Vé ơi là vé…

(Dân trí) - Mẹ tôi là người hoài cổ. Bà luôn kể cho anh em chúng tôi nghe chuyện ngày xửa ngày xưa. Nào là chuyện đạn bom thời Pháp, Mỹ; chuyện đói kém ăn hạt bo bo trừ cơm, chuyện gùi xe tăng lên trận tuyến thời kỳ mẹ làm du kích ở chiến trường Quảng Trị...

Ngày xưa…

Mỗi lần kể tôi đều chăm chú nghe rồi đem cái khoảnh khắc khốn khó đó so với thời điểm hiện tại, nghiệm ra thấy cuộc đời vẫn “ưa ái” với mình lắm khi đất nước đã đổi thay.

Trong trăm thứ chuyện được mẹ gợi lại từ trí nhớ của tuổi gần đất xa trời, có chuyện mẹ và mấy dì chen lấn mua vé xe. Mẹ bảo thời đó người đi mua vé thường mang theo cục gạch để... ngồi đợi thay vì đứng.

Ngồi chờ có khi không còn vé mà đi, phải mua vé chợ đen với giá cắt cổ! Hàng trăm, hàng ngàn người chen lấn để mua vé cho một chuyến hành trình đầy... than và tiếng “gào thét” của động cơ.

Vốn là thời đó hầu hết các xe đều chạy bằng than, người nêm kín trên xe, hơi nóng từ than tỏa ra, tiếng gầm rú cùng với sự lác lư, gập gềnh của xe vì những ô gà, ổ voi trên đường đã làm nên một bản “hợp xướng” khiến những người tham gia phải ngậm ngùi chịu đựng.

Mà đâu chỉ có thế, mẹ còn kể cái cảnh hành khách phải xuống xe giảm tải để cho cái “cục sắt” ấy leo lên dốc. Nếu may mắn gặp được “con trâu sắt” mạnh thì hành khách còn có phút nghỉ ngơi. Gặp phải “con trâu bệnh” như đóng sắt phế thì phải 1...2....3 đẩy, hò zô, hò zô...lên! Đó là sự lựa chọn duy nhất cho những người muốn đi xa.

Cái khung cảnh của mẹ và dì trong cái thời xa lơ xa lắc đó lại hiển hiện trong mỗi dịp lễ, tết tại các bến xe miền Nam. Không còn thời phải ngồi bên đóng than, gập gềnh và lắc lư; không còn thời lái xe cũng như hành khách mặt mày đen nhẻn vì bụi than.

Ngày nay…
Vé ơi là vé… - 1
Việc mua vé xe trong dịp Tết vẫn luôn là một vấn đề nhức nhối
Tôi đợi tết từng ngày. Tết để gặp mẹ, gặp người thân và vui vầy. Sự mong ngóng cho cuộc đoàn viên ấy càng dâng lên gấp bội khi thấy người người đổ xô đi mua sắm, gói gém để chuẩn bị cho cuộc hồi hương. Trong đó cái vé xe, vé tàu là thứ khiến người ta phải “bon chen” (theo cái nghĩa đen và nghĩa bóng) và đổ mồ hôi nhiều nhất.

Nào là đăng ký vé qua mạng. Thất bại. Đăng ký vé qua tin nhắn. Cũng thất bại. Thôi thì tới ngay cái trạm bán vé ở bến xe cho chắc. Đến rồi cũng phải đứng chờ, chen lấn. Đỗ mồ hôi, gào rát cả cổ, thậm chí phải bật khóc, ngám ngẫm nhưng vẫn thất bại.

Thân gái yếu như liễu, mềm như đào lấy đâu ra sức để “đọ” với đấng mày râu! Mà đừng nói đấng mày râu, không may mắn thì cũng đến đây cũng về không. Chợt nhớ đến “cục gạch” của mẹ và dì từ thời bao cấp. Với cái không gian nhố nhắng, người ken kín như nêm thì dù có cục gạch cũng không biết bỏ đâu ngồi để mà chờ đợi, mà xí chỗ.

Nghe ngống tin tức về lịch trình và bán vé của nhà xe từ hôm qua, sáng sớm hôm sau phải đến trạm vé đợi. Chưa bao giờ thấy những nhân viên bán vé họ sang trọng và... quan trọng như bây giờ. Họ như là người... ban phát vé, như kẻ ban ơn chứ không còn là người bán vé nữa. Một buổi mệt lả người nhưng vẫn về tay không khi nghe có người đã ngất xỉu vì chen mua vé.

Cô bạn gái đi cùng nói với tôi như khóc: “Về thôi mày ơi, mai lại lên nhờ gã bảo vệ to cao đi mua. Biết đâu ngoại hình lúc này là một lợi thế!” Tôi lôi máy điện thoại gọi về cho mẹ. Chắc mẹ sẽ hình dung không được cái tình cảnh này. Vé ơi là vé...

Yên Mã Sơn