Vì sao học sinh thi khối C lại trượt nhiều?

Nhân đọc bài “Điều cần quan tâm đối với học sinh thi khối C” của tác giả Phạm Được, tôi nhận thấy bài này đã nêu lên được những nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến kết quả thi khối C là rất kém.

Về cơ bản, đó là những nhận định đúng và chính xác. Song, theo chúng tôi, để hiểu rõ một cách đầy đủ và toàn diện hơn vấn đề trên thì cần bổ sung thêm một số điểm sau:

Thứ nhất: theo tôi nguyên nhân chủ yếu nhất dẫn đến kết quả thi khối C của học sinh thấp là do “đầu vào” của khối này đa số là rất thấp (tôi không nói là tất cả đều thấp). Theo như quan sát, có thể thấy hầu hết các thí sinh thi vào khối này, sau khi đã lựa chọn cân nhắc hết các phương án, các khối thi ..và cuối cùng họ đành hạ bút đề nguyện vọng thi vào khối C, vì hết đường… lựa chọn. Và họ nghĩ rằng đây là môn học thuộc lòng nên chỉ cần “học gạo” là chắc ăn mười mươi. Nếu người coi thi mà dễ dãi, có điều kiện mở tài liệu ra lại càng ăn chắc hơn. Thực tế, học sinh thi khối C đầu tư “phao” bài bản và quy mô hơn các khối khác, vì đây là môn chỉ chữ và chữ là chủ yếu. Cày trên cánh đồng chữ nghĩa thì chỉ cần ai thuộc nhiều và chép được nhiều là chắc thắng. Chính với suy nghĩ này đã dẫn đến nhiều học sinh học kém “toàn diện” ở các môn đã chọn khối này để thi. Cho nên khối C, được coi là “vùng trũng nhất” để các thí sinh tập trung vào thử vận may. Đó cũng là lý do chính dẫn đến điểm thi của khối này thường kém nhất.

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Thứ hai: Các môn thi khối C đa phần đều đòi hỏi khả năng phân tích, chứng minh, giải thích, bình luận, tổng hợp để khái quát nâng cao vấn đề, nên phương pháp học tập và làm bài phải được rèn luyện một cách bài bản mới có khả năng ăn điểm cao.Còn những người tự cho rằng cần cù có thể bù thông minh bằng cách lăn sả ra học thuộc lòng mà không có định hướng và phương pháp  thì kết quả thật là vô định và năm nào họ cũng thất bại. Chính vì thế, việc học sinh được rèn luyện với các thầy cô có kinh nghiệm và phương pháp  tốt sẽ quen dần với cách tư duy và làm bài, xử lý tài liệu một cách có bài bản và có phương pháp sẽ đạt kết quả cao trong thi cử. Đó cũng chính là lý do mà họ phải tìm đến các lò luyện thi để học hỏi, nâng cao trình độ.

Thứ ba: Để học được các môn khoa học xã hội và nhân văn cũng phải đòi hỏi ít ra trình độ học vấn trung bình khá trở lên và phải có sự ham thích thật sự mới đạt được kết quả tốt, chứ không phải đơn giản chỉ là người biết chữ cộng cần cù là học được. Trong một bài bàn về trí nhớ, chúng tôi đã có dịp nêu lên vai trò của nó. Song không phải nhớ bất kỳ cái gì cũng đưa vào bài làm sẽ dẫn đến bài viết lộn xộn, cóp nhặt và buồn cười. Cần phải nhớ những cái cơ bản và có phương pháp để xử lý dữ liệu làm sao cho bài viết mang tính khoa học và có lập luận cao thì trí nhớ mới phát huy tác dụng. Còn học và thi không có phương pháp và chỉ dẫn đúng hướng thì sẽ không bao giờ mang lại kết quả cao mà chỉ là vô vọng và thất bại. Vì thế, câu “không thầy đố mầy làm nên” cần được hiểu đúng theo khía cạnh này.

Thứ tư: những lý do mà học sinh THPT phải tập trung vào các môn khác để đối phó với áp lực thi Tốt nghiệp dẫn đến kết quả thi khối C thấp là có thật, song với một người có tư chất về học lực khối này (nếu gặp rủi ro), thường thi lần thứ hai là chắc chắn đậu, chứ không phải thi đến lần ba. Đương nhiên những thì sinh giỏi ở khối này được rèn luyện ở các lớp chuyên thì đa số là thi đỗ lần đầu. Đó là lý do để nói không phải ai chọn thi khối C đều yếu kém. Song cũng cần khẳng định chắc chắn rằng, chỉ có một phần không nhiều trong số thí sinh chọn khối C là có học lực bài bản và có phương pháp học và thi đậu. Số này đa phần là đã từng ở trong đội tuyển các trường đã từng trải qua các cuộc thi ở các cấp.

Trên đây là những bàn luận để làm rõ thêm vấn đề này. Nói gọn lại là học cái gì, khối thi nào cũng phải có tâm huyết, tư chất và điều đặc biệt quan trọng là phải có phương pháp thì mới mang lại kết quả cao nhất là trong thi cử. Mò mẫm lấy cần cù bù thông minh thì chắc chắn sẽ đi vào đường hầm thất bại. Đó cũng là lời khuyên cho các thí sinh khi chọn khối C để thi không được ảo tưởng đó là khối thi dễ nhất chỉ cần cần cù là chiến thắng. Cần cù là một đức tính tốt cần phát huy. Song nó chỉ thực sự có hiệu quả khi được định hướng bằng phương pháp  đúng đắn.

TS Trần Hồng Lưu
Khoa Mác-Lênin, Đại học Kinh tế Đà Nẵng.

LTS Dân trí - Cảm ơn tác giả viết bài trên đây đã đóng góp những ý kiến rất hữu ích với các em học sinh định thi khối C đại học.

Tựu chung có một điều rất đáng nhấn mạnh, đó là việc dạy và học các môn thi khối C. Đấy là những môn học cần hiểu và ghi nhớ những điều cơ bản (chứ không phải học thuộc lòng tràn lan thì sẽ không nhơ nổi) và quan trọng hơn là biết phân tích, so sánh, tổng hợp, khái quát và hệ thống hóa vấn đề. Đấy cũng là cách dạy và cách học theo phương pháp suy luận, đáp ứng đúng yêu cầu các kỳ thi đại học vào khối C những năm vừa qua.