đem lại hiệu quả cao, từ đó cải thiện đời sống của người nông dân và xây dựng nông thôn mới.

Trước mắt, Chính phủ đã có những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người nông dân như tạo nguồn vốn mua hết lượng thóc tồn đọng của nông dân, có những giải pháp kích cầu đầu tư cũng như khai thác thêm thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp; tăng gía đền bù đất nông nghiệp bị thu hồi cho các khu công nghiệp, quan tâm hơn đến việc đào tạo nghề để giải quyết công án việc làm cho con em nông dân ở những vùng này,v,v...Đấy là những tín hiệu đáng mừng của việc đưa Nghị quyết TƯ 7 vào cuộc sống