Văn hóa giao thông – lại vấn đề ý thức

Nỗi lo về văn hóa giao thông không phải bây giờ mới được gióng chuông báo động, mà đã trở thành nỗi bức xúc ám ảnh từ lâu với bất kỳ ai, nhất là những người nước ngoài dù chỉ một lần tới Việt Nam. Nguyên nhân được mổ xẻ nhiều nhất vẫn là ý thức.

Văn hóa giao thông –  lại vấn đề ý thức - 1
             Người tham gia giao thông cứ mạnh ai nấy đi

Người viết bài này cũng  có dịp đi một số nước, và nhận thấy rằng có lẽ không đâu người dân kém ý thức trong nhiều lĩnh vực cuộc sống như ở Việt Nam. Tất nhiên không phải đa số như vậy, nhưng không biết tự bao giờ cái tâm lý “ngại va chạm”, “tránh voi chẳng xấu mặt nào” hoặc nói tóm lại là cứ “mũ ni che tai” cho an toàn, đã trở nên phổ biến trong nhiều người chúng ta, nhất là các cư dân đô thị lớn.

 

Không phải thế sao? Nếu không thì đâu tới mức ra đường giờ đây đa số người ngay lại phải né, hay nói trắng ra là sợ kẻ gian. Thấy hành vi phạm tội không dám tố cáo, không dám tham gia vây bắt vì sợ bị hành hung. Thấy những hành vi kém văn hóa như hút thuốc lá nơi công cộng, nói tục, chửi bậy, xả rác bừa bãi, kẻ mạnh ức hiếp người yếu, cũng hoặc làm thinh, hoặc về nhà (tới công sở) mở laptop bày tỏ bức xúc, đòi hỏi nhà chức trách phải chịu trách nhiệm thế, phải có biện pháp… qua các báo mạng?

 

Đúng là quá bức xúc, quá… buồn. Về vấn nạn này, nhiều độc giả đã lên tiếng, đi vào những khía cạnh khác nhau cùng những hệ lụy của vấn đề :

 

Về ý thức chủ quan của người dân, theo bạn Bùi Minh Sơn  - email:  minhson42@yahoo.com:

 

Ở Việt Nam không chỉ văn hóa giao thông kém, mà có lẽ văn hóa gì cũng xuống cấp. Ví như văn hóa bóng đá, văn hóa học đường, văn hóa thi cử, văn hóa công sở... Điều này có lẽ các nhà xã hội học cần nghiên cứu, phân tích mổ xẻ tìm ra nguyên nhân gốc rễ của nó. Có như vậy mới chữa trị được. Cá nhân tôi cho rằng ở VN văn hóa làm quan hay văn hóa lãnh đạo đã bị xuống cấp trầm trọng, và nó làm lây lan ra toàn xã hội. Lãnh đạo mà tham nhũng là không có văn hóa; lãnh đạo mắc sai lầm khuyết điểm mà không bị xử lý nghiêm, không từ chức là không văn hóa; mà lãnh đạo đã không có văn hóa thì không thể thuyết giáo cho ai được. Đó là gốc rễ của vấn đề. Còn hạ tầng giao thông kém cũng là một nguyên nhân, nhưng không phải là chủ yếu.

 

Cùng quan điểm như vậy, bạn Như Minh  - email:  nhminh27@hn.vnn.vn nhấn mạnh tới điều tưởng nhỏ mà rất lớn:

 
Ý thức con người tuân thủ qui định về giao thông, nhường nhịn đi đúng làn là một điều lớn (lâu nay chúng ta thường coi điều nhỏ). Trình độ phát triển của chúng ta còn kém hơn Thái Lan, Lào và Campuchia khi nhìn dưới góc độ giao thông trên đường. Thực ra chúng ta cũng phải xấu hổ so với nước bạn - nơi tất cả nhường nhịn và tuân thủ luật giao thông. Vấn đề ở chỗ chúng ta xác định rõ rằng chúng ta kém hơn nước bạn để mà phải phấn đấu vươn lên .....

 

Cũng có không ít bạn phân tích cả sự đan xen nguyên nhân khách quan với cái tôi, cái sĩ diện quá lớn trong một bộ phận không nhỏ người dân, nhất là lớp trẻ.

 

Bạn Hà Nga  - email:  phuongbuon25886@yahoo.com viết:

 

Tôi nghĩ rằng đúng là do khách quan của môi trường xã hội tạo nên. Phải chịu cảnh tắc đường và hít khói bụi . Ai trong trường hợp đó cũng khó chịu cả. Nhưng ở đây vấn đề quan trọng là văn hóa ứng xử của người tham gia giao thông mà thôi. Đâu phải ai khi tham gia giao thông và bị va quẹt đều ứng xử theo cách bạo lực như vậy. Có chăng ở đây là do cái tôi cá nhân của họ quá cao.

 

 Tuan  - email:  xdanze@yahoo.com nhấn mạnh sự chi phối của môi trường tới con người:

 

Mọi người cứ đổ lỗi cho đạo đức, thật vớ vẩn. Thử đặt tình huống đường sá VN đẹp, an toàn và hiện đại như nước ngoài, người dân ai cũng đi xe hơi tàu điện xem, còn lâu mới có tình trạng đâm chém nhau như thế này. Con người bị chi phối rất nhiều bởi môi trường sống. Với tình trạng giao thông tệ hại của VN như thế này thì đừng bao giờ mong người dân thay đổi được "đạo đức" hay "văn hóa" đi đường. … Một khi môi trường sống văn minh thì con người sẽ trở nên văn minh và có văn hóa hơn thôi. 

 

Bạn Hung hn - email:  hungvang2002@yahoo.com khuyến cáo tâm lý "ăn thua" và sự kết hợp giữa giáo dục, răn đe với những chế tài xử lý mạnh:

 

Thật buồn vì cách cư xử của người Việt Nam, chỉ một xô xát nhỏ nhưng vì sỹ diện háo thắng không ai chịu nhường nhịn nên mới dẫn đến hậu quả đau lòng.  Đúng là ra đường nếu có va chạm nhẹ thôi thì cảm giác như người ta đã muốn thắng thua xông lên, bởi đơn giản họ cho rằng nếu không làm vậy sẽ cảm thấy nhục nhã thua thiệt. Do vậy, ngay từ bây giờ chính quyền nên có biện pháp mạnh thông qua các chế tài xử phạt thật nặng,  không chỉ với vi phạm luật mà cả với những cách ứng xử thiếu văn hóa trong tham gia giao thông. Có thể dùng vũ lực hoặc nhốt giam, cải tạo bằng vũ lực và giáo dục tư tưởng ý thức chấp hành. Có vậy mới tạo ra xã hội có ý thức được. Nếu không sẽ dần tạo nên một xã hội thiếu văn minh, coi thường luật pháp, thiếu tôn trọng người xung quanh.  

 

Một số dẫn chứng về ý thức tham gia giao thông của nước ngoài cũng được nêu ra  như những bài học "trông người lại ngẫm đến ta":

Tuandinh  - email:  tuanktnlk46@yahoo.com:

 

Nếu ai đó đã từng ra nước ngoài thì sẽ thấy rõ sự khác biệt về văn hóa giao thông của ta và của bạn. Ở nước bạn mọi người có xu hướng nhường người khác đi trước, trong khi ở ta thì mọi người đều muốn mình đi trước. Ở nước bạn mọi người sẽ xấu hổ và sửa lỗi nếu mình đi sai làn đường hoặc vi phạm luật giao thông, còn ở ta thì không sửa mà tiếp tục vi phạm. Ở nước ngoài họ coi việc sử dụng còi là mất lịch sự, còn ở ta thì mọi người luôn có xu hướng sử dụng còi nhiều nhất có thể. Ở nước ngoài đi đúng làn đường có trật tự cho dù có tắc ở làn đường của mình kéo dài hàng km, nhưng không bao giờ có ai rẽ ngang sang làn khác, còn ở ta thi chỗ nào có đường là ta đi.

 

Nguyễn Trung Thành  - email:  Thanh_mc99@yahoo.com phân tích sâu hơn: 
 

Tôi nghĩ, đây không chỉ dừng lại ở văn hóa giao thông mà:

 

Thứ nhất, đó là một trong những hệ lụy của xã hội hiện nay. Dân số tăng cao (tập trung chủ yếu ở đô thị, đặc biệt là các đô thị lớn) dẫn đến một bộ phận lớn dân cư đô thị phải chật vật bươn chải để mưu sinh. Trong khi xung quanh họ là vô vàn sức ép khác, mà trong xã hội hiện nay thì các biện pháp để nâng cao đời sống hoặc ưu tiên giải quyết việc làm hay phúc lợi xã hội còn quá yếu...

 

Thứ 2, phân hóa giàu nghèo đang ngày càng rõ trong xã hội chúng ta, nhưng vấn đề ở chỗ sự "giàu" ở đây chưa thực sự thuyết phục bởi hai chữ "chính đáng" dẫn đến mâu thuẫn giàu-nghèo ngày càng cao....

 

Thứ 3, một phần quan trọng nữa là những thói hư tật xấu còn tồn tại trong nhiều người Việt Nam như: tính ích kỷ, hẹp hòi, ghen ghét lẫn nhau.... Cộng với lý do cuối cùng là bức xúc với sự yếu kém của hệ thống hạ tầng giao thông dẫn đến mật độ người tham gia giao thông quá cao trên cùng thời điểm. Đồng thời sự kém hiểu biết, mạnh ai nấy "bươn", không nhường nhịn trên đường khiến một số người không thể kiềm chế hành vi (đặc biệt là những kẻ trong người mang sẵn máu côn đồ), là sự đương nhiên dẫn đến người ta sẵn sàng tước đoạt tính mạng của nhau chỉ vì những lý do tưởng chừng như vụn vặt đó.

 

Sẽ tốt hơn biết bao nếu mỗi người trong chúng ta luôn tự nhìn lại chính mình, tự rèn luyện cho mình ý thức sống có trách nhiệm cả trong gia đình và ngoài xã hội.  Đồng thời luật pháp cũng cần được thực thi thật nghiêm minh, không nên quá nặng về tình mà thiếu sức nặng của lý. Thuốc đắng dã tật, mà căn bệnh thiếu ý thức xem ra đã trầm kha rồi…
 
                                                                                                                                                                                                                     Kiều Anh tổng hợp