Văn hóa nhận trách nhiệm

Cử tri hết sức hoan nghênh Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã thẳng thắn nhận trách nhiệm và sẵn sàng chịu kỷ luật về việc dự báo sai sản lượng lúa gạo, gây thiệt hại lớn cho nông dân.

Các cử tri cũng đề nghị Bộ trưởng cần đưa ra giải pháp cụ thể để không tái diễn những việc tương tự.  

Hoan nghênh Bộ trưởng đã nhận trách nhiệm

Chúng tôi hoan nghênh Bộ trưởng Cao Đức Phát đã dám công khai nhận trách nhiệm và chịu kỷ luật do sự yếu kém trong công tác dự báo của Bộ NN & PTNT. Đây là một biểu hiện cơ bản nhất của người có trách nhiệm ở cương vị của người đứng đầu một Bộ.  

Mong các vị Lãnh đạo hãy là tấm gương sáng về tinh thần dám chịu trách nhiệm cho thế hệ trẻ Việt Nam noi theo và từng bước xây dựng nên con người Việt Nam có phẩm chất cao đẹp. (Tất Thắng, TPHCM

Bộ trưởng hay cấp cao hơn đi nữa cũng là một con người, vì vậy sai sót là khó tránh khỏi. Nhưng chúng ta không dung túng cho cái sai và càng bất bình vì thái độ của người mắc sai lầm nhưng đổ lỗi quanh. Bộ trưởng Cao Đức Phát nhìn nhận sai sót như vậy là có trách nhiệm và chỉ người có trách nhiệm mới sửa được sai và làm việc có hiệu quả. Tôi ủng hộ Bộ trưởng Cao Đức Phát và mong lãnh đạo các cấp hãy học tập. (Mai Văn Hoạt, Ngân hàng Công thương VN)

Phải chỉ rõ trách nhiệm từng người 

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Tôi hoàn toàn thông cảm với Bộ trưởng Cao Đức Phát về mục tiêu an ninh lương thực quốc gia. Thế nhưng, những người làm dự báo có lắng nghe các chuyên gia đáng tin cậy không? Có bám sát đồng ruộng mà làm không? Hay chỉ ngồi ở văn phòng nghe một nhóm người nào đó rồi có những dự báo đưa ra cho Chính Phủ quyết định tạm dừng ký hợp đồng xuất khẩu gạo “mang về” những thiệt hại to lớn cho nông dân Việt Nam? 

Những người làm công tác dự báo có công hay có tội đã quá rõ ràng. Tới bây giờ, tôi chỉ nghe Bộ trưởng nhận trách nhiệm một cách chung chung, chưa thấy cá nhân nào chịu trách nhiệm bằng việc làm cụ thể như từ chức để người có năng lực thật sự, người có trách nhiệm thật sự thay thế.  

Bộ trưởng lại đổ lỗi tồn đọng lúa gạo là do một phần của nông dân trồng giống lúa chất lượng kém, điều đó làm tôi thất vọng về Bộ trưởng. Nông dân họ đâu có tầm nhìn quốc tế, đâu có đội ngũ chuyên gia dự báo thị trường quốc tế. Nông dân ta có tập quán sản xuất lấy số lượng bù lại giá. Tại sao các năm trước không đủ lúa gạo để bán, lúa IR 50404 có khi bán giá ngang bằng với các loại giống hạt dài khác mà bây giờ không bán được? 

Qua đây, tôi hy vọng Chính phủ có những việc làm cụ thể hơn để làm hài lòng dư luận. Có những việc thưởng phạt cho những người có công và người có tội để dư luận không còn đặt các câu hỏi mà không người nào phải trả lời. (Nguyễn Hoàng Đạt, Đồng Tháp)  

Đề nghị Bộ trưởng đưa ra giải pháp cụ thể  

Tôi có câu hỏi gửi Bộ trưởng Cao Đức Phát: Dự báo sai về lúa gạo đã dẫn đến thiệt hại cho nông dân và đất nước bao nhiêu tỉ đồng? Tôi đề nghị chúng ta phải thẳng thắn và có số liệu cụ thể. Chính phủ làm công tác quản lý, nếu không có đo lường thì không thể quản lý được. Bộ trưởng nhận trách nhiệm về mình như thế chứng tỏ là người có tự trọng. Điều đó là tốt nhưng chưa đủ và chưa hết trách nhiệm. Đề nghị Bộ trưởng sau khi cân nhắc các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định thì đưa ra giải pháp cụ thể để việc này không tái phạm nữa.  

Để dự báo đúng sản lượng lúa gạo, người dự báo phải am hiểu nghề nông, phải trực tiếp tìm hiểu tình hình diễn biến trên đồng ruộng và những thay đổi tiềm năng để hiệu chỉnh kết quả dự báo. Nên xây dựng các mô hình toán học phục vụ công tác dự báo, máy tính có thể giúp chúng ta xử lý nhiều tình huống giả định. Tuy vậy, để có kết quả dự báo tốt, chúng ta cần kết hợp và so sánh kết quả giữa nhiều phương pháp khác nhau.  

Tôi cho rằng nếu những người dự báo về sản lượng lúa gạo vừa qua có một cách tiếp cận nông dân và am hiểu nghề nông thì chắc chắn Bộ NN&PTNT sẽ không có sai lầm khiến nông dân phải thiệt thòi như thời gian qua. Trận lũ lụt vừa rồi đã gây tổn thất nặng nề cho nhà nông. Liệu các nhà dự báo nông nghiệp có dám chắc rằng Tết Nguyên đán sắp tới này sẽ đắt đỏ không? Thất bại trong quá khứ là bài học, tương lai sẽ đánh giá thực lực của bạn. (Thanh Thiên, Hà Nội)

Theo VietNamNet


LTS Dân trí - Đọc và nghe ý kiến của các cử tri phát biểu vào các kỳ họp Quốc hội đủ biết trình độ dân trí của nước Việt Nam ta đã cao hơn trước rất nhiều. Ứng xử với trình độ dân trí như vậy, tốt nhất là nên thẳng thắn và chân thành, nếu làm sai thì nhận là sai, nếu có thiếu sót thì nhận là thiếu sót và kỳ họp quốc hội lần sau đừng tái diễn lại nữa làm cho cử tri phải bất bình. Có lẽ nhận thức được như vậy, cho nên Bộ trưởng Cao Đức Phát đã thẳng thắn nhận trách nhiệm về mình trong công tác dự báo của bộ, mặc dù ông không phải là người trực tiếp làm công việc này.

Nhưng đạo lý truyền thống của dân tộc đã dạy: “Con dại cái mang” và xem ra thông lệ quốc tế ngày nay cũng cho thấy: việc gì hệ trọng xảy ra trong ngành nào thì bộ trưởng trong lĩnh vực ấy là người đầu tiên phải chịu trách nhiệm. Có thể gọi đấy là “Văn hóa Trách nhiệm”.

Mong rằng Văn hóa Trách nhiệm sẽ dần trở thành nếp sống trong xã hội dân chủ của chúng ta.