Trả lời bạn Nguyễn Thanh Thủy (ghetthat75@yahoo.com)

Về cách tính trợ cấp thôi việc

(Dân trí) - Nhân viên làm việc cho công ty tôi từ tháng 9/2007 đến tháng 5/2010. Nhân viên này không tham gia Bảo hiểm vì không nộp các giấy tờ mà cơ quan BHXH yêu cầu (cái này do cá nhân không có nhu cầu tham gia bảo hiểm)...

Công ty tôi đóng bảo hiểm thất nghiệp cho tất cả những người đã tham gia bảo hiểm từ trước cho tới nay. Vậy công ty phải tính trợ cấp thất nghiệp cho nhân viên này như thế nào? Xin Luật sư trả lời giúp. Tôi xin cảm ơn.

 

Luật sư Nguyễn Hồng Bách trả lời :

Pháp luật hiện hành quy định:  ”Người lao động có trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật này” (Khoản 1 Điều 16 Luật BHXH); “Người sử dụng lao động có các trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 92 và hằng tháng trích từ lương, tiền công của người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 91 của Luật này để đóng cùng một lúc vào quỹ bảo hiểm xã hội” (Điểm a Khoản 1 Điều 18 Luật BHXH); Hành vi“không đóng Bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật này ” là hành vi bị cấm theo quy định tại Khoản 1 Điều 14 Luật BHXH.

 

Do đó, đóng BHXH là nghĩa vụ pháp lý của người lao động và người sử dụng lao động. Việc người lao động không đóng BHXH là trái quy định của pháp luật. Người sử dụng lao động có quyền Từ chối thực hiện những yêu cầu không đúng quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; (Khoản 1 Điều 17 BHXH); người đại diện người sử dụng lao động có các quyền “Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội.” (Điểm b Khoản 1 Điều 12 Luật BHXH). Người sử dụng lao động không thể đồng tình hoặc để mặc hành vi trái pháp luật của người lao động mà không có biện pháp giải quyết theo các quy định nêu trên.

 

Mặt khác, “Thời gian người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Luật này không được tính để hưởng trợ cấp mất việc làm hoặc trợ cấp thôi việc theo quy định của pháp luật về lao động, pháp luật về cán bộ, công chức.” (Khoản 6 Điều 139 Luật BHXH);  

“1. Thời gian người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 102 Luật Bảo hiểm xã hội không được tính để hưởng trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm theo quy định của pháp luật về lao động và pháp luật về cán bộ, công chức.” ;

2.Thời gian người lao động thực tế làm việc theo các bản hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc với người sử dụng lao động mà không phải đóng bảo hiểm thất nghiệp thì được tính để xét hưởng trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm theo quy định của pháp luật lao động hiện hành hoặc trợ cấp thôi việc theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức…” ; “

3.Thời gian người sử dụng lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định tại khoản 2 Điều 102 Luật Bảo hiểm xã hội được tính để miễn trách nhiệm trả trợ cấp mất việc làm hoặc trợ cấp thôi việc theo quy định của pháp luật về lao động, pháp luật về cán bộ, công chức.” (Khoản 1, khoản 2Khoản 3 Điều 41 Nghi định số 127/2008/NĐ-CP ngày  12/12/2008).

 

Theo quy định  tại Điều 2 Thông tư số 17/2009/TT - BLĐTBXH ngày 26/5/2009 sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư số 21/2003/TT - BLĐTBXH ngày 22/9/2003: Tổng thời gian làm việc tại doanh nghiệp tính trợ cấp thôi việc (tính theo năm) được xác định theo khoản 3, Điều 14 Nghị định số 44/2003/NĐ-CP ngày 09 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ, trừ thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Nghị định số 127/2008/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ…”

 

Căn cứ vào các quy định trên, vì Công ty bạn không tham gia bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động nên khi chấm dứt Hợp đồng lao động, Công ty bạn vẫn sẽ phải trả trợ cấp thôi việc cho người người lao động theo đúng quy định tại Điều 42 Bộ luật lao động.
 

Luật sư Nguyễn Hồng Bách - Chủ tịch HĐTV

Công ty luật Hợp danh Hồng Bách và Cộng sự

Số 6, Trung Yên 3, phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Điện thoại: 04.3.7868574 - 0913588529   Fax: 04.3.7868575

E-mail: bach@hongbach.com; Website: www.hongbach.vn

 

Diễn đàn - Bạn đọc