Vì sao đại biểu Quốc hội nước ngoài ném giày vào mặt nhau?

(Dân trí) - Bạn xem truyền hình ở Việt Nam có lẽ đôi khi được xem cảnh đại biểu quốc hội ở nhiều nơi trên thế giới xô xát nhau trong các kỳ họp. Nghị sĩ quốc hội Đài Loan đã từng tháo giày ra ném vào mặt nhau.

Nghị sĩ quốc hội Hàn Quốc cũng đã từng gần như giở võ tei-kon-do ra với nhau trong kỳ họp quốc hội. Nghị sĩ Nhật cũng không kém, đã từng có vị cầm cái gì đó ném vào vị kia. Còn chuyện các nghị sĩ quốc hội xô đẩy nhau, túm cổ áo nhau, cãi nhau mặt đỏ tía tai… thì là chuyện không hiếm ở rất nhiều nhiều nước.

 

Các vị nghị sĩ làm được như vậy là vì có điều luật về quyền bất khả xâm phạm của các nghị sĩ quốc hội. Và có thêm điều luật nữa là trong kỳ họp quốc hội, các vị nghị sĩ không phải chịu trách nhiệm hình sự hay hành chính về các lời nói và hành vi của mình.

 

Vì sao nhỉ? Đại biểu quốc hội gì mà mất tư cách thế nhỉ? Người Việt Nam ta hẳn có người sẽ hỏi như vậy. Đại biểu quốc hội xô đẩy nhau như vậy, cầm giày ném vào mặt nhau như vậy quả là không hay. Nhân dân các nước có các vị nghị sĩ đó, nhiều người cũng chê các vị đó lắm. Thật đáng xấu hổ cho các nghị sĩ mất tư cách như thế.

 

Thế nhưng cũng có nhiều người không những không chê, mà còn khen các hành vi đó của một số vị nghị sĩ quốc hội. Vì sao? Bởi vì rất có thể nhờ những cú ném giày đó, mà một đạo luật nào đó có thể được thông qua hoặc bị xóa bỏ, và nhờ vậy mà hàng triệu người dân được lợi.

 

Tại các kỳ họp quốc hội ở nhiều nước, việc tranh luận để thông qua các đạo luật, các dự án chi tiêu ngân sách là rất gay gắt, thẳng thắn, và nhiều lúc là không thể nhân nhượng với nhau.

 

Đảng này bênh vực một đạo luật, đảng kia phản đối. Các đại biểu quốc hội độc lập không thuộc đảng phái nào cũng chia ra theo các nhóm ủng hộ hay phản đối.

 

Không tranh luận thì không ra chân lý. Đó là một chân lý. Và vì những tranh luận gay gắt đó, mà đôi khi không kiềm chế được mình, hành vi, lời nói hơi đi quá. Nhưng quan trọng nhất là một đạo luật có hại phải bị hủy bỏ. Một đạo luật có lợi phải được thông qua. Và nhờ vậy nhân dân được lợi.

 

Đôi khi ngược lại, một đạo luật có hại được thông qua. Và cuộc tranh luận gay gắt sẽ tiếp tục vào kỳ họp quốc hội tới, và rất có thể giày sẽ lại được ném vào mặt nhau nữa, cho đến khi đạo luật có lợi cho nhân dân chiến thắng.

 

Nhìn lại quốc hội của Việt Nam ta, gần đây đã có không khí tranh luận, chất vấn thẳng thắn hơn. Những vị đại biểu như thẳng thắn như Đỗ Trọng Ngoạn, Dương Trung Quốc, Nguyễn Ngọc Trân, Nguyễn Minh Thuyết, Chủ tịch quốc hội Nguyễn Văn An… đã trở nên quen thuộc, nổi tiếng trong ngoài nước. Thế nhưng số các vị đại biểu dám có ý kiến chất vấn thẳng thắn cũng còn ít. Còn lại, nhiều vị cũng chỉ phát biểu những ý kiến chung chung không động chạm đến ai.

 

Những vị đại biểu quốc hội nước ngoài ném giày vào mặt nhau rõ ràng là không hay. Nhưng nếu so với các vị đại biểu quốc hội mũ ni che tai, nghị gật, thì các vị đại biểu ném giày vào mặt nhau vẫn khiến cử tri hiểu rằng họ có chính kiến hơn. Vì ném giày còn tỏ rõ được chính kiến, chuyển tải ý kiến của cử tri bầu ra mình cho quốc hội biết. Còn mũ ni che tai, nghị gật thì không làm gì cả, là phụ lòng mong muốn của cử tri gửi gắm ở mình.

 

Chất vấn, tranh luận ngoài bản lĩnh, dũng cảm, không sợ mất ghế, cũng phải có trình độ. Nhưng nhiều vị đại biểu quốc hội của ta, cũng như nhiều vị đại biểu đi dự Đại hội Đảng, thậm chí kể cả Ủy viên trung ương Đảng, được bầu lên là do cơ cấu, “đảng cử dân bầu”, “lãnh đạo cử, đảng viên bầu”, nên trình độ có hạn. Thế thì chất vấn, tranh luận càng khó lắm.

 

Mấy ngày đầu kỳ họp quốc hội của ta lần này cho thấy có khá nhiều ý kiến phát biểu khá thẳng thắn, nhất là khi nói đến quản lý ODA. Chúng ta hi vọng không khí dân chủ, thẳng thắn trong quốc hội ngày càng được phát huy, để quốc hội ngày càng đáp ứng tốt hơn nguyện vọng của cử tri.

 

Minh Tuấn
(Từ Tokyo)